Thứ Ba, 05/06/2018 07:00

Càng về gần với làng, càng phát huy hiệu quả

Nhà văn hóa ở các xã vùng đồng bằng và ở các phường tại đô thị, những hoạt động dường như không được như vậy. Có nhiều nhà văn hóa mỗi năm sinh hoạt chỉ vài lần, còn phần nhiều là đóng cửa.

Tránh hình thức, lãng phí trong xây dựng nhà văn hóa

Chuyện nhiều nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng xây xong rồi để đấy, không hoạt động hoặc rất ít hoạt động đã được nói nhiều. Nhưng có lẽ, đây là lần đầu tiên chính thức được đặt ra trong một cuộc hội thảo. Cuộc hội thảo này quy mô cũng “nhỏ” do Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh tổ chức mới đây. Nội dung chính được nhận diện trong hội thảo này là: “Hệ thống trung tâm văn hóa, nhà văn hóa đang tồn tại nhiều bất cập trong công tác xây dựng và tổ chức hoạt động” (Báo Thừa Thiên Huế ngày 23/11/2020).

Nhà sinh hoạt cộng đồng tại tổ dân phố 5, phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy. Ảnh: Minh Nguyên

Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở là một vấn đề lớn. Xây dựng nên cơ sở vật chất chỉ là một việc. Việc này có thể tương đối dễ làm – có tiền là xây dựng được. Nhưng việc có lẽ quan trọng hơn để những thiết chế này có lý do tồn tại chính là nội dung hoạt động. Ai có nhu cầu hoạt động? Đó chính là tổ chức, người dân tại nơi cơ sở.

Theo dõi thông tin mà báo chí đưa, tôi cảm thấy ngạc nhiên về một điều, một hội thảo cho một vấn đề lớn như vậy nhưng không thấy bóng dáng một nhà nghiên cứu văn hóa, một nhà khoa học nào ở lĩnh vực này tham dự. Tất cả những gì được chỉ ra và nhận diện một cách hết sức chung chung và có phần “lý thuyết”, tỷ như: “để phát huy cần có sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo các cấp địa phương”.

Đó là chuyện tổ chức một hội thảo. Giờ chúng ta cùng nhau bàn bạc, xem thử chuyện xây dựng và hoạt động của các nhà văn hóa cơ sở (nhà sinh hoạt cộng đồng cũng loại hình thuộc thiết chế văn hóa cơ sở) như thế nào?

Về việc xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ở cơ sở ai cũng biết được xây dựng rất nhiều. Đặc biệt qua Chương trình xây dựng nông thôn mới, nó lại càng được đẩy mạnh, vì đây là một trong những tiêu chí theo quy định để đạt được chuẩn nông thôn mới. Ở Thừa Thiên Huế tính đến thời điểm này, đã có hơn 60 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Muốn xã đạt chuẩn thì thôn cũng phải đạt chuẩn. Thôn muốn đạt chuẩn thì cũng phải xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Nghĩa là, một số lượng nhà văn hóa ở cơ sở được xây dựng rất nhiều. Điều này chúng ta dễ dàng thống nhất. Về mặt lý thuyết, thì nó rất cần thiết – để đảm bảo điều kiện cho những hoạt động thuộc về đời sống tinh thần của người dân, cho chính quyền sở tại thì không thể nói là không cần thiết. Có lẽ đây là lý do dễ thuyết phục nhất để Nhà nước đầu tư hệ thống nhà văn hóa cơ sở!?

Nhưng xây dựng xong rồi thì sao? Phổ biến là tổ chức được rất ít các hoạt động văn hóa. Theo quan sát, tôi thấy nhiều nhà văn hóa ở miền núi có vẻ như tổ chức được nhiều hoạt động hơn ở miền xuôi. Ở xã A Roàng (huyện A Lưới) có nhà sinh hoạt cộng đồng (tiếng của đồng bào Tà ôi là “nhà roong” - không phải gọi nhà rông như Tây Nguyên) thôn A Ka tôi thấy hoạt động rất sôi động. Là những ngôi nhà sàn được làm bằng gỗ theo kiến trúc truyền thống của bà con đồng bào. Nơi đây diễn ra các lễ hội của thôn (mà bà con đồng bào thì một năm có rất nhiều lễ hội). Ngày thường, đây là nơi phụ nữ tập trung dệt zèng, trẻ con đến chơi. Có thời điểm họ con đón khách du lịch lưu trú… Ở đây hoạt động tốt là nhờ có một đời sống văn hóa phong phú gắn với cộng đồng. Nhà văn hóa càng về gần với làng (bản, thôn) thì càng phát huy hiệu quả.

Nhà văn hóa ở các xã vùng đồng bằng và ở các phường tại đô thị, những hoạt động dường như không được như vậy. Có nhiều nhà văn hóa mỗi năm sinh hoạt chỉ vài lần, còn phần nhiều là đóng cửa. Ở nhiều nơi nhà văn hóa chỉ diễn ra các cuộc hội họp mang tính chất hành chính, thậm chí có những nơi biến nhà văn hóa thành các quán bi-da, cà phê, trung tâm hội nghị tiệc cưới… Như vậy, mục tiêu tốt đẹp là tạo những điều kiện về cơ sở vật chất cần thiết để phát huy các giá trị, hoạt động văn hóa ở cơ sở đã bị biến dạng. Ý nghĩa ban đầu đã không còn. Nếu chúng ta cứ tiếp tục duy trì theo kiểu này thì một thời gian nữa, mục tiêu chính cũng không đạt được mà không khéo, Nhà nước lại bỏ rất nhiều tiền nữa để duy tu bảo dưỡng.

Đây là những vấn đề lớn cần có những hội thảo thấu đáo và một cách giải quyết rốt ráo.

An Bình

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyện phố đêm thành Huế
Chuyện phố đêm thành Huế

Phố đêm không chỉ thuần túy nói chuyện những khu phố về đêm mà chính không gian “phố”, thời gian về “đêm” đó phải là nơi chứa đựng những nét riêng của văn hóa địa phương để giới thiệu, thu hút du khách sau cả “ngày” tham quan, khám phá các nơi khác.

Xây dựng Mái ấm cho người nghèo biên giới
Xây dựng "Mái ấm cho người nghèo biên giới"

Ngày 23/2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) A Đớt và Đồn Biên phòng Hương Nguyên phối hợp UBND các xã Đông Sơn, Lâm Đớt, A Roàng và xã Hương Nguyên (huyện A Lưới) tổ chức khởi công xây dựng “Nhà cho người nghèo nơi biên giới” trên địa bàn. Tham dự lễ khởi công có Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh.

Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo
Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Chiều 22/2, Công ty Bảo hiểm PVI Huế và các đối tác hỗ trợ đã trao 60 triệu đồng kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình bà Nguyễn Thị Dần, trú tại thôn Chính An, xã Phong Chương, huyện Phong Điền.

Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn
"Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn"

Đó là chủ đề Năm An toàn giao thông (ATGT) 2023. Ý nghĩa của chủ đề này đang được các ban, ngành chức năng địa phương đặt lên hàng đầu, giúp người tham gia giao thông với ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, tạo môi trường giao thông an toàn.

Xây dựng TP Huế không có ma túy
Xây dựng TP. Huế không có ma túy

Nội dung trên được UBND TP. Huế đặt ra tại kế hoạch số 550 về triển khai thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc (ANTQ) năm 2023.