Thứ Năm, 22/03/2018 07:00

Cho phép nhưng có kiểm soát

Một trong những điểm mới đáng chú ý được quy định trong Thông tư 32 ban hành Điều lệ trường THCS, THPT là học trò được sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên. Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

Từ 1/11, học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học. (Ảnh minh họa)

Phụ huynh, giáo viên âu lo

Theo Thông tư 12 trước đây, học sinh không được “sử dụng điện thoại di động trong giờ học”. Tức là, cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại, đã vào lớp học là không được dùng điện thoại. Tuy nhiên, thông tư mới sẽ áp dụng từ ngày 1/11 tới đây là chỉ cấm việc sử dụng mà không phục vụ cho việc học tập và việc sử dụng sẽ có sự quản lý của giáo viên. Nhiều giáo viên cho rằng, lứa tuổi học sinh cấp THCS, THPT đang trong giai đoạn dậy thì nên thường hay tò mò. Nếu các em được sử dụng điện thoại ở trường sẽ là một điều đáng lo, khó kiểm soát. Giáo viên không thể bao quát hết 40 cái điện thoại đang hoạt động trong giờ học.

“Cho phép học sinh dùng điện thoại di động trong giờ học sẽ làm các em khó chuyên tâm vào bài giảng. Lâu nay, học sinh không đem điện thoại vào lớp vẫn có thể học và thi trên mạng. Ví dụ, học sinh cần lên mạng để tìm tài liệu học tập thì vào thư viện truy cập trên máy tính của nhà trường. Học sinh cần học và thi online thì vào phòng máy tính...”, cô giáo N.N.B giáo viên dạy THCS ở TP. Huế bày tỏ.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Bích Trang, phụ huynh có con học lớp 7 Trường THCS Hùng Vương băn khoăn, học sinh có thể tiếp cận các loại máy móc hiện đại nhưng không nhất thiết phải cho học sinh đem điện thoại vào lớp. Rồi những em khó khăn, không đủ điều kiện mua smartphone thì sao?

Có kiểm soát

Điều chỉnh cho học sinh đem di động vào lớp học với sự đồng ý của giáo viên xuất phát từ thực tế, các em cần sử dụng những tính năng của điện thoại thông minh để tìm kiếm tài liệu tham khảo ngay trong thời gian diễn ra giờ học.Thế nên, quy định này hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm những nguồn học liệu để hỗ trợ cho bài học khi được sự cho phép của giáo viên.

Ông Lê Triều Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội cho hay: Đây là tư duy mở, mang tính thời đại trong việc tối ưu hóa ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học của thầy trò trong thời đại nhịp sống số. Đặc biệt, khi thao tác làm bài trắc nghiệm trên ứng dụng tích hợp vào điện thoại được học sinh làm nhiều lần, giúp các em thích ứng với xu hướng đổi mới phương thức thi THPT quốc gia trên máy tính sắp tới của bộ đề xuất.

Tương tự, một giáo viên dạy môn tự nhiên tại Trường THPT Hai Bà Trưng cho rằng, những thông tin về tính thời đại trong sách giáo khoa, đặc biệt ở các môn khoa học tự nhiên như hóa, lý, sinh… dường như chưa kịp cập nhật vì sách đã ban hành trước đó rất lâu.

Đa số ý kiến đều cho rằng, việc cấm sử dụng điện thoại di động trong thời đại công nghệ hiện đại nghe có vẻ lỗi thời. Nhưng để biến điện thoại thành công cụ học tập hữu ích thì cần có sự đồng bộ tương thích từ quy tắc ứng xử, văn hoá sử dụng, chương trình và các hoạt động giáo dục. Thậm chí, mỗi trường nên xây dựng quy chế thực hiện, mỗi giáo viên chủ động và đề xuất những phương thức tổ chức tiết dạy có dành thời gian cho học sinh sử dụng điện thoại di động thích hợp và tạo hứng thú trong học tập.

Thiết nghĩ, đã dạy học qua internet thì phải có phương tiện cho học sinh truy cập vào các nguồn học liệu, như máy tính, điện thoại di động... Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng việc giáo viên cho phép sử dụng điện thoại cho mục đích học tập cũng chỉ trong một giai đoạn ngắn để thực hiện, sau đó phải dừng lại chứ không thể có chuyện sử dụng điện thoại xuyên suốt giờ học.

Bài ảnh: Huế Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh
Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh

Ngày 25/2, Trường THCS Nguyễn Đăng Thịnh, TP. Huế phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) tổ chức chương trình Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh và học sinh các khối 8,9.

Giữ chữ cho em
Giữ chữ cho em

Thống kê sơ bộ, năm nay, toàn tỉnh có khoảng 30 học sinh nghỉ học sau Tết.