Một hàng nón ở Đông Ba ngày trước
Còn hơn tháng nữa là Tết, trời bỗng chuyển lạnh tê tái. Ngẫm nghĩ chút, tôi quyết định đến tiệm thuốc bắc quen bổ thang thuốc ngâm rượu uống tết. Trời lạnh, làm cốc rượu có vẻ hợp lý hơn uống bia, vừa có dược tính bổ dưỡng, giãn gân giãn cốt, lại vừa đỡ mất công… tiểu đêm, mất ngủ.
Thuốc về, rượu cũng mua sẵn, nhưng lục tìm thì trong nhà không thấy có chiếc bình thủy tinh nào đủ sức chứa 5 lít như toa hướng dẫn. Vậy là lọt tọt chạy về chợ Bến Ngự tìm mua để về ngâm cho thuốc kịp ra dùng tết. Khổ nỗi, sát cạnh hàng bán bình có một đôi chị chàng đang phùng mang trợn má đấu khẩu. Chẳng biết mâu thuẫn gì trong chuyện làm ăn mà thấy họ cãi cọ, chì chiết nhau cật lực. Xung quanh chẳng ai lên tiếng can ngăn, chỉ thấy người đứng quanh nhìn ngó, vẻ tò mò như thường vẫn vậy. Đứng chờ chị chủ hàng vào sạp lục lấy chiếc bình chừng chục phút mà tôi lùng bùng hết cả đầu. Nghĩ bụng, vậy là 2 chị kia ít nhất cũng cả buổi hôm ấy vừa hao hơi vừa hết làm ăn. Lo đôi co (mà dân gian nói trắng phớ là “chửi lộn”) nhau như thế, bụng dạ đâu nữa để bán với buôn. Mà khách hàng chắc cũng chẳng ai điên mà chui đến cái cửa hàng đang xảy ra “chiến sự” hỏi mua, lấy đâu ra mà bán?!
Ôm chiếc bình ra khỏi chợ, tôi như được thoát nạn. Nhớ đến chợ Đông Ba - Ngôi chợ lớn, lâu đời và nổi tiếng nhất của Huế. Cách đây chưa lâu lắm, ngôi chợ này cũng lắm… “tật bệnh” như bao ngôi chợ khác. Nhưng từ khi có trưởng ban quản lý chợ mới - bà Hoàng Thị Như Thanh - được bổ nhiệm về, bằng sự nhiệt tình tận tụy, công tâm, biết dựa vào tiểu thương để xây dựng chợ… Đông Ba đã có cuộc lột xác đến ngoạn mục. Tôi đã rủ vợ làm một cuộc dạo quanh ngôi chợ để xem thực hư thế nào hay chỉ là chuyện đồn thổi, thấy đúng là Đông Ba đã đổi thay đến bất ngờ. Sạch sẽ, gọn gàng, tươi vui, an toàn hơn trước rất nhiều. Ướm hỏi nhiều chị tiểu thương về bà trưởng ban mới, ai cũng đưa ngón tay cái lên với nụ cười tươi rói: Rất hay, rất tuyệt vời!
Thú vị nhất là cả ngôi chợ lớn với hàng ngàn con người ta như thế nhưng tôi đã không hề bắt gặp một trường hợp “tiếng to” nào giữa họ. Hay là mình đi đúng ngày... Thần “thuận hòa” giá lâm thăm chợ? Đến khi dừng chân, nói chuyện với chị tiểu thương ở quầy hàng đồ khô “Dì Lợi”, tôi mới vỡ lẽ. Ra chợ có quy chế và đã được tập thể tiểu thương thống nhất đồng thuận, ấy là không được gây lộn trong chợ. Nếu xảy ra trường hợp nào như vậy, thông tin lập tức đến với Ban quản lý. “Đối tượng” sẽ được mời lên nhắc nhở, hòa giải. Xong rồi đến khi về mà vẫn để “chiến sự” xảy ra thì a lê, “được” nghỉ kinh doanh 3 ngày! Nghiêm và không có ngoại lệ. Thế thì ai còn dám vi phạm. Mà đúng là chẳng hay ho, vui vẻ gì ba cái vụ gây lộn nhau, mặt nặng mày nề, tình cảm sứt mẻ lại còn mất mua bỏ bán. Cho nên, bà con tiểu thương ủng hộ hai tay.
Chợ không có tình trạng “gây lộn”, tưởng khó nhưng hóa ra có cách thì vẫn làm được. Và quan trọng nữa là ai cũng thích, ai cũng ủng hộ điều đó. Đông Ba làm được, hà cớ gì những chợ khác không bắt chước, nhất là khi mà cả tỉnh đang xây dựng, phát triển theo định hướng văn hóa.
Cũng trở lại với chợ Đông Ba một chút, những gì mà tập thể tiểu thương cùng Ban quản lý chợ đang chung tay thực hiện, mà các phương tiện báo chí, truyền thông đã đề cập, phản ánh trong thời gian qua không chỉ là làm phong trào, làm “màu mè” cho vui. Trên thực tế, những việc làm ấy đã tạo nên những hiệu ứng rất tích cực. Mà quan trọng nhất, như nhiều tiểu thương nhận xét: Người đến mua hàng ngày mỗi nhiều, du khách đến tham quan, thăm thú cũng ngày càng đông. Bán mua chỉ mong như vậy là quá tuyệt vời!
Từ chợ Đông Ba, các ngôi chợ khác của Huế ta nghĩ gì. Có chuyển động được chăng…
Bài, ảnh: Thượng Bích