Thứ Năm, 10/05/2018 12:30

Chế độ dành cho thân nhân, người lao động bị tai nạn chết người

Lũ bão kinh hoàng vừa qua gây ra nhiều tai nạn lao động chết người, đặc biệt là vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3 đã làm chết và mất tích 17 công nhân. Vấn đề nhiều bạn đọc quan tâm là chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) dành cho thân nhân người lao động (NLĐ) bị tai nạn chết người.

Tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: Hà Nguyên
 

Tai nạn lao động được hiểu là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho NLĐ, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Khi xảy ra tai nạn lao động, phía doanh nghiệp phải có trách nhiệm chi trả các khoản chi phí y tế (từ sơ cứu, cấp cứu đến điều trị) và trả đủ tiền lương cho NLĐ bị tai nạn lao động trong thời gian điều trị.

NLĐ bị chết do tai nạn lao động thì thân nhân của họ được hưởng những chế độ nào? Theo ông Phan Quang Trung, Chánh Thanh tra Sở Lao động TB&XH, cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động để tiến hành điều tra xác định chính xác đó có phải là tai nạn lao động chết người hay không. Khi Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh kết luận là tai nạn lao động chết người thì thân nhân của họ được hưởng những chế độ sau đây:

Đối với doanh nghiệp sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường cho thân nhân NLĐ bị chết do tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của NLĐ này gây ra với mức ít nhất 30 tháng tiền lương; trợ cấp cho thân nhân NLĐ bị chết do tai nạn lao động mà do lỗi của chính NLĐ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 12 tháng tiền lương (40% của 30 tháng tiền lương).

Đối với cơ quan BHXH có trách nhiệm chi trả trợ cấp tai nạn lao động và trợ cấp tử tuất. Đối với trợ cấp tai nạn lao động, thân nhân NLĐ được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng NLĐ bị chết thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. NLĐ đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

2. NLĐ bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

3. NLĐ bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Trợ cấp tử tuất bao gồm trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất 01 lần. Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà NLĐ bị chết. Thân nhân của NLĐ bị chết do tai nạn lao động đáp ứng đủ điều kiện luật định được hưởng tiền tuất hằng tháng: 50% mức lương cơ sở, trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Nếu không có thân nhân hưởng tiền tuất hằng tháng theo quy định hoặc thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần (trừ trường hợp con dưới 06 tuổi), con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên: mức trợ cấp tuất một lần tính theo số năm đã đóng BHXH nhưng không thấp hơn 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2020, tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.600.000 đồng/tháng.

Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp trả cho NLĐ bị chết do bị tai nạn lao động là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

An Nhiên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo sức hút từ những việc nhỏ
Tạo sức hút từ những việc nhỏ

Gần gũi với người lao động (NLĐ), hiểu và giúp đỡ NLĐ kịp thời các vấn đề liên quan đến đời sống và việc làm là cách Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Phong Điền tạo sức hút cho công đoàn.

Gian nan tìm việc làm
Gian nan tìm việc làm

Nếu chẳng may bị mất việc, phụ nữ tuổi trung niên sẽ gian nan tìm việc làm do các cở sở sản xuất, kinh doanh… chủ yếu tuyển dụng lao động trong độ tuổi từ 18 - 35.

Yên tâm gắn bó với doanh nghiệp
Yên tâm gắn bó với doanh nghiệp

Duy trì việc làm ổn định, đảm bảo thu nhập và phúc lợi... nhiều doanh nghiệp tạo niềm tin để công nhân lao động yên tâm gắn bó.

Thêm “cần câu” cho người lao động
Thêm “cần câu” cho người lao động

Được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn cho công nhân viên chức, lao động nghèo (Quỹ Trợ vốn) của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, nhiều gia đình đoàn viên công đoàn đã có thêm cần câu, tăng thêm thu nhập, từng bước cải thiện đời sống.

Đón cơ hội việc làm mới từ thị trường lao động
Đón cơ hội việc làm mới từ thị trường lao động

Đầu năm, thị trường lao động sôi động trở lại. Tâm thế của người lao động đang bắt nhịp đà khắc phục hậu dịch bệnh và tìm kiếm công việc phù hợp, ổn định để vượt qua giai đoạn khó khăn trong thời gian qua.