Thứ Tư, 30/03/2016 10:03

“Chỉ cần siêng, dân biển đủ sức làm giàu”

Nằn nì mãi, anh Lê Ngọc Luận, một ngư dân thôn 2, xã Hải Dương (TX. Hương Trà) với hơn 30 năm lênh đênh trên biển mới gật đầu cho tôi theo chuyến câu mực đêm – cái nghề gắn bó với gia đình anh đã 3 đời nay.
 

 

Nằn nì mãi, anh Lê Ngọc Luận, một ngư dân thôn 2, xã Hải Dương (TX. Hương Trà) với hơn 30 năm lênh đênh trên biển mới gật đầu cho tôi theo chuyến câu mực đêm – cái nghề gắn bó với gia đình anh đã 3 đời nay.

Chuyến câu cuối mùa

“Không phải tui tiếc chi mà sắp tới mùa “cấm biển”, mò to, đi không quen sợ chú chịu không nổi”, anh Luận nói khi nhìn đồng hồ điểm 4h chiều. 4h15, sau khi chuẩn bị đủ đồ nghề câu mực với đống lưỡi, mồi đủ màu đủ sắc, cùng cà mèn cơm, chai nước lọc mà chị Oanh, vợ anh Luận đã chuẩn bị, anh bỏ mọi thứ lên chiếc xe rùa, thong thả đẩy ra bến - nơi neo đậu của khoảng 500 chiếc ghe của xã Hải Dương, mà trong đó, số ghe của thôn 2 chiếm nhiều nhất, chừng 300 ghe.

 

Lưỡi và mồi dùng câu mực

Anh Luận tháo dây buộc ghe gắn máy 8CV, rồi nhổ neo... Xuất bến chừng 15 phút, từng chiếc ghe câu mực lần lượt nổ máy, rẽ sóng hướng thẳng ra cửa biển Thuận An. Ra khỏi cửa biển, anh Luận đưa tôi chiếc áo phao rồi hét to át tiếng động cơ: “Mặc vô rồi ngồi cho chắc, mò đang to”. Đây là lần thứ hai tôi nghe từ “mò”. Thì ra, dân biển ở đây gọi sóng là mò. Mò to là sóng lớn. Quả vậy, từng con sóng chừng 1 mét đang ầm ầm lao tới, bọt nước trắng xóa đánh mạnh vào hai mạn ghe, táp vào mặt, mặn chát, cay xè.

 

Để ra đến mực nước nổ máy được, anh Luận phải chèo ghe tầm 15 phút

Sau gần 1 tiếng đồng hồ ra khơi, mặt biển đã chuyển sang màu mực Cửu Long, đi thêm chút nữa trời sập tối, xa xa từng ánh đèn led của bạn ghe đã kéo 1 hàng dài. Thong thả tắt máy, buông neo, đấu 2 cây đèn led gắn hai bên mạn ghe vào bình ắc quy, anh Luận rủ rỉ trong từng cơn dập dềnh của sóng: “Như ri là mình cách bờ chừng 5 hải lý, sâu khoảng 20 sải, cách mấy ghe trước khoảng 6-7 hải lý. Ghe họ toàn 10CV nên đi mau, ra xa được. Ghe mình động cơ 8CV thôi. Hết chuyến ni tui đem ghe đại tu lại và đổi máy 10CV. Kể ra thì đi “bòn” thêm mấy ngày nữa cũng được, nhưng nghe chính quyền cảnh báo có áp thấp từ ngày 6-15/9 nên luôn dịp nghỉ và sửa ghe luôn. Coi như lần ni là chuyến cuối tui đi câu mực trong năm”, anh Luận nói giọng pha chút tiếc nuối.

Khi 2 cây đèn led trên ghe anh Luận đạt mức sáng tối đa cũng là lúc đồ nghề câu mực được chuẩn bị xong xuôi. Nói chuẩn bị chứ thật ra rất nhanh. Là một sợi dây cước cứ cách chừng 2 gang tay buộc một chùm dây ni lông đủ màu xé nhỏ được nối với một lưỡi câu năm cạnh. Tất cả nối với một cần câu bằng tre nhỏ chừng ngón tay út đã lên nước bóng loáng. Tiếp đến, một lồng tre phía trên miệng được quây bằng lưới chỉ chừa ra lỗ hổng bằng cái tô được anh Luận buộc dây rồi thả xuống biển. Với tay lấy cái vợt dắt đầu mũi ghe trong lúc tôi vẫn đang chao đảo, quay cuồng vì say sóng, anh Luận ngồi sát mạn ghe rồi quăng dây câu vun vút.

