Thứ Tư, 08/07/2020 15:19

Chợ chiều

Chợ mai thì nhiều nhưng chợ chiều ít thấy, chắc do các bà nội trợ định kiến chợ chiều đồ không tươi chăng.

Tuyết mùa Giáng sinhDưới bóng thông núi NgựThầy giáo chủ nhiệm

Chợ mai thì nhiều nhưng chợ chiều ít thấy, chắc do các bà nội trợ định kiến chợ chiều đồ không tươi chăng. Nghĩ thế là nhầm, ít nhất với hàng cá của chị. Tàu nhỏ nên chuyên đánh bắt vùng biển ngang, nửa đêm chồng đi lộng, xế trưa hôm sau đã vô bờ. Vợ chờ để chở lộc biển đến chợ chiều, với cá tươi xanh, tôm búng tanh tách.

Khách quen của phiên chợ cuối ngày là đám công nhân trong khu công nghiệp gần đó. Tan tầm, họ đổ ra chợ mua quấy quá rồi vội vã về làm bữa tối cho gia đình. Người bán cũng nhún mình, hạ giá để nhanh được về. Rộn ràng khoảng ba mươi phút rồi chợ vãn dần, khi bóng đêm lan ra khắp nẻo.

Giữa đám các bà, nổi bật một gã đàn ông. Anh này chắc chưa tới bốn mươi, thường đến hàng cá của chị, thập thò đứng sau, chờ các bà mua xong rồi chen vô mua luôn, khỏi phải trả giá. Việc mua bán cứ dài ra bởi anh hết hỏi các loại cá, lại muốn biết cá nạc hay xương, người già ăn được không, hỏi cả cách chế biến và các gia vị đi kèm. Chị vừa bán vừa quay qua trả lời anh đến mệt.

Nhìn nước da đen và quần áo cũ nhàu (lắm khi dính bùn đất hay vôi vữa), chị chắc anh lao động chân tay. Lắm lúc anh đứng ngây nhìn các loại cá ngon, đưa tay mở ví, ngẩn người một tí rồi lặng lẽ bỏ đi. Lúc khác, anh đưa tay lên túi áo, lại lần xuống túi quần, cứ như tiền cũng lẩn trốn vậy.

Khi không cưỡng được ý muốn, anh đưa tay lật qua lật lại mấy lát cá thu tươi dong trên cái mẹt rồi rụt rè hỏi mua. Nghe hô giá, anh rụt tay, giật mình, buột miệng kêu lên “đắt quá” rồi bỏ đi. Chị ném theo ánh mắt sắc như mũi nhọn cùng những lời sỉ nhục: “Không có tiền, đừng sờ vô! Vừa mới mở hàng, đã ám rồi!”. Anh quay lại ngó sững rồi xoay người, bước vội. Kẻ nhìn theo lầm bầm chì chiết: “Đàn ông tranh phần đi chợ của vợ, chắc lại đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành!”.

Khách hàng đặc biệt thứ hai của chị (khác hẳn với anh kia) là bà Đại. Đó không phải tên cúng cơm, tiểu thương trong chợ gọi bà theo kiểu rút gọn danh xưng đại gia, lâu dần thành tên riêng - bà Đại. Bà mua rẹt rẹt, chẳng trả giá bao giờ, càng không so kè đắt rẻ, lại chọn toàn đồ tươi sống. Bà chỉ gật đầu khi thấy cá mú, cá cu bơi trong chậu nước hay mực nhấp nháy hoặc ghẹ tươi xanh. Miếng ăn của người sang cũng khác hẳn với đại chúng.

