Chủ Nhật, 03/12/2017 06:30

Cảnh giác với sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm phổ biến, xuất hiện theo mùa và nếu không có biện pháp điều trị kịp thời sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Sốt xuất huyết tăng cao nhất trong thập niên gần đây

Cán bộ y tế kiểm tra các chỉ số côn trùng trong vật dụng chứa nước. Ảnh: Quang Trung

Gia tăng các ca SXH

SXH là bệnh do virus Dengue gây nên và hiện chưa có vaccine phòng ngừa hoặc thuốc đặc trị. Ở nước ta, thường vào khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 hàng năm là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn phát triển, kéo theo dịch sốt xuất huyết phát triển mạnh, nhưng bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ tháng nào trong năm, nên không thể chủ quan.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 26.857 trường hợp mắc, trong đó có 3 trường hợp đã tử vong. Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có số trường hợp mắc SXH gia tăng trong những tuần gần đây.

Kiểm tra chỉ số côn trùng trong nhà dân. Ảnh: Quang Trung

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế, trong 15 tuần đầu năm 2020, toàn khu vực miền Trung ghi nhận 8.551 ca bệnh SXH, giảm 6.253 trường hợp. Riêng tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đầu năm đến nay đã có hơn 530 ca bệnh, xuất hiện ở 8/9 địa phương, ngoại trừ Nam Đông. Các địa phương có số ca bệnh tăng cao so với cùng kỳ năm trước là TP. Huế (302 trường hợp, trong khi cùng kỳ năm 2019 chỉ có 36 trường hợp); ở huyện Phú Vang số ca mắc trong 15 tuần đầu năm là 71 (2020)/36 (2019) và thị xã Hương Thủy số ca mắc trong 15 tuần đầu năm là 51 (2020)/18 (2019).

Không loăng quăng/bọ gậy, không SXH

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người nhiễm sau đó truyền cho người lành qua vết đốt. Muỗi vằn đẻ trứng chủ yếu ở các dụng cụ chứa nước sạch trong và xung quanh nhà; không đẻ ở ao tù cống rãnh có nước hôi thối. Cách phòng bệnh đơn giản nhất là phun thuốc trừ muỗi đúng cách, diệt bọ gậy... Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn ra phức tạp, thêm diễn biến thất thường của thời tiết, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng phương án phòng dịch, chủ động ứng phó không để dịch bệnh SXH xảy ra. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông về bệnh SXH đến người dân, nhằm tránh “dịch chồng dịch”.

Điều kiện thời tiết phức tạp hiện nay đang là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH và bệnh do virus Zika phát triển mạnh. Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trong nước đã ghi nhận trường hợp đầu tiên trong năm mắc bệnh do virus Zika, ở TP. Đà Nẵng. Zika là bệnh có chung véc tơ truyền với sốt xuất huyết. Để kịp thời triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh do virus Zika và SXH.

Theo ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đỉnh dịch năm 2019 ở mức cao và kéo dài đến cuối năm nên đầu năm 2020, số lượng các ca bệnh có giảm đáng kể, nhưng vẫn còn cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, tình hình SXH đang trong tầm kiểm soát. Để chủ động phòng chống dịch bệnh SXH, ngay từ đầu năm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cung cấp đầy đủ hóa chất cho các huyện/thị xã/thành phố để đáp ứng cho công tác phòng chống dịch. Các ca bệnh đã được xử lý đúng quy định.

Cần thực hiện tốt khuyến cáo của ngành y tế

Công tác dự phòng, chống dịch SXH vẫn còn không ít khó khăn. Đó là thời gian qua, ngành y tế tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch COVID-19, nên công tác điều tra, thau vét bọ gậy và công tác xử lý bệnh còn hạn chế.

Báo cáo hàng tháng của các xã, phường đều cho thấy chỉ số bọ gậy ở mức cho phép nhưng khi điều tra lại, các chỉ số lại cao hơn nhiều. Thêm nữa, một số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết khai địa chỉ không chính xác, gây khó cho việc xác định, điều tra và xử lý ca bệnh. Nhiều người dân chưa tự giác xử lý bọ gậy ngay trong khuôn viên nhà và khu vực lân cận. Thậm chí, một số gia đình dù đã có người mắc SXH vẫn xem nhẹ việc diệt và thau vét bọ gậy.

“Trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, việc quan trọng nhất là thau vét bọ gậy và việc này phải được thực hiện thường xuyên bởi từng hộ gia đình, từng cá nhân cụ thể. Muốn diệt muỗi thì không còn biện pháp nào khác ngoài vệ sinh nhà cửa, diệt lăng quăng, phát quang bụi rậm. Người dân cần thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo như: ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá... không cho muỗi đẻ trứng”, ông Hoàng Văn Đức nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Số ca mắc sốt xuất huyết giảm
Số ca mắc sốt xuất huyết giảm

Bộ Y tế vừa cho hay, cùng với đà giảm chung số ca mắc mới sốt xuất huyết (SXH) trên cả nước, tại miền Bắc, các ca mắc SXH thời điểm này đã giảm rõ rệt (giảm 51% so với tuần trước đó). Đến nay, tổng số ca mắc SXH của các tỉnh khu vực phía Bắc là hơn 34.000 ca, ghi nhận chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Nam Định...

Trung bình mỗi ngày có 13-14 ca sốt xuất huyết
Trung bình mỗi ngày có 13-14 ca sốt xuất huyết

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 5/12, toàn tỉnh ghi nhận khoảng 1.500 ca sốt xuất huyết (SXH), trong đó có gần 120 ca ngoại lai và 1 ca tử vong.