Thứ Ba, 18/02/2020 21:27

Cần có chiến lược xây dựng, quy hoạch cơ sở dữ liệu

Dữ liệu đóng vai trò then chốt để quá trình chuyển đổi số (CĐS) thành công. Trong khuôn khổ Tuần lễ CĐS Huế 2022, xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA).

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA)

- Thưa ông, thực trạng dữ liệu và quy hoạch dữ liệu tại Việt Nam hiện nay như thế nào? Nước ta đã  có những cơ sở pháp lý gì về dữ liệu mở?

Hiện nay, Việt Nam có 10,6 nghìn tập dữ liệu mở. Trong Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025". Theo đó, năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số dữ liệu mở…

Tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia về CĐS, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tránh mọi tư duy “cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu”.  Trước đó, Văn phòng Chính phủ đề nghị phải tạo nên kho dữ liệu dùng chung giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công một cửa thuận tiện. Do vậy, việc xây dựng, chuẩn hoá, quản lý, khai thác dữ liệu trên phạm vi quốc gia là rất quan trọng.

Cơ sở pháp lý về dữ liệu mở quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về  quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số. Theo đó, Điều 6 của nghị định này nêu rõ: Cơ quan nhà nước quản lý dữ liệu có trách nhiệm thực hiện hoạt động quản lý, quản trị dữ liệu, đảm bảo sẵn sàng kết nối, chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Dự thảo về Danh mục dữ liệu mở của cơ quan nhà nước ưu tiên triển khai do Bộ Thông tin & Truyền thông biên soạn, đang lấy ý kiến trình Chính phủ phê duyệt.

- Ông có cho rằng, việc không có quy hoạch nền tảng dữ liệu và chia sẻ dữ liệu sẽ tạo nên những khó khăn lớn?

Điều đó sẽ tạo ra những “nỗi đau” lớn. Đối với với chính quyền tỉnh, thành, sẽ không kết nối được với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu chuyên ngành; không khai thác được dữ liệu sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình CĐS.

Cán bộ viên chức sẽ nhập dữ liệu trên nhiều phần mềm dẫn đến mất thời gian, khó quản lý, tra cứu; doanh nghiệp, người dân khó khăn tìm hiểu và tra cứu thông tin. Ngoài ra, thông tin tản mát, không có nguồn chính thống; mất thời gian khi thực hiện  dịch vụ công…

- Theo dõi nền tảng dữ liệu tại Thừa Thiên Huế những năm gần đây, ông đánh giá như thế nào?

Huế chú trọng và đầu tư bài bản, có nhiều hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu. Năm 2020, Huế đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố về chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Mặc dù vậy, Huế chưa ban hành chiến lược dữ liệu; có ít dữ liệu đăng tải lên cổng dữ liệu mở; dữ liệu tản mát làm giảm hiệu quả khai thác, tái sử dụng; thiếu nền tảng dữ liệu tập trung. Hiện nay, các sở, ngành, địa phương sử dụng nhiều phần mềm, chưa làm chủ dữ liệu. Dữ liệu của tỉnh khai thác chưa quá 5%...

Hệ thống cơ sở dữ liệu là nền tảng để CĐS thành công

- Vậy, giải pháp nào để quy hoạch và khai thác dữ liệu hiệu quả?

Các yếu tố quyết định thành công của cơ sở dữ liệu dùng chung đó là xây dựng chiến lược quy hoạch, khai thác và chia sẻ dữ liệu bằng cơ chế, chính sách quản lý, chia sẻ dữ liệu dùng chung được ban hành, áp dụng và cập nhật thường xuyên; làm giàu dữ liệu, nâng cao chất lượng dữ liệu nguồn bằng cách đẩy mạnh thu thập từ nhiều nguồn, coi dữ liệu là tài nguyên mới. Ngoài ra, phải có danh mục dữ liệu dùng chung; chính sách, quy trình quản lý, tập hợp dữ liệu dùng chung; chuẩn hóa dữ liệu dùng chung; quy định về hình thức, chu kỳ...

Thừa Thiên Huế cần chuẩn hóa dữ liệu bằng cách đưa tiêu chuẩn cấu trúc thông tin, cách thức lưu trữ, chia sẻ giữa các sở/ngành, huyện/thị/thành phố… và giải quyết  bài toán cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực của tỉnh; chia sẻ dữ liệu đến đúng các bên sử dụng, đảm bảo nguyên tắc “cần - sống”…

Những giải pháp trên hướng tới mục tiêu chính quyền có nền tảng để quản trị, lưu trữ và đưa quyết định dựa trên dữ liệu; người dân, doanh nghiệp chỉ cần đến một nơi có thể thực hiện tất cả các thủ tục. Dữ liệu của người dân, tổ chức từng khai báo phải được kế thừa, khai thác.

Tôi cho rằng, trước hết sẽ có một số bài toán tiêu biểu cần hướng tới, đó là quản lý đăng nhập tập trung, duy nhất (SSO) cho người dân và doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ công; cung cấp thông tin tổng quát nhất về tình trạng của mỗi người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với chính quyền; cung cấp các dịch vụ xác thực tập trung cho ng dân và doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch với chính quyền; cung cấp thông tin cơ bản xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ quy hoạch, phát triển đô thị; cung cấp thông tin thống kê cho các cơ quan chính quyền phục vụ quản lý điều hành.

- Thời gian tới, phía VINASA sẽ hỗ trợ tỉnh những gì để dữ liệu sẽ là nền tảng thúc đẩy quá trình CĐS

Chúng tôi đề xuất Huế chọn những đơn vị đồng hành có năng lực, am hiểu về chuẩn hóa và tập trung hoá dữ liệu. Đồng thời, sẽ hỗ trợ tư vấn hoạch định quy định, thể chế thí điểm.

VINASA cũng đề xuất cơ quan quản lý tư vấn xây dựng mô hình/quy trình quản trị, thúc đẩy các lĩnh vực dựa trên dữ liệu; cử chuyên gia xác định những vấn đề trọng tâm nhằm giải quyết các bài toán bằng dữ liệu; tổ chức đào tạo, hội thảo về khai phá dữ liệu, phân tích dữ liệu cho các sở, ngành…

Huế nói riêng và các tỉnh, thành trong cả nước nói chung nên cùng doanh nghiệp CNTT bàn bạc, để có hướng tiếp cận phù hợp, nhanh chóng, tạo động lực cho phát triển kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh...

Xin cảm ơn ông!

Lê Thọ (thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp
Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh chủ động đổi mới, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) nhằm xây dựng, hình thành hệ sinh thái số GDNN, đáp ứng nhu cầu của người học trong nền kinh tế số, xã hội số.

Khởi động dự án về liên danh chuyển đổi số trong giáo dục đại học Việt Nam
Khởi động dự án về liên danh chuyển đổi số trong giáo dục đại học Việt Nam

Là đại diện duy nhất tại Việt Nam tham gia đồng trưởng điều hành dự án “DIGI: ĐỔI” - Liên danh chuyển đổi số trong giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam, ngày 14/2, Trường ĐH Phú Xuân phối hợp cùng Trường ĐH Liverpool John Moores và Hội đồng Anh British Council (đơn vị tài trợ) tổ chức chương trình khởi động dự án, với sự tham gia của hơn 60 trường ĐH, cao đẳng và THPT trên toàn quốc.

Chuyển đổi số Tư duy, hành động mới
Chuyển đổi số: Tư duy, hành động mới

Tại Thừa Thiên Huế, chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động của nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN), địa phương đang có nhiều chuyển biến hiệu quả, thích ứng với tình hình thực tế.