Trung Quốc dẫn đầu khu vực về các trường đại học được xếp hạng cao. Ảnh: DataLEADS/ANN
Danh sách này xếp hạng 500 trường đại học trên toàn thế giới; trong đó, Mỹ là quốc gia có số lượng lớn nhất các trường đại học được xếp hạng cao, với 134 trường đại học.
Bảng xếp hạng dựa trên công tác nghiên cứu của các trường, cũng như được xếp hạng bởi các thành viên của cộng đồng học thuật trên toàn thế giới và ở khu vực châu Á.
Cụ thể, Trung Quốc dẫn đầu khu vực với 26 trường đại học nằm trong danh sách các trường đại học được xếp hạng cao. Quốc gia này đạt được tiến bộ ổn định trong lĩnh vực giáo dục, với sự cải thiện về năng suất nghiên cứu, phản ánh mức độ cao bền vững của đầu tư công và tư. Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa nằm trong danh sách này.
Nhật Bản có 17 trường đại học được xếp hạng cao, với Đại học Kyoto và Đại học Tokyo dẫn đầu về điểm số. Quốc gia này dù đứng thứ 2 về các trường đại học được xếp hạng cao ở châu Á, nhưng lại chứng kiến sự giảm sút trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Hàn Quốc, quốc gia được biết đến với sự đổi mới và giáo dục theo hướng công nghệ, có 11 trường đại học được xếp hạng cao. Đại học Quốc gia Seoul là một trong những trường đại học hàng đầu nằm trong danh sách nói trên.
Trong khi đó, Ấn Độ có 4 trường đại học được xếp hạng cao trên toàn cầu, trong bối cảnh chi tiêu của Chính phủ dành cho giáo dục không được mạnh mẽ trong nhiều năm.
Singapore có 2 trường đại học nằm trong danh sách các trường đại học được xếp hạng cao. Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Công nghệ Nanyang nằm trong danh sách này.
Đối với Malaysia, Thái Lan và Pakistan, mỗi quốc gia có 1 trường đại học góp mặt trong danh sách nói trên.
Tuy nhiên, các quốc gia châu Á không có trường đại học được xếp hạng cao là Nepal, Bhutan, Sri Lanka, Bangladesh, Myanmar, Lào, Campuchia, Brunei, Philippines, Indonesia, Mông Cổ, và Việt Nam.
Thanh Ngân (Lược dịch từ The Nation, DataLEADS & ANN)