1. “Mắt núi” là tập thơ đầu tay của Nguyễn Thị Nam do NXB Thuận Hóa ấn hành cuối năm 2021. Tác giả Nguyễn Thị Nam sống và làm việc tại vùng đất Nam Đông, nên chị dường như ưu ái khi viết nhiều về đề tài miền núi. Tập thơ “Mắt núi” gồm 43 bài thơ hầu như được viết bằng giọng thơ trong vắt tựa như núi đồi miền sơn cước xanh ngát bóng cây, như cụm mây bảng lảng trôi giữa chiều mờ sương khói mà yên ả, như giọt mưa rơi qua núi, giọt nắng rớt trên nương, vừa bình dị mà đẹp đến nao nao.
Bìa tập thơ “Mắt núi” của Nguyễn Thị Nam
Cuộc sống của người đồng bào đi vào thơ Nam một cách nhẹ nhàng. Đó là hình ảnh những chàng trai, cô gái lên nương bẻ bắp, hái măng, băng rừng, lội suối, nhọc nhằn mà đầy sức sống. Chị viết mà như không viết, rõ ràng đó là những lời thủ thỉ hàng ngày vậy mà dễ dàng đi vào lòng người đọc, ngọt lành như sương núi miền cao. Người đọc sẽ nhớ mãi người con gái Cơ Tu ngồi miệt mài dưới ráng chiều dệt dzèng. Đẹp đến nắng cũng muốn len qua liếp cửa, rón rén ngắm nàng thơ “Bàn tay em khéo léo/ Bắt chỉ với xâu cườm/ Nắng vén giòn vách nứa/ Rón rén bước vào xem” (Em gái Cơ Tu).
Đọc tập thơ “Mắt núi”, người đọc sẽ thích thú khi lạc vào chốn núi non chập chùng, mờ ảo khói sương. Một buổi chiều bình dị trên đồi như yên bình hơn khi bóng hoàng hôn nhuộm tím ngát cả chân trời. Âm thanh khua leng keng vọng lên trong gió núi khi đàn bò thong dong về bản giữa trời chiều bát ngát mây bay, vẽ nên một khung cảnh đẹp đến xao xuyến lòng người: “Vẫn những buổi chiều rực lửa/ Hoàng hôn nhuộm tím chân đồi/ Leng keng đàn bò về bản/ Lưng trời mây - khói quyện trôi” (Chiều về buôn em). Ở nơi này, cuộc sống mỗi ngày trôi đi thật bình dị mà muôn vàn ấm áp: “Nắng lên ong cho mật/ Mưa về rừng cho măng/ Ngày nghe chim thánh thót/ Đêm say điệu chiêng cồng” (Em là con gái bản).
Viết nhiều về đề tài dân tộc thiểu số, nên lắm lúc nhà thơ cũng trăn trở về sự đô thị hóa khiến nhiều bản sắc văn hóa vùng cao đang dần mai một. Những người trẻ cứ xuôi dần về phố thị, bỏ lại bản làng sau lưng mình. Đến nỗi “Dàn cồng chiêng nằm trên tường ngơ ngác/ Văn hóa rừng đứt… gãy… xót xa” (Đâu rồi?). Hay“Tiếng chiêng bao đời buồn vui cùng lũ làng nằm trên tường trăn trở/ Người trẻ nhìn chiêng xa lạ quá rồi” (Gìn giữ tiếng chiêng). Nói tiếng chiêng mà gói trong đó bao nhiêu là thứ. Những nếp sống, nếp nghĩ, những nét đẹp văn hóa của bản làng cứ dần dần mất đi bản sắc, chìm lấp lặng lẽ theo bước thời gian trong niềm tiếc nuối ngẩn ngơ.
