Chủ Nhật, 27/10/2019 14:45

Cánh diều giữa ngọ

Hôm nay trời Huế mưa nhẹ, đứa cháu nhỏ hỏi thơ ngây “Trời mưa ri diều có ướt hết không bà trẻ?”

Hôm nay trời Huế mưa nhẹ, đứa cháu nhỏ hỏi thơ ngây “Trời mưa ri diều có ướt hết không bà trẻ?”. Nghe cháu hỏi tôi vừa ngạc nhiên, vừa thích thú. Cháu đang lo cho những con diều ở trước Ngọ Môn bị ướt, cháu thương những con diều cũng có nghĩa là cháu đang thương những sắc màu của thế giới bé con, đó là suối nguồn tươi mát để hạt giống tâm hồn của lòng trắc ẩn, của yêu thương, mơ ước được gieo trồng, nảy mầm và phát triển.

Hôm thành phố khai mạc lễ hội Diều Huế, tôi chở cháu đi chơi. Công viên Tứ Tượng rực rỡ những cánh diều đủ màu sắc. Bầu trời nắng đẹp, mây xanh lồng lộng trên cao, ánh nắng xuyên qua những tán lá cổ thụ, không gian gợi liên tưởng đến một vườn cổ tích tràn đầy những tiếng cười, giọng nói hồn nhiên của trẻ em. Mẩu trò chuyện của một cô bé khoảng chừng bốn, năm tuổi với ba của cháu làm tôi vừa sung sướng khi được dự phần một cách vô tình, vừa thán phục tình cảm thân thiết của hai cha con. Cô bé ngây thơ “Con chim này bay lên cao được không ba”, “Được, con gái à”. “Con chim này có chở con bay lên được không ba?”, tôi nghe câu hỏi này mà bỗng sợ, không biết ba của cháu trả lời sao. Câu trả lời của ba cháu làm tôi ngạc nhiên hết sức về sự thông minh, tấm lòng nhân hậu của ông ba trẻ “Con chim này là con diều, không chở con được nhưng cánh diều này sẽ chở những ước mơ của con bay lên”. “Ước mơ là chi ba?”, “Ước mơ là điều mà con thích, con muốn có. Vậy con ước mơ chi không”. “Con thích ăn kem!”. Hai ba con còn nói chuyện với nhau vài câu nữa, rồi tôi thấy cô bé tay cầm một con diều nhỏ dành cho trẻ em mà ba cô bé vừa mua, vừa chạy vừa cố đưa tay lên cao, còn con diều thì “bay” tung tẩy dưới nền đất theo từng bước chân của cô bé. Tôi đoán chắc ước mơ “ly kem mát rượi, ngon lành” của cô bé sẽ trở thành hiện thực ngay sau buổi chơi này ở công viên và tin chắc buổi chiều này sẽ đi vào ký ức trong trẻo của cô bé và cả của ba cô bé nữa.

Tuổi thơ, thời nào cũng vậy, cũng luôn say mê với món đồ chơi của riêng mình. Dù được làm bằng giấy vở học trò, cánh diều và đuôi diều tràn đầy chữ viết mực xanh, mực tím, những nan tre chuốt vụng về và dán bằng cơm nguội nên có khi diều vừa bay lên thì đuôi cũng rớt... hay những con diều nhiều hình dáng, màu sắc sặc sỡ được làm sẵn và bán ở nhiều cửa hàng như bây giờ thì mỗi cánh diều vẫn là một “gia sản” được nâng niu, trân trọng trong mọi bàn tay bé thơ. Tôi đã từng tự hào về con diều giấy vở học trò của mình có cái đuôi dài nhất xóm, chân đã từng đạp gốc rạ chảy máu khi chạy theo con diều của mình trên cánh đồng sau mùa gặt và bây giờ tôi gặp lại niềm say mê ấy ở cháu mình khi cháu về nhà gặp ai cũng khoe con diều mới.

