Thứ Bảy, 04/05/2019 06:45

“Bội thu” đơn hàng mùa dịch

9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng may mặc đạt 367,9 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu vui, khi số lượng đơn hàng tăng trở lại sau thời gian sụt giảm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Sàn kinh tế hợp tác: Cần tăng cường quảng bá để phát huy hiệu quả

Công ty CP Da Giày Huế đầu tư thiết bị hiện đại đáp ứng các đơn hàng của đối tác và tăng năng suất, tiết giảm nhân công

Đã ký đơn hàng năm 2022

Là doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất các sản phẩm xuất khẩu cho Tập đoàn IKEA (Thụy Điển) - Tập đoàn lớn chuyên cung cấp các bộ sản phẩm đựng đồ gia dụng cho khách hàng trên thế giới - nên 2 nhà máy may của Công ty CP Da Giày Huế luôn có nguồn hàng ổn định, số lượng đơn hàng dồi dào. Với hơn 600 lao động sản xuất tại 2 nhà máy ở Cụm công nghiệp Tứ Hạ và Hương Sơ, để đáp ứng nguồn cung cho đối tác, DN phải hoạt động hết công suất và tăng cường đầu tư máy móc tiên tiến để tăng năng suất.

Giám đốc công ty - ông Nguyễn Xuân Tịnh cho rằng, bước sang quý III/2021, khi các nhà máy may ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam phải đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19 nên không thể thực hiện các đơn hàng đã ký với đối tác, Tập đoàn IKEA chuyển hướng và ký kết bổ sung các đơn hàng mới tại các nhà máy đóng ở các tỉnh, thành phố ít ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có Thừa Thiên Huế. Vì vậy, hiện đơn hàng khá nhiều, tăng gấp đôi với với cùng kỳ năm 2020. Dù chưa hết năm 2021, song đơn hàng năm 2022 đã ký sẵn.

Ông Tịnh cho biết, để đáp ứng đơn hàng cho các đối tác cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm nhân công, DN đã đầu tư hệ thống máy may tự động, đồng thời đào tạo nghề cho lao động để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thêm các ngành hàng xuất khẩu.

Tại Công ty Scavi Huế, với mức tăng từ 20- 30% so với cùng kỳ năm 2020 và khoảng 40% so với quý I/2021, hiện đơn hàng của DN đã nhận đến giữa năm 2022, 4 nhà máy may đang hoạt động hết công suất để thực hiện giao hàng đúng hẹn.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty Scavi Huế

Theo Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế - ông Trần Văn Mỹ, để đáp ứng nhu cầu gia tăng số lượng hàng cho các đối tác xuất khẩu khi các đơn hàng liên tục tăng, đồng thời chia sẻ khó khăn cho các nhà máy may ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh phải đóng cửa và giảm số lượng hàng do ảnh hưởng dịch, công ty đang đầu tư xây dựng thêm 1 nhà máy may mới với quy mô 2.000 lao động, kinh phí 150 tỷ đồng. Đồng thời, phát triển khu thương mại, dịch vụ hậu cần ngành dệt may, phấn đấu đưa KNXK năm 2021 lên 350 triệu USD, tăng 40% so với năm 2020. Hiện, DN đang thông báo tuyển dụng thêm 2.000 lao động để bổ sung nguồn lực cho các nhà máy, trong đó ưu tiên các lao động trở về từ các vùng dịch và có nhiều chính sách ưu đãi cho các lao động có tay nghề đã từng làm việc tại các nhà máy may ở các tỉnh phía nam.

Đầu tư thiết bị, phát triển chuỗi cung ứng

Sau những khó khăn về đơn hàng, đầu ra cho sản phẩm, những tháng cuối năm 2021, nhiều DN dệt may đang quay lại guồng sản xuất khi nhận được nhiều đơn hàng, trong khi nguồn cung nguyên phụ liệu ổn định nên gặp nhiều thuận lợi trong sản xuất.

