“Con chào cô!”. Đang một mình lang thang ghé thăm ngôi trường cũ vào một buổi chiều muộn, tôi ngỡ ngàng khi bắt gặp một cậu học sinh phía sau, vừa vượt lên và lễ phép vòng tay chào. Thoạt tiên, tôi cứ nghĩ, chắc cậu bé là người quen nhưng nhìn kỹ thì lạ hoắc, chưa một lần gặp.
Sải bước một đoạn, trước mắt là một tốp học sinh nữ đang tiến gần. “Chào cô ạ!”. Không ai bảo ai, ba cô học trò xinh xắn mỉm cười cúi chào tôi - một người lạ. Chỉ giản dị vậy thôi mà phút trở về trường cũ hôm ấy thật ấm áp.
Đem cảm nhận của mình hỏi chuyện một người bạn, đang làm quản lý ở ngôi trường cũ của tôi, bạn cho hay, mấy năm nay, nhà trường luôn định hướng cho học sinh vun bồi đức tính lễ phép, thân thiện ở trường học, trong đó có việc đơn giản là chào người lạ khi gặp, dù đó là ai.
Một cử chỉ cứ ngỡ là nhỏ nhưng cũng như tôi, sự lễ phép của các em học sinh làm không ít người ngỡ ngàng. Bạn kể, cách đây chưa lâu, trường đã nhận được một bức thư dài của một cô giáo đã lớn tuổi. Ngày trở về thăm trường cũ, trong cảm xúc dâng trào, người cựu học sinh đã qua tuổi 60 ấy cũng như tôi, đã ngỡ ngàng và hạnh phúc khi bất ngờ nhận được sự lễ phép và cái vòng tay chào người lạ của các em học sinh. Ngỡ ngàng và hạnh phúc bởi trong cuộc sống có phần xô bồ ngày nay, những cử chỉ thông thường và tối thiểu như đi thưa, về trình của lớp trẻ dường như không còn được quan trọng và quan tâm nữa.
Mấy hôm nay, dư luận lại nhói lên những thông tin, những hiện tượng nhức nhối là bạo hành học đường, giữa học sinh với học sinh. Thi thoảng, đây đó lại rộ lên những video clip ghi lại cảnh những em học sinh hung hăng giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn cá nhân bằng bạo lực và đáng ngạc nhiên hơn, những vụ việc ấy, phần nhiều lại rơi vào học sinh nữ - vốn nhu mỳ, hiền thục, dịu dàng hơn nam sinh. Chưa kể, gần đây lại rộ lên tình trạng thanh niên trong xã hội kết bè giải quyết mâu thuẫn (dù có khi, mâu thuẫn nảy sinh từ nguyên nhân nhỏ nhặt như hiềm khích nhau qua mạng xã hội) bằng dao, gậy, mã tấu… với không ít tổn thương, gây mất an ninh trật tự, làm người lớn bất an.
Chợt nghĩ, nếu ở mỗi trường học, các em học sinh đều thực hành việc cúi mình chào những người bạn mới chưa một lần gặp, chắc chắn sẽ ít có cơ hội để nảy sinh những bất đồng. Trên thực tế, đã có không ít vụ án đau lòng, thậm chí xảy ra án mạng, chỉ vì đối tượng bị người lạ “nhìn đểu”.
Riêng mình, từ sau ngày trở về trường cũ, tôi bắt đầu học cách chào người lạ, mỗi khi ra đường, ở chợ, trên đường thể dục buổi sáng hay ở quán ăn…
Chắc hẳn, chẳng ai nỡ nặng lời, cáu kỉnh hay dự định manh động trước một tình huống gay cấn bất ngờ nào đó xảy đến, khi bắt gặp nụ cười và cái cúi mình chào của đối phương.
NHẬT NGUYÊN