Thứ Sáu, 28/03/2014 13:50

Chạy mưa

Cho đến lúc này, tôi vẫn thấy mình may mắn khi không phải chạm trán với cơn mưa được xem là cơn mưa lịch sử của TP. Hồ Chí Minh vào ngày 26/9 vừa qua. Chuyến bay của tôi đã được thực hiện từ sáng sớm, không bị delay phút nào và mọi thứ diễn ra một cách chuyên nghiệp. Sớm ấy, thấy Sài Gòn vẫn nắng. Nhưng đến chiều thì thành phố nơi tôi vừa qua đã ngập trong mưa.

Nhìn hình ảnh đã được ghi lại trên các trang báo mạng, facebook đến báo in xuất bản sáng 27/9, có thể thấy người Sài Gòn vất vả và chịu đựng như thế nào trong cả buổi chiều, đến tối khi các ngả đường đã mặc nhiên trở thành sông. Giao thông đình trệ, nhiều nơi gần như là tê liệt khi nước ngập quá cao. Những tầng hầm giữ xe trở thành bể chứa nhấn chìm hàng trăm chiếc xe máy và rất nhiều người đã phải vạ vật qua đêm ở bên ngoài để chờ đến lúc có thể “nhận diện” và mang được xe mình về nhà. Facebook của bạn bè sống ở TP. Hồ Chí Minh cập nhật trạng thái lo lắng làm thế nào để có thể đón con về nhà, sự hoảng hốt được kể lại sau đó về việc xe chết máy giữa dòng nước, lúc người run lên vì ướt sũng và lạnh, về một cuộc gặp quan trọng nào đó với đối tác buộc phải hủy, và có thể là một dự án quan trọng của công ty mà bạn làm việc phải chờ đợi thêm một thời gian nữa khi lịch bay về nước của đối tác đã được xác định vào ngày hôm sau..

Cô bạn đồng nghiệp có vẻ như không may mắn như tôi khi đến TP. Hồ Chí Minh vào lúc chiều tối, cho dù cô vẫn may mắn hơn nhiều người khác khi chuyến bay của cô không phải bay lòng vòng rất lâu trên bầu trời, để rồi sau đó phải hạ cánh xuống Đà Nẵng, Nha Trang hay thậm chí là Phnôm Pênh. “Mang mưa Huế vào với Sài Gòn. Lại là cái điệp khúc của ngày mưa xứ Huế hôm vừa rồi, quanh co nhiều con đường hàng tiếng đồng hồ mới đến được nơi” là trạng thái được cô cập nhật trên facebook, kèm thêm vài hình ảnh nhòe nhoẹt vì mưa. Lại nhớ đến trận mưa tuần trước ở Huế, với những con đường cũng chìm lấp trong nước và không ít những lo âu, bất an của người dân thành phố, dù chắc là chưa thể nào “sánh” cùng trận mưa lịch sử của TP. Hồ Chí Minh. Và cho dù mức độ chắc chắn là khác nhau, nhưng có thể thấy một điều là, việc làm thế nào để người dân sống ở thành phố không sợ mưa, chạy mưa và xoay xở để ứng phó với những sự cố hay rủi ro do tác động kép dưới mưa mới là điều cần được ứng xử, quan tâm, yêu cầu và giám sát nhiều hơn nữa trong các dự án liên quan đến đời sống của cư dân đô thị.

Trên đường đến cơ quan sáng nay, tôi vẫn thấy những hạng mục công trình thoát nước đô thị của thành phố vẫn đang chờ công nhân đến giờ đi làm. Liệu có thể sắp xếp lịch làm việc khác hơn, để không gây trở ngại cho người tham gia lưu thông; đồng thời có giải pháp nào đó đẩy nhanh tiến độ để chạy mưa khi những dự báo thời tiết vẫn có nhiều diễn biến thất thường?

Minh Hà

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mưa lớn đề phòng sạt lở
Mưa lớn đề phòng sạt lở

Từ ngày 25-28/2, trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa, rải rác mưa vừa, có nơi mưa rất to và dông. Mưa lớn có nguy cơ gây trượt lở vùng đồi núi, ven sông suối và ngập úng vùng trũng.

Tiếp tục tiêu úng cho diện tích lúa còn lại
Tiếp tục tiêu úng cho diện tích lúa còn lại

Hiện vẫn còn khoảng gần 3.100 ha lúa ngập nặng (từ 70-100% thân cây) ở các địa phương đang tiếp tục được tiêu úng. Tuy nhiên, việc lúa ngập dài ngày gây nguy cơ thiệt hại rất cao.

Mưa lớn làm ngập lúa, đường sạt lở
Mưa lớn làm ngập lúa, đường sạt lở

Mưa lớn làm hơn 2.200ha lúa bị ngập, đường tuần tra bị sạt lở. Công tác tiêu úng, khắc phục đang được các địa phương tích cực triển khai.

New Zealand Thiệt hại lên đến hàng triệu USD do lũ lụt gây ra ở Auckland
New Zealand: Thiệt hại lên đến hàng triệu USD do lũ lụt gây ra ở Auckland

Sau trận lũ quét và lở đất nghiêm trọng vừa qua, thành phố lớn nhất New Zealand, Auckland, được dự báo sẽ hứng chịu thêm mưa lớn trong những ngày tới, các nhà chức trách của thành phố ngày 30/1 cho biết, trong bối cảnh các công ty bảo hiểm cũng đang tính toán chi phí cho sự kiện thời tiết có thể sẽ là là tốn kém nhất từ trước đến nay của đất nước.