2. Nhà thơ Nguyễn Thị Nam sinh ra ở Thái Bình nhưng theo ba mẹ đi kinh tế mới ở Kon Tum. Sau khi trưởng thành lại lập gia đình và sinh sống tại Thừa Thiên Huế. Xa nhà theo chồng đến Huế và gắn mình với vùng đất Nam Đông, nỗi nhớ mẹ, nhớ quê thường thấp thoáng trong thơ chị. Đó là bóng dáng người mẹ tảo tần sớm khuya, cả một đời vất vả áo cơm, ngày giá lạnh vẫn trằn mình trên đồng sâu cấy lúa: “Cọng rơm khô cháy hết mình sưởi ấm/ Bàn tay gầy cóng buốt mấy mươi năm” (Gửi). Gặp một mùi hương quen cũng khiến lòng quay quắt nhớ mẹ “Mùi hương bồ kết thoảng bay/ Lan vào nỗi nhớ đong đầy tim con” (Tóc mẹ). Ai rồi cũng lớn, rồi cũng rời xa vòng tay mẹ, nợ áo cơm che lấp đường về, để một hôm nào đó nghe lòng quặn thắt “Bạc lòng ra cắn môi tự thú – Nhớ nhà”.
Nhớ mẹ, nhớ quê, là nhớ về những ngày tháng tuổi thơ ngọt ngào “Con cò trắng giật mình vút qua/ Nghiêng biển lúa rì rào duỗi sóng/ Lũ trẻ chăn trâu đốt chiều bằng mùi khoai lang nướng/ Mùi của tuổi thơ quay quắt tìm về” (Bến quê). Để thấy, dù nơi đâu cũng chẳng bằng quê nhà thương dấu. Có khi lại nao nao nhớ những buổi sáng bình yên nơi căn nhà cũ “Lim dim bên hiên nhà ngắm bầy chim sẻ/ Tung tăng mổ nắng yên bình” (Nhớ nhà). Và dường như nỗi nhớ ấy cứ loang loang chẳng thể nào khuất lấp được.
Trong tập “Mắt núi”, tác giả cũng dành một phần để nói về tình yêu. Tình yêu trong thơ Nam luôn đầy day dứt. Đó là những người phụ nữ luôn mang trong mình trái tim không trọn vẹn, trái tim đầy vết sẹo từ những cuộc yêu. Dẫu vậy họ vẫn luôn khát khao yêu, dẫu tình yêu đôi khi là chút hạnh phúc đánh cắp được nên cứ xót xa, ray rứt: “Về đi anh mặc kệ nỗi đau này/ Em sẽ tự mình trừng phạt/ Tự vá vết thương của kẻ đã từng bị đánh cắp và giờ là người ăn cắp/ Hạnh phúc của người đàn bà cũng tội nghiệp như em” (Về đi anh). Và đâu đó, một người đàn bà khác cũng đang ôm vết thương lòng bị phản bội, tự khâu vá mình để giữ mái ấm cho con “Thương con trẻ vẫn chưa kịp lớn/ Nên ngược lòng khâu vá vết thương” (Khâu vá vết thương). Để rồi “Chiếc giường nhỏ gió lùa vào như thể/ Khoảng cách thật xa”. Chẳng ai muốn đổ vỡ, chia lìa, nhưng rồi chợt nhận ra, chỉ có buông tay mới làm cuộc đời thanh thản, nên “Lũ sẻ nâu thôi mổ nắng trước sân nhà/ Mùa lá rụng trút dày thềm vắng/ Mưa trệu trạo nhai nỗi buồn văng vẳng/ Em buông tay người cho dứt những niềm đau” (Mảnh ghép).
Tình yêu trong thơ Nam thường không trọn vẹn, bởi người phụ nữ luôn mang trong lòng vết sẹo âm ỉ. Những vết sẹo tình yêu dễ gì vá víu được, nhưng qua bao dâu bể đời người, hết mưa dầm dề cũng đến ngày nắng đẹp, cùng trời cuối đất, họ lại may mắn gặp được mảnh ghép đời mình, trái tim lại lần nữa được chữa lành: “Anh đến bên vá lại cuộc đời/ Cần mẫn từ những điều đơn giản nhất/ Cho em tin tình yêu là có thật/ trái tim mềm ra từ những vết thương lòng (Cảm ơn cuộc đời).
Nguyễn Thị Nam quan niệm, thơ vuốt mềm những chai sạn, xoa dịu nỗi đau nên chị tìm đến thơ để mà bầu bạn, yêu hơn cuộc sống này. Và người đọc, sẽ thấy tình yêu ấy được thể hiện rõ nét trong tập thơ “Mắt núi” của chị.
Bài, ảnh: LÊ HÀ