Trong ánh đèn giữa đêm đen, vài ba con cá chuồn, cá kìm mũi đỏ dạn dĩ lượn sát ghe “ăn đèn”, thi thoảng, có chú cá chuồn tinh nghịch đập cánh bay vọt từ bên này sang bên kia. Và chỉ sau lần đầu buông câu, một chú mực ống tím hồng đã xuất hiện bám sát theo chùm dây ni lông đủ màu. Một tay dứ dứ cần câu sát về ghe, anh Luận với tay lấy chiếc vợt nhanh chóng xúc chú mực bằng 2 ngón tay đưa lên mặt nước rồi lật ngược vợt, hất chú mực từ màu hồng tím chuyển sang màu trắng trong suốt đang phun nước phì phì vào lồng tre.

Đợt buông câu thứ 2, chùm dây ni lông đủ màu thu hút được bầy mực chừng 5 con, cũng bằng động tác nhanh nhẹn, dứt khoát, anh Luận hất được 2 chú mực vào giỏ. “Mình cứ chọn con nào to thì xúc. Mực rất say mồi, nhưng nhanh lắm, xúc mực đừng có xúc đằng đầu, vì nó bơi đằng đuôi nhờ cử động từ 2 cái diềm. Xúc đằng đầu là nó dùng đuôi phi thẳng”. Câu mực thật ra không có bí quyết gì nhiều, ăn thua là cách buộc mồi sao cho bắt mắt để dụ mực và mỗi người đều có cách buộc riêng, đồng thời nhớ được vùng biển nào mực hay lui tới kiếm ăn, anh Luận tiết lộ.

Dù được bày cặn kẽ, nhưng sau 3 lần xúc bất thành, tôi gác cần ngồi xem anh câu mực. Lúc này đã tầm 8h tối, không hiểu sao mực càng ít dần. Trong màn biển đen hun hút, mờ mịt, anh Luận phá tan tĩnh lặng: “Không biết răng ngày ni mực nhỏ mà ít quá hè. Chắc đổi kiểu câu thôi”. Nói rồi, anh lừa lừa xúc được một chú cá kìm rồi móc vào lưỡi câu. Sau chừng 20 phút, một chú mực ống gần bằng cổ tay đã nằm gọn trong giỏ. Nhưng đó là con mực duy nhất, to nhất trong đêm.

Biển không phụ người

Chừng 12h đêm, lác đác nghe tiếng máy từ xa vọng vào. Anh Luận chép miệng: “Tối ni không riêng chi mình câu “hèn”. Mấy ghe khác ít quá họ cũng vô rồi”. Rứa mình răng không ra xa chút nữa? Mực đi có ngày, có luồng. Ngày không có, đi mô cũng rứa. “Ngày mực nhiều, một đêm tui kiếm có khi được 1,5 triệu đồng, ngày ít cũng được 5 - 6 trăm ngàn đồng. Ngó rứa chơ biển không khi mô phụ người hết. Chú tính, trung bình một đêm đi biển, trừ chi phí còn dư được 1 triệu đồng. Một tháng đi 30 ngày. Một năm đi được 6, 7 tháng. Năm đứa con tui được ăn học tới nơi tới chốn cũng nhờ nghề câu mực”.

 

 
Thành quả sau một đêm lênh đênh trên biển
 

Sáng sớm, bên trong chợ đã tập nập người mua

Câu chuyện với anh Luận cứ thế rỉ rả đến 2h sáng. Trong thời gian này, mực bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Phía ngoài khơi thăm thẳm, lác đác có tiếng máy vọng vào. Nhưng đó không hẳn là những chiếc ghe câu “hèn” – nghĩa là câu không có hoặc ít. Họ câu thấy kha khá thì vô sớm cho kịp chuyến chợ đầu tiên và đa phần ít bị dân buôn “soi” tươi hay ươn, bán được giá hơn những chuyến ghe sau.