Theo lãnh đạo Công ty CP Dệt May Huế, tình hình sản xuất kinh doanh của DN trong 9 tháng đầu năm 2021 chuyển biến tích cực. Doanh thu tiêu thụ tăng cao, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020. Để đáp ứng đơn hàng, các nhà máy của công ty thực hiện tốt các giải pháp tăng năng suất lao động, doanh thu gia công mỗi nhà máy đạt tới ngưỡng 12 tỷ đồng/tháng, cao nhất từ trước đến nay, năng suất lao động bình quân đạt trên 25 USD/người/ngày. Hiện, công ty đã đàm phán và ký kết đơn hàng đến hết quý IV/2021 và đang tiếp tục nhận đơn hàng của năm 2022 của các khách hàng lớn như Kohl’s, Target, Perry Ellis…

Thông tin từ Sở Công thương, KNXK hàng hóa trong tháng 9/2021 đạt 103,8 triệu USD, đưa tổng KNXK 9 tháng đầu năm 2021 đạt 840,3 triệu USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ và đạt 91,3% kế hoạch năm. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 633 triệu USD, tăng 25,5% và chiếm tỷ trọng 75,4% tổng KNXK, trong đó: xơ, sợi dệt các loại ước đạt 203 triệu USD, tăng 62,0%; hàng may mặc ước đạt 368 triệu USD, tăng 12,7%.

Dù đơn hàng đã tăng trở lại, tuy nhiên những mặt hàng thế mạnh của các DN dệt may trên địa bàn như veston, sơmi vẫn chưa khôi phục do các nước vẫn đang ảnh hưởng dịch, người dân hạn chế ra ngoài. Các DN chủ yếu sản xuất các mặt hàng như nội y, đồ ngủ, đồ ấm, đồ bảo hộ y tế, khẩu trang… nên phải đầu tư kinh phí trang bị hệ thống máy móc để đáp ứng các đơn hàng mới.

Theo các DN dệt may, vấn đề cấp bách hiện nay là cần mạnh dạn đổi mới quy trình công nghệ, kết hợp đúng mức các trình độ công nghệ hiện có, đầu tư mua sắm thiết bị dệt may đồng bộ, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao, loại bỏ dần các thiết bị công nghệ lạc hậu, không còn thích hợp.

Giám đốc Công ty CP Dệt may Phú Hòa An - ông Lê Hồng Long cho rằng, hàng dệt may có đặc điểm là có tính linh động cao trên thị trường, chu kỳ sản phẩm ngắn, tính "mốt" thể hiện rõ, tính quốc tế cao. Do đó công nghệ phải đổi mới nhanh và theo hướng hiện đại. Đổi mới máy móc thiết bị giúp năng suất tăng cao, chất lượng sản phẩm được đảm bảo tốt hơn, đảm bảo số lượng các đơn đặt hàng mà khách hàng yêu cầu. Khi thiết bị hiện đại, DN có đủ điều kiện để sản xuất những sản phẩm thời trang, các sản phẩm đa dạng và nhiều mẫu hơn, đáp ứng được những khách hàng khó tính.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, xu thế hiện nay, các DN dệt may trên thế giới đang chuyển đến sản xuất tại Việt Nam nhiều hơn. Các DN cần tăng cường mối liên kết hợp tác với các tập đoàn phân phối, bán lẻ lớn trên thế giới nhằm ổn định khách hàng và từng bước tham gia vào các chuỗi liên kết của họ. Sự liên kết này còn nằm trong chuỗi liên kết giữa các nhà sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu cùng hệ thống các nhà tiêu thụ sản phẩm. Sở sẽ tranh thủ các nguồn vốn khuyến công để hỗ trợ cho các DN một phần kinh phí đầu tư thiết bị, đào tạo nghề, đồng thời phổ biến các thông tin liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu để các DN nắm bắt các thông cần thiết...  

Bài, ảnh: Thanh Hương

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Tạo sức hút từ những việc nhỏ
Tạo sức hút từ những việc nhỏ

Gần gũi với người lao động (NLĐ), hiểu và giúp đỡ NLĐ kịp thời các vấn đề liên quan đến đời sống và việc làm là cách Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Phong Điền tạo sức hút cho công đoàn.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.

Gian nan tìm việc làm
Gian nan tìm việc làm

Nếu chẳng may bị mất việc, phụ nữ tuổi trung niên sẽ gian nan tìm việc làm do các cở sở sản xuất, kinh doanh… chủ yếu tuyển dụng lao động trong độ tuổi từ 18 - 35.