Khách quý nên chị ưu tiên tiếp thị và tranh thủ nâng giá. Có hải sản tươi ngon, lại gọi bà Đại, có khi đem tận nhà. Đó là ngôi nhà to vật vã, với khuôn viên rộng, sau lớp tường bao cao quá đầu người, quay ra Quốc lộ 1A, cách chợ không xa. Cũng như chị, tiểu thương ở đây thấy bà từ xa đã nở nụ cười khuyến mãi, mời chào ơi ới cùng tiếng “dạ” liên thanh. Dáng màu mỡ cùng trang sức rực rỡ đã phần nào cho thấy độ sang trọng của bà này. Bà hầu như di chuyển “bằng mông” bởi con bốn chỗ luôn đỗ trong sân, vừa bước xuống xe đã có kẻ bật dù che mưa nắng. Bà như thỏi nam châm hút ánh nhìn ngưỡng mộ cùng sự nể trọng của bao người. Kè kè bên bà là chàng tài xế chải chuốt bóng loáng, áo quần bảnh bao, người sực nức hương thơm như lọ nước hoa mở nắp. Ngó ánh mắt họ giao nhau và cả cách xưng hô trống không, lại dính nhau như sam, nhiều người chắc chàng là “phi công” lái “máy bay” đã ngót sáu chục.

Tiền vào tay bà Đại như “đã chửa”, qua bữa sau đã sinh lời. Chị cũng như dân buôn trong chợ tin bà lắm, chắc tin ngang như ngân hàng Thụy Sĩ. Bà làm ăn uy tín, cả hàng chục năm rồi, không chỉ lãi cao mà còn đúng hạn cực kỳ. Những lời đồn đãi lan nhanh khiến bà Đại càng vang danh, người ta tranh nhau đến với bà để được lợi. Từ chủ tiệm vàng trước chợ đến mấy bà bán rau hay bị nhân viên bảo vệ nhắc vì lấn chiếm lòng đường đều nhìn bà như bậc cao nhân, tiếp đó tiền dần dần chảy vào nơi dễ dàng sinh lợi. Mỗi khi bà “hạ cố lai đáo” cứ như đem niềm vui cùng sự háo hức cho nhiều người.

Gian hàng hải sản được mở rộng, đồng nghĩa đường làm ăn của chị liên tục phát triển. Tôm cá biển ngang, vừa rời mặt nước là sang chợ chiều đã thành thương hiệu hút khách. Người đàn ông đi chợ hiếm hoi cũng không đứng ngoài sức hút đó. Sau lần bị người bán hàng nặng lời, anh chỉ đứng nhìn cá tôm, không giấu được vẻ thèm muốn nhưng cuối cùng lẳng lặng bỏ đi. Đi rồi, vẫn ngoái lại như tiếc nuối không thôi. Có hôm anh đứng lâu quá, chị gắt: “Anh không mua thì biến đi cho thoáng, cứ đứng choán thế, mất hết khách của tui”. Anh giật mình, vẻ như biết lỗi, bước vội.

Chị ngạc nhiên khi thấy nhiều người quan tâm, ưu ái người đàn ông ấy. Người quen gặp anh ở chợ cứ bám lấy hỏi chuyện, tỏ ý cảm thông yêu mến, lại xuýt xoa: “Được như cậu, quý quá!”. Có mấy người còn chạy theo anh ra chỗ để xe gửi cho mấy lát cá bớp hay vài lạng mực tươi. Cô bán thịt bò ở giữa chợ cứ mươi bữa lại dúi vào tay anh một gói nhỏ: “Em gởi chút thịt bò cho dì dượng”. Cô còn dặn với theo: “Anh nhớ ướp thêm chút gừng cho đỡ mùi hôi nhé”. Chờ anh đi khỏi, chị hỏi cô kia: “Ai đấy”. “Anh con dì em” - Cô gái đáp vội rồi chạy đi bán hàng.

Chợ chiều đột nhiên như có thủy triều tràn qua, xơ xác, ngơ ngác rồi kêu la thảm thiết. Tin bà Đại bể hụi, bỏ trốn lan nhanh như sóng điện khiến nhiều người chết điếng. Người ta hỏi nhau rồi xúm lại bàn tán suốt ngày, chẳng thiết buôn bán. Bàn chán, lại dẫn nhau lên công an nộp bản kê khai, cầu cứu rồi kéo ra vây quanh căn nhà to của bà. Nhà không bóng người, chỉ có con chó béc giê lồng lên khiến đám đông khựng lại. Không còn giấu được nữa, nhiều người bật ngửa khi biết số tiền mất quá lớn, với nhiều khách hàng bất ngờ lộ sáng. Lắm kẻ gào lên giữa trời cho vơi đau xót, ngộ ra ngu muội khi đã muộn rồi.