3h sáng, tiếng máy từ xa vọng vào mỗi lúc mỗi dày hơn. Lúc này, anh Luận cũng đã thu cần, kéo giỏ lên kiểm tra thành quả. Sau một lúc xếp đống mực câu được vừa gọn 4 chiếc rá tre, anh ước đêm nay kiếm được chừng 600 ngàn đồng. Với người câu mực, họ bán không tính cân mà tính bằng rá và chia làm 3 loại: mực nhỏ, sắp 3 hàng trên 1 rá tre gọi là 3 lối, mực trung thì sắp 2 hàng (mực 2 lối), mực to 1 hàng (mực 1 lối), cứ thế đem ra chợ.

 

Mực có thể bày bán bên ngoài chợ Hải Dương

Giải cứu giữa biển đêm

3h30 sáng, chiếc ghe 8CV có phần già nua rẽ sóng vào bờ. Nhưng khi cách đất liền chừng 3 hải lý, tiếng máy bỗng khục lên vài tiếng rồi im lìm trong màn đêm tĩnh mịch. Sau một hồi loay hoay máy vẫn không nổ, anh Luận thở dài: “Máy hư rồi. Tính đi hết đêm ni rồi đổi máy mới mà không kịp”.

Chừ răng anh hè, em bơi yếu lắm, tôi nửa đùa nửa lo. Để anh điện thoại gọi ghe bạn. Tiếng chuông từ chiếc nokia huyền thoại thong thả đổ cũng là lúc nhịp tim tôi đập nhanh hơn. Giữa biển khơi mênh mông, con người thật nhỏ nhoi, bất lực cùng cảm giác sóng biển như mạnh hơn hiện hữu trong tôi rõ hơn bao giờ hết. Thật may, sau một hồi đổ chuông, bên kia đã có tiếng trả lời. Dập dềnh cùng sóng biển giữa mịt mùng đêm đen khoảng 30 phút với nỗi lo đã vơi phần nào, cuối cùng, anh Bút – chủ một ghe câu mực khác ở cùng thôn đã áp sát, nhanh chóng quăng dây rồi nổ máy lai dắt ghe anh Luận vào bờ trong tiếng thở phào không cần kìm nén của tôi.

 

Vợ anh Bút với thành quả lao động của chồng sau một đêm lênh đênh trên biển

Sau gần 2 tiếng được ghe anh Bút lai dắt, đất liền đã hiện ra trước mắt. Càng tới gần, âm thanh lao xao của những người đi chợ sớm cùng ánh đèn vàng hắt ra từ chợ Hải Dương càng rõ hơn. Sát mép nước, bóng người lô nhô cũng xuất hiện mỗi lúc một đông. Họ là vợ của những người câu mực đêm, 3-4h sáng đã ra chờ ghe, đợi chồng cùng thành quả lao động sau mỗi đêm lênh đênh trên biển.

Chia tay anh Bút, anh Luận trong cái vỗ vai hào sảng của người xứ biển, tôi trở về với phố thị trong chênh chao say sóng, chênh chao với những phút hồi hộp giữa biển đêm cùng câu nói chắc nịch của người đã cho tôi một chuyến trải nghiệm đáng nhớ: “Chỉ cần siêng, dân biển đủ sức làm giàu”.

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cây cầu ký ức
Cây cầu ký ức

Đôi khi nó lại hiện ra trong giấc mơ. Làn nước tận đáy xanh rong rêu, bầy cá bống lượn vòng tụ lại rồi tản ra. Vài ngọn bông bèo dập dờn, mưa đêm còn đọng trên lá.

Thằng Cứng
Thằng Cứng

Nhớ hồi tôi mới gặp thằng nhỏ cũng là lúc đương độ dịp tết. Phố thị không thiếu những đứa bé trạc tuổi nó cùng gia đình bươn chải, mưu sinh.

Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội
Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội

Tan giờ làm, mấy chị em rủ nhau đi ăn vặt, nạp thêm tý năng lượng cho cái bụng đói cồn cào, đang réo òng ọc. Loanh quanh một hồi cả nhóm ghé vào quán “bèo, nậm, lọc” nằm ở một góc đường Nguyễn Trãi (Huế), dưới tán cây xanh mát bên trong nội thành.

Yên tâm gắn bó với doanh nghiệp
Yên tâm gắn bó với doanh nghiệp

Duy trì việc làm ổn định, đảm bảo thu nhập và phúc lợi... nhiều doanh nghiệp tạo niềm tin để công nhân lao động yên tâm gắn bó.

Chị tôi
Chị tôi

Chị tôi 63 tuổi, tốt nghiệp Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế). Tâm hồn thi vị và cuộc sống nhẹ nhàng.