Cứ mỗi lần ngân nga nho nhỏ bài hát “Ra đồng giữa ngọ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là trước mắt tôi như hiện ra đoạn phim ngắn mà vô cùng sinh động, có một “thằng bé xinh xinh” chạy ra đồng vào giữa ngọ (trưa nắng chang chang), chắc chắn là trốn ba mạ, trốn ngủ trưa đi “dang nắng”, để thả diều với “nụ cười rạng ngời tim non” (Trịnh Công Sơn “Ra đồng giữa ngọ”), ngay đến một lão nông cũng “chạy vọt sang phải, nhảy qua các bờ ruộng, lại chạy sang trái, mồ hôi từng giọt đọng lại trên tấm lưng trần... thở hồng hộc. Chạy. Ngã. Lại chạy. Lại ngã” để cuối cùng ngắm con diều đứng trên cao lồng lộng gió “thổi sáo một mình (Nguyễn Huy Thiệp “Những bài học nông thôn”). Sức hấp dẫn của trò chơi thả diều, tôi nghĩ có lẽ nằm ở chỗ luôn có sự song hành của hai điều kỳ diệu, một là “con diều có khả năng bay, bay được và bay rất cao, rất xa”, hai là mỗi lần bay nó mở ra một khoảng trời cao rộng, mênh mông bát ngát cùng với gió tạo nên sự sảng khoái của tâm hồn. Chính sự song hành của điều kỳ diệu và sự luôn mới lạ ấy làm mê mẩn trái tim trẻ con và cả trái tim người lớn, bởi trong mỗi người lớn đều có một phần trẻ con.

Tôi lắng nghe thêm một lần nữa “Ra đồng giữa ngọ” của Trịnh Công Sơn với tiếng hát Hồng Nhung, bản thu âm chắc khi Hồng Nhung còn trẻ nên nó rộn ràng, tràn trề tươi mát. Trong miên man hình ảnh những con diều vút bay trước Ngọ Môn, những cánh diều trên biển Thuận An, cánh diều lơ lửng một mình trên cầu Gia Hội chiều hè năm nào và rất nhiều những khoảnh khắc diều bay lượn khác, tôi giật mình nhận ra câu tự vấn “làm sao con người lớn lên, già đi, nhiều trải đời vẫn say mê trò chơi thả diều” đã được nhạc sĩ họ Trịnh trả lời từ lâu lắm rồi:

“Thằng bé xinh xinh ra đồng giữa ngọ

Ngờ đâu hội ngộ tan giữa hư không

Tan trong trời hồng làm giọt mưa trong

Tan trong cuộc đời làm lời ru trong

Tan trong nụ cười gọi mời yêu thương

Tan trong cội nguồn”.

“Tan trong cội nguồn” là một cách diễn đạt khác tình yêu quê hương, đất nước, gia đình. Tình yêu ấy như một hạt mầm đã được ươm từ ngày thơ bé chân trần chạy “ra đồng giữa ngọ” với cánh diều trên tay.

 Xuân An

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Miên man tháng Sáu
Miên man tháng Sáu

Mấy hôm nay những bức ảnh chụp hoa phượng vỹ trong thành phố cũng làm chị xôn xao. Chị không dám thổ lộ lòng mình với nhóm bạn cà phê sáng...

Bay cao những cánh diều
Bay cao những cánh diều

Lần đầu tiên sau gần 2 năm bị ảnh hưởng bởi COVID-19, lễ hội Diều Huế 2022 được tổ chức từ 16 đến 23/4 tại Công viên Tứ Tượng...

Mùa này biển động
Mùa này biển động

Thuận An đằm đẹ, có vẻ như chú đã quá quen với khung lịch thời vụ nghề của mình rồi.

Mùa trảy lá mai
Mùa trảy lá mai

Huế mùa này, nhiều ngày mưa, ít ngày nắng, nhưng ngày nào nắng lên là bầu trời vô cùng vô tận chỉ một màu xanh.