Chị cũng không đứng ngoài vụ đổ vỡ kinh hoàng; chắt chiu từ gian hàng tôm cá gần năm trời đã dồn cho người đàn bà kia. Hết rủa kẻ lừa đảo, chị lại tự xỉ vả mình trong câm lặng, đi đứng thẫn thờ, vật vờ như mất trí. Chẳng dám san sẻ cùng ai bởi sợ cái dại hám lợi bị tán phát chê cười, chị nén nỗi đau tưởng như bất tận. Với chồng, cũng không dám nói. Nhớ lại sự vị nể dành cho người đàn bà sang chảnh kia, chị cảm thấy mỉa mai, cay đắng đến uất nghẹn trong lòng. Hóa ra, vẻ giàu sang chưa chắc đồng nghĩa với sự đàng hoàng.

Chị lan man nghĩ sang người đàn ông hay đi chợ, nhớ dáng lam lũ của anh lúc chiều muộn, giữa chốn toàn các bà. Dạo này anh cũng đột nhiên vắng. Vẻ buồn buồn cùng sự rụt rè của anh khi mua những thức ngon khiến chị thắc mắc, tò mò. Chị tìm đến cô bán thịt bò, dò hỏi.

Hóa ra, anh là tài xế taxi, sống cùng vợ con trên thành phố. Khi cha mẹ già yếu nhưng không muốn rời quê, con trai chiều bậc sinh thành bằng cách về quê chăm sóc. Ở quê thất nghiệp, anh thành thợ đụng, ai kêu chi làm nấy; không có tiền nhưng muốn dành cho cha mẹ những gì tốt nhất. Con chỉ rau dưa qua bữa nhưng cha mẹ phải có cá thịt. “Em gái ảnh là giáo viên ở miền Nam, dạo này nghỉ hè về quê chăm sóc cha mẹ, để ảnh lên phố với vợ con mấy bữa”. Cô bán thịt bò cho biết rồi kể tiếp về người con nghèo tiền của nhưng giàu yêu thương, hiếu thảo.

Chị chợt nhớ những lúc người đàn ông mân mê con cá ngon nhưng rồi ngần ngại để xuống, chắc không đủ tiền. Nhớ những lời mình từng vung vãi bừa bãi khiến anh ấy tổn thương, chị dằn vặt khôn nguôi; cứ trách mình mù màu trước thật thà và dối trá. Hai kẻ đi chợ - người đàn ông và nữ đại gia dỏm ấy bỗng chốc thay đổi vị trí trong suy nghĩ cùng sự yêu ghét của chị, kéo theo nỗi hổ thẹn dâng đầy.

Chợ chiều vẫn đông, sau bão giông nhân tạo. Chị bỗng mong gặp lại người đàn ông ấy, chí ít cũng nói đôi lời cho lòng nhẹ nhõm.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cây cầu ký ức
Cây cầu ký ức

Đôi khi nó lại hiện ra trong giấc mơ. Làn nước tận đáy xanh rong rêu, bầy cá bống lượn vòng tụ lại rồi tản ra. Vài ngọn bông bèo dập dờn, mưa đêm còn đọng trên lá.

Thằng Cứng
Thằng Cứng

Nhớ hồi tôi mới gặp thằng nhỏ cũng là lúc đương độ dịp tết. Phố thị không thiếu những đứa bé trạc tuổi nó cùng gia đình bươn chải, mưu sinh.

Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội
Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội

Tan giờ làm, mấy chị em rủ nhau đi ăn vặt, nạp thêm tý năng lượng cho cái bụng đói cồn cào, đang réo òng ọc. Loanh quanh một hồi cả nhóm ghé vào quán “bèo, nậm, lọc” nằm ở một góc đường Nguyễn Trãi (Huế), dưới tán cây xanh mát bên trong nội thành.

Chị tôi
Chị tôi

Chị tôi 63 tuổi, tốt nghiệp Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế). Tâm hồn thi vị và cuộc sống nhẹ nhàng.