Thứ Sáu, 11/08/2017 10:46

Chọn một cách sống

Không biết từ khi nào, những bộ áo quần chị mặc đều chuyển sang tông trầm. Thoạt đầu chị bảo, chúng trông sang hơn, nền nã hơn. Lần sau chị cười nhẹ khi bảo, chọn chúng vì chị cũng bắt đầu có tuổi rồi…

Duyên gần“Mình sẽ không về ...”Qua một ngày đường

Tôi cũng không rõ mình bị mặc định bởi những điều chị nói từ khi nào. Chỉ thấy là mình cũng quen đến nỗi chẳng đặt dấu hỏi nào nữa về những trang phục mầu trầm của chị. Rồi cũng quen dần với những đường nhăn chân chim đan nhau ngày một dầy hơn nơi đuôi mắt chị. Quen với đôi mắt chầm chậm vì tình trạng sụp mí và quen với cả cách trò chuyện lan man đông tây với rất nhiều dấu hỏi của chị.

Đến một ngày, tôi nhận ra không phải mình quen, mà đã dễ dàng chấp nhận sự thay đổi. Ở chị. Đó là khi chị yếu ớt phản kháng “chừng nào em có cháu, em cũng sẽ như chị thôi!”. Thật tình, tôi không rõ cái chừng nào ấy là khi nào, bao lâu nữa, nhưng câu chuyện mà vợ chồng tôi đã nói với con, trong một buổi tối gia đình ở hôm nào đó là ba mẹ sẽ giúp hết sức mình, bằng tất cả những gì có thể. Nhưng sự giúp ấy phải được thực hiện trên tinh thần tự lập của các con trước. Ví dụ bây giờ các con cứ dành dụm lương tháng cho những việc có ích sau này; biết cách chi tiêu hợp lý và trân trọng những gì mình có. Sau này các con có cháu, đương nhiên ba mẹ luôn bên cạnh và luôn hỗ trợ rồi, nhưng ba mẹ không phải bảo mẫu, cũng không phải là người giúp việc vì ba mẹ còn có cuộc sống của mình nữa…

Hôm đó, khi nghe tôi, nhân một điều gì đó, đã nói lại điều này, chị bảo “cứ về hưu, làm ông làm bà đi, tụi em cũng sẽ như anh chị thôi”. Tôi không nghĩ là mình lý thuyết vì chưa trải nghiệm, nhưng hôm đó, tôi đã khá xót xa khi đề nghị chị nhìn lại mình, quanh năm suốt tháng với những bộ áo quần màu cũ, thùng thình, lặn lội mọi ngóc ngách, cất đặt mọi thứ đồ đạc từ trong nhà, góc vườn đến tất bật với từng bữa cơm; dành hết phần lo hai đứa cháu của vợ chồng hai đứa con. Khi tôi đặt câu hỏi, chả nhẽ đó mới là cuộc sống sau khi nghỉ hưu của chị? Đâu rồi người phụ nữ hoạt bát, sắc sảo cắt đặt mọi thứ đâu ra đấy trong các cuộc họp? Đâu rồi người đàn bà mê say những bài thơ, thích thú những trang viết thấm đẫm tình người?...chị đã im lặng. Im lặng mãi cho đến khi rời đi.

Ít lâu sau, tôi thấy chị bên những người bạn trong một chuyến du lịch đến một nơi rất xa. Trông chị thoải mái và hạnh phúc với những hình ảnh tươi tắn trên dòng thời gian của facebook. Không comment gì, nhưng tôi biết, có một điều gì đó cũng bắt đầu thay đổi.

Hôm qua chị ghé qua, trên chiếc xe đạp. “Chị mới sắm đó. Cũng định sửa lại cái xe đạp cũ nhưng chị bạn can, nói đã đến lúc nghĩ đến mình rồi, và cũng cần một chiếc xe đảm bảo an toàn nữa. Có lý thiệt. Giờ nó sẽ cùng chị rong ruổi thể dục mỗi sáng, đi chợ, cà phê, thăm bạn bè…”. Tôi có thể đọc được sự hào hứng trong giọng chị và đã cười khi chị ngoái lại bảo “tháng nữa thôi, là chị sẽ bớt được vài kg. Đợi đấy mà xem”…

Yên Minh

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cây cầu ký ức
Cây cầu ký ức

Đôi khi nó lại hiện ra trong giấc mơ. Làn nước tận đáy xanh rong rêu, bầy cá bống lượn vòng tụ lại rồi tản ra. Vài ngọn bông bèo dập dờn, mưa đêm còn đọng trên lá.

Thằng Cứng
Thằng Cứng

Nhớ hồi tôi mới gặp thằng nhỏ cũng là lúc đương độ dịp tết. Phố thị không thiếu những đứa bé trạc tuổi nó cùng gia đình bươn chải, mưu sinh.

Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội
Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội

Tan giờ làm, mấy chị em rủ nhau đi ăn vặt, nạp thêm tý năng lượng cho cái bụng đói cồn cào, đang réo òng ọc. Loanh quanh một hồi cả nhóm ghé vào quán “bèo, nậm, lọc” nằm ở một góc đường Nguyễn Trãi (Huế), dưới tán cây xanh mát bên trong nội thành.

Chị tôi
Chị tôi

Chị tôi 63 tuổi, tốt nghiệp Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế). Tâm hồn thi vị và cuộc sống nhẹ nhàng.