Thứ Ba, 14/10/2014 09:20

Cần sự thay đổi căn cơ

Trong những ngày qua, nhiều câu chuyện liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản khiến chúng ta phải suy nghĩ về chuyện sản xuất nông nghiệp bền vững.

Câu chuyện chuối ở Đồng Nai rớt giá, người dân đổ cho bò ăn chưa lắng xuống lại tiếp đến bắp cải, cà chua người nông dân vứt bỏ ngoài đồng vì có thu hoạch cũng không đủ chi phí. Không là đơn lẻ, có những câu chuyện buồn cứ lặp đi lặp lại như dưa hấu ở Quảng Ngãi. Ở góc nhìn khác, trong khi dưa hấu tại các địa phương ở Quảng Ngãi chỉ được thương lái thu mua với giá từ 500-1.000 đồng/kg, thì tại Hà Nội giá dưa do các nhóm sinh viên tình nguyện bán giá 7 nghìn đồng/kg và tại các chợ, siêu thị giá phải gấp rưỡi, gấp đôi.

Chưa hết, dưa nội thì ê hề, nhưng dưa hấu Nhật trồng tại Việt Nam được bán tại các siêu thị có giá trên 20.000 đồng/kg, mức giá đắt hơn nhiều so với dưa nội rất hút hàng, cung không đủ cầu. Ngoài ra rất nhiều loại rau quả khác dù trong nước sản xuất được nhưng lượng nhập khẩu cũng không phải là ít. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt trên 6 tỷ USD; trong đó có nhiều loại rau quả từ các nước Nhật, Mỹ, Úc, Thái Lan như khoai tây, cam, nho… Mấu chốt của vấn đề này nằm ở chất lượng sản phẩm, xây dựng, quảng bá thương hiệu và tổ chức tiêu thụ.

Với Thừa Thiên Huế, câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa cũng từng xảy ra với với một số cây trồng, vật nuôi. Ngay như nông sản sạch, nhu cầu người tiêu dùng rất lớn nhưng người tiêu dùng khó tìm và khó phân biệt đâu là sản phẩm sạch, an toàn. Vấn đề nằm ở chỗ người sản xuất chưa thực sự quan tâm đến xây dựng thương hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm. Họ mới chỉ tập trung phần việc của riêng mình, chưa chú trọng đến xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để giải quyết đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.

Thời gian qua nhiều chính sách, giải pháp được đặt ra nhưng thực tế sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn chưa có bước đột phá đáng kể. Mới đây nhất, Chính phủ dành gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiếm thấy gói tín dụng nào từ chủ trương đến bố trí nguồn vốn chỉ có hơn một tháng. Điều này cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy có nhiều chính sách ưu đãi, nhưng với người nông dân sản xuất quy mô nhỏ, năng lực quản lý, trình độ khoa học hạn chế khó có thể tiếp cận và sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Để làm được điều này cần có vai trò của các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Thông qua đầu tư của các doanh nghiệp, người nông dân có thể tham gia một phần vào quy trình sản xuất với tư cách là người góp cổ phần bằng quỹ đất hoặc cho thuê đất, làm nhân công. Từ các mô hình này sẽ tạo sự lan tỏa để người dân tự đầu tư các mô hình sản xuất phù hợp, hoặc liên kết với doanh nghiệp tham gia vào một số công đoạn sản xuất. Một thực thể khác là các hợp tác xã ở nông thôn hiện nay có nhiều lợi thế từ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đến huy động quỹ đất, lực lượng lao động. Nếu làm tốt vai trò cầu nối, bà đỡ, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hoàn toàn có thể hoạt động hiệu quả. Đây là cơ hội để các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới tổ chức lại hoạt động, góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay.

Chỉ khi giải quyết tận gốc của việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị thì nông nghiệp nước ta mới có thể phát triển bền vững và người nông dân có  thể “sống vui, sống khỏe” trên mảnh đất của mình.

Hoàng Giang

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phong trào thay đổi một diện mạo
Phong trào thay đổi một diện mạo

Là một trong những đơn vị điển hình trong thực hiện Đề án “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, phường Vĩnh Ninh (TP. Huế) đã có nhiều cách làm sáng tạo, huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị.