Chủ Nhật, 01/12/2013 13:56

Cảnh báo: Thời tiết cực đoan làm tăng mức độ độc tố trong thực phẩm

Để phản ứng đối phó với kiểu thời tiết ngày càng khắc nghiệt, một loạt các cây lương thực đang tạo ra các hợp chất hóa học có thể gây ra các vấn đề sức khỏe cho con người và gia súc ăn các loại thực phẩm đó, Reuters sáng nay (31/5) trích dẫn cảnh báo của các nhà khoa học.

Ngô là một trong những loại cây trồng dễ bị tích lũy quá nhiều nitrat gây hại. Ảnh: Asiafarming

Một báo cáo mới của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) cho biết, một số loại cây trồng như lúa mì và ngô đang tạo ra các độc tố tiềm năng như một phản ứng tự vệ trước tình trạng thời tiết khắc nghiệt hiện nay. Điều đáng chú ý là các hợp chất hóa học này sẽ gây hại cho con người và động vật nếu tiêu thụ trong thời gian dài, theo một báo cáo vừa được công bố trong cuộc họp của Hội đồng Môi trường LHQ ở Nairobi.

"Cây trồng có phản ứng để đối phó với điều kiện khô hạn và tăng nhiệt độ giống như cách con người phản ứng khi phải đối mặt với một tình huống căng thẳng", Jacqueline McGlade - nhà khoa học và là giám đốc của Phòng Đánh giá và Cảnh báo sớm tại UNEP giải thích.

Ví dụ, trong điều kiện bình thường, các loại cây trồng chuyển đổi nitrat mà chúng hấp thụ được thành các axit amin bổ dưỡng và protein. Nhưng hạn hán kéo dài làm chậm hoặc thậm chí ngăn chặn việc chuyển đổi này, dẫn đến nhiều nitrat có khả năng tích tụ lại bên trong, báo cáo cho biết và cảnh báo rằng, nếu mọi người ăn quá nhiều nitrat trong chế độ ăn, nó có thể cản trở khả năng các tế bào máu đỏ vận chuyển oxy trong cơ thể.

Theo báo cáo, các loại cây trồng dễ bị tích lũy quá nhiều nitrat trong thời tiết cực đoan gồm có ngô, lúa mì, lúa mạch, đậu nành, kê và cao lương.

Tác động từ hạn hán và mưa lũ

Báo cáo cho biết, một số loại cây trồng chịu hạn, khi sau tiếp xúc với một lượng mưa lớn bất ngờ dẫn đến tăng trưởng nhanh, sẽ dần tích tụ hydrogen cyanide, thường được gọi là axit prussic. Loại axit này là một trong những thành phần được sử dụng trong một số loại vũ khí hóa học – có thể cản trở sự lưu thông khí ở con người, thậm chí ngay cả tiếp xúc ngắn hạn cũng có thể khiến người dân bị suy nhược cho người dân, ông McGlade nói. Các loại cây trồng như sắn, cây lanh, ngô và cao lương dễ bị tổn thương nhất do tích tụ axit prussic nguy hiểm.

Các trường hợp ngộ độc nitrat hoặc hydrogen cyanide ở người đã từng được ghi nhận tại Kenya vào năm 2013 và tại Philippines vào năm 2005. Ở Kenya, 2 đứa trẻ đã thiệt mạng ở vùng ven biển Kilifi sau khi ăn sắn có nồng độ axit prussic cao sau những trận mưa nghiêm trọng, theo tin từ các phương tiện truyền thông địa phương.

Các nhà khoa học cho biết, aflatoxin – một loại độc tố vi nắm tích lũy trong cơ thể người và gia súc, có thể ảnh hưởng đến cây trồng và tăng nguy cơ gây tổn thương gan, ung thư và mù lòa, cũng như dẫn đến tình trạng còi cọc ở bào thai và trẻ sơ sinh, cũng đang lan rộng đến nhiều khu vực như là kết quả của sự chuyển đổi mô hình thời tiết do biến đổi khí hậu.

Theo ông McGlade, khoảng 4,5 tỷ người ở các nước đang phát triển phải tiếp xúc với aflatoxin mỗi năm, mặc dù con số này phần lớn không được giám sát, và đang ngày càng tăng cao.

"Chúng ta chỉ mới bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của những vấn đề liên quan đến toxin mà người nông dân ở những nước đang phát triển tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới phải đối mặt", báo cáo nhấn mạnh.

Năm 2004, Kenya bùng phát nghiêm trọng tình trạng ngộ độc aflatoxin, ảnh hưởng đến hơn 300 người và làm thiệt mạng hơn 100 người sau một đợt hạn hán kéo dài, Viện nghiên cứu chăn nuôi quốc tế cho biết.

Nguy cơ tăng cao ở châu Âu

Theo báo cáo của UNEP, châu Âu đang có nguy cơ gia tăng rủi ro từ các độc tố aflatoxin trong các loại cây trồng tại địa phương nếu nhiệt độ toàn cầu tăng ít nhất 2 độ C. Các nhà khoa học cho rằng, thế giới hiện nay đang trên đà làm tăng nhiệt độ lên đến hơn 3 độ C, nếu không thực hiện các biện pháp kiềm chế hữu ích và kịp thời.

Sự gia tăng các hợp chất độc hại trong các loại cây trồng có khả năng tác động rất lớn đến hệ thống y tế của thế giới, vốn đang phải vật lộn với những tác động của tình trạng mất an ninh lương thực, đại diện của Trung tâm Môi trường và Y tế châu Âu Dorota Jarosinska cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.

Trong khi đó, ông Alex Ezeh, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu và Sức khỏe Dân số châu Phi, cho rằng sự gia tăng độc tố trong cây trồng là một mối quan tâm lớn. "Cây trồng nhiễm độc có thể dẫn đến các bệnh về thần kinh ở người, và thách thức lớn nhất chính là tỷ lệ mắc bệnh ung thư", ông nói trong một cuộc phỏng vấn.

Báo cáo cũng đề xuất danh sách 8 ý tưởng của những nông dân và chuyên gia nông nghiệp có thể áp dụng nhằm cố gắng hạn chế thiệt hại từ độc tố trong cây trồng, chẳng hạn như lập bản đồ các điểm nóng nhiễm bệnh và xây dựng kho dữ liệu tốt hơn về những gì đang xảy ra với các chất độc trong những khu vực này.

Các nhà khoa học cũng đề xuất phát triển các giống cây trồng đặc biệt để đối phó với tình trạng thời tiết khắc nghiệt, nhằm có thể giúp giảm mức độ các hóa chất độc hại trong thực phẩm.

Ông McGlade cho biết, "các trung tâm nghiên cứu cùng với Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế đang phát triển các loại hạt giống thích hợp ở nhiều vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu khác nhau".

Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & Newsunited)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mùa đông cực đoan bủa vây nhiều nước
Mùa đông cực đoan bủa vây nhiều nước

Cơn bão được dự báo sẽ trở thành "bom lốc xoáy" mang theo tuyết mù mịt từ vùng đồng bằng phía Bắc và Great Lakes đến thung lũng thượng Mississippi và Tây New York.

Giới khoa học báo động sóng nhiệt ở cả hai cực Trái đất
Giới khoa học báo động sóng nhiệt ở cả hai cực Trái đất

Các sóng nhiệt đáng kinh ngạc ở cả hai cực Trái đất khiến các nhà khoa học khí hậu phải lên tiếng cảnh báo trước những sự kiện “chưa từng có tiền lệ”. Hiện tượng này báo hiệu sự đảo lộn khí hậu nhanh hơn và đột ngột.