Chủ Nhật, 12/01/2014 21:39

Chiến thắng lịch sử dành cho Philippines

Ngày 12/7, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) chính thức ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.

Người dân Philippines vui mừng sau chiến thắng lịch sử. Ảnh: Reuters

Được biết, PCA có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) là cơ quan liên chính phủ thường trực đầu tiên của 121 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, Philippines và Trung Quốc đứng ra giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua những thỏa thuận và hiệp ước khác nhau, như của Ủy ban Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) hay Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Nội dung Philippines kiện Trung Quốc

Hồ sơ do Philippines đệ trình PCA bao gồm 15 vấn đề; tuy nhiên Tòa Trọng tài theo phụ lục VII của UNCLOS chỉ có thẩm quyền xem xét 7 trong số 15 vấn đề này, còn 8 vấn đề khác liên quan đến chủ quyền, quyền thụ đắc lãnh thổ và phân định biển không được thụ lý.

Các vấn đề này tương ứng với 3 nội dung chính. Thứ nhất, Philippines yêu cầu PCA bác cơ sở pháp lý yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Với yêu sách này, Bắc Kinh nói rằng họ có chủ quyền lịch sử ở khu vực nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò”. Phía Philippines nêu rõ, điều này không nằm trong điều 9 của UNCLOS nên cách lý giải của Trung Quốc là áp dụng và giải thích sai UNCLOS.

Thứ hai, Manila yêu cầu PCA xem xét một số thực thể đang bị Bắc Kinh cải tạo thành đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự trái phép trên đó, cũng như bãi cạn Scarborough và một số bãi cạn khác nằm trong quần đảo Trường Sa có phải là đảo theo đúng điều 111 của UNCLOS hay không.

Thứ ba, Philippines đề nghị PCA bác bỏ hành vi ngăn cản người dân nước này thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán trên vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế mà Philippines có chủ quyền dựa theo UNCLOS.

Bên cạnh đó, Manila mong muốn PCA lên án Bắc Kinh bởi những hành vi cải tạo, phá hoại môi trường biển, khai thác một cách quá mức làm ảnh hưởng môi trường sinh sống của các sinh vật biển.

Những cột mốc chính:

- Ngày 22/1/2013: Philippines chính thức đệ đơn lên PCA kiện Trung Quốc về “đường 9 đoạn” trên Biển Đông theo Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS).

- Ngày 19/2/2013: Trung Quốc gửi công hàm phản đối, cho rằng PCA không có thẩm quyền xét xử.

- Ngày 1/8/2013: Trung Quốc nhấn mạnh “không chấp nhận vụ kiện với Philippines” và sẽ không tham gia quá trình xét xử.

- Từ ngày 7/12 đến 17/12/2014: Trung Quốc công bố lập trường chính thức, tái khẳng định vụ kiện không nằm trong cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS, và quyết định không nộp hồ sơ phản biện trước hạn chót của PCA.

- Ngày 22/4/2015: PCA tuyên bố mở phiên điều trần sơ bộ vào tháng 7/2015, bất chấp việc Trung Quốc có tham gia hay không.

- Từ ngày 7/7 đến 13/7/2015: PCA đồng ý tiếp nhận vụ kiện, mở phiên điều trần đầu tiên và phiên thứ hai.

- Ngày 29/10/2015: PCA khẳng định có thẩm quyền phán quyết đối với 7 trong số 15 điểm mà Philippines kiện Trung Quốc.

- Từ ngày 24/11 đến 30/11/2015: Tòa tổ chức phiên điều trần cuối cùng với các quan sát viên là Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam.

- Ngày 29/6/2016: PCA thông báo sẽ ra phán quyết vào ngày 12/7/2016.

Quan điểm các bên

Phát biểu trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 7/7, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói rằng, ông không thể bình luận về vụ kiện, nhưng kêu gọi các bên liên quan giải quyết khác biệt một cách hòa bình, tránh làm leo thang căng thẳng hoặc gây hiểu lầm làm ảnh hưởng an ninh và sự phát triển của khu vực.

Trong một diễn biến liên quan, Cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ Kristie Kenney khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục nêu bật vấn đề tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời tìm kiếm các giải pháp dựa trên cơ sở pháp lý và ngoại giao trong vấn đề này và yêu cầu không tiến hành các hành động khiêu khích.

Cùng quan điểm ủng hộ vụ kiện như các nước khác trong nhóm G7, Nhật Bản cho biết quân đội sẽ theo dõi chặt chẽ hoạt động của Trung Quốc sau khi PCA ra phán quyết. “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan phản ứng theo cách không làm gia tăng căng thẳng”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani phát biểu trong một cuộc họp báo ở Tokyo.

Trong khi đó, với các nước ASEAN, Singapore, Indonesia và Malaysia trong khi chờ đợi kết quả vụ kiện cũng đã có một số phát biểu thể hiện quan điểm tôn trọng luật pháp quốc tế. Mặc dù không không trực tiếp nhắc đến vụ việc nhưng Singapore đã nhiều lần gián tiếp đề cập đến việc “tôn trọng các quy trình pháp lý”. Phía Indonesia và Malaysia cũng khẳng định tôn trọng trật tự pháp quyền trong khu vực và trên thế giới.

Chiến thắng dành cho Philippines

Trong một phán quyết mang tính bước ngoặt ngày 12/7, PCA kết luận Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để tuyên bố chủ quyền lịch sử đối với các khu vực nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn” theo yêu sách của Bắc Kinh - một phán quyết được xem là chiến thắng lịch sử của Philippines. Trong phán quyết dài 497 trang này, các thẩm phán cũng khẳng định, tàu tuần tra thực thi pháp luật của Trung Quốc đã va chạm với tàu đánh cá của Philippines và gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho các rạn san hô bởi các công trình xây dựng.

LÊ THẢO – TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ Reuters, Straitstimes & Manilatimes)

 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Philippines phê chuẩn hiệp định RCEP
Philippines phê chuẩn hiệp định RCEP

Tối 21/2, Philippines vừa chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), với hy vọng hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này có thể giúp Philippines thu hút việc làm tốt hơn, cùng với đó là cung cấp hàng hóa rẻ hơn trong bối cảnh lạm phát cao kỷ lục.

Tăng trưởng của 5 nền kinh tế lớn của ASEAN có thể giảm trong năm 2023
Tăng trưởng của 5 nền kinh tế lớn của ASEAN có thể giảm trong năm 2023

Các nền kinh tế lớn của ASEAN, vốn dường như đang tăng trưởng trở lại sau các tác động của đại dịch COVID-19, có thể sẽ phải đối mặt với triển vọng tăng trưởng khó khăn hơn trong năm tới do lãi suất thắt chặt trên toàn cầu, đặc biệt là các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cộng với đó là thị trường Trung Quốc hạ nhiệt do tác động của các chính sách nghiêm ngặt để chống dịch.