Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Thượng tá Ngô Nam Cường chia sẻ: Dù khó khăn, phức tạp đến đâu thì Bộ CHQS tỉnh vẫn luôn xác định tốt nhiệm vụ, sẵn sàng xung phong vào những nơi tuyến đầu chống dịch; luôn là chỗ dựa tin cậy cùng với hệ thống chính trị và các lực lượng chức năng khác quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.
Thời điểm hiện nay, đối với lực lượng quân đội, tầm quan trọng của nhiệm vụ chống dịch được xác định như thế nào, thưa ông?
Đối với lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh nói chung, quân đội nói riêng luôn xác định chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ xuyên suốt, hàng đầu. Tuy nhiên, tùy từng thời điểm cụ thể để xác định nhiệm vụ chính trị trọng tâm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến khó lường như hiện nay, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và sự đồng sức, đồng lòng của toàn dân, trong đó lực lượng quân đội làm nòng cốt cùng với các lực lượng khác tham gia phòng chống dịch, và thực tiễn trong thời gian qua đã chứng minh cho điều đó.
Vì vậy, trong thời gian này, nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 được xem là nhiệm vụ hàng đầu đối với Bộ CHQS tỉnh, đặc biệt là việc thực hiện đầy đủ các nguyên tắc “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch” để thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo không để dịch bệnh lây nhiễm vào đơn vị và thực hiện nhiệm vụ cách ly công dân tại các khu cách ly tập trung do UBND tỉnh giao, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho người dân trong mọi tình huống.
Song song với nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, Bộ CHQS tỉnh vẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của LLVT tỉnh.
Lực lượng quân đội đã “chiến đấu” với dịch bệnh COVID-19 như thế nào trong thời gian qua?
Bộ CHQS tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh tổ chức diễn tập các phương án vận chuyển, tiếp nhận, tổ chức cách ly công dân trở về từ những quốc gia có dịch.
Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh (bên phải) kiểm tra công tác phục vụ bữa ăn cho các công dân tại khu cách ly T1
Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng của Bộ CHQS tỉnh cùng với các lực lượng chức năng khác nhanh chóng khởi động và hình thành 6 khu cách ly tập trung đi vào hoạt động hiệu quả. Điều khó khăn nhất trong cuộc chiến chống dịch COVID - 19 đó là kinh nghiệm trong phòng, chống dịch của cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế; hệ thống trang thiết bị y tế còn thiếu thốn, trong khi nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh rất cao; việc bảo đảm vệ sinh dịch tễ, bảo đảm an ninh, bảo đảm ăn, nghỉ, sinh hoạt với số lượng rất lớn. Song, lực lượng của Bộ CHQS tỉnh đã hoàn thành tốt công việc của mình, điều này đã được Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, lãnh đạo tỉnh và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
So với đợt dịch hồi đầu năm, “cuộc chiến” lần này có khó khăn hơn không, thưa ông?
Với kinh nghiệm rút ra trong phòng, chống dịch đợt 1, đợt này Bộ CHQS tỉnh đã có sự chủ động chuẩn bị sẵn sàng các phương án, nhất là tổ chức chỉ huy, lực lượng kịp thời kích hoạt 5/6 khu cách ly trong giai đoạn 1, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, công tác hậu cần ăn, ở, sinh hoạt cho hơn 4.000 công dân. Việc tham mưu vận hành cơ chế phòng thủ dân sự thông qua công tác phối hợp, hiệp đồng với các ban, ngành, đoàn thể, nhất là Công an, Biên phòng, lực lượng Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chặt chẽ, nhịp nhàng, không để thiếu sót, bất ngờ xảy ra.
So với cuộc chiến đợt 1, đợt 2 có nhiều khác biệt, sự khác biệt đó chính là mức độ lây nhiễm, bùng phát dịch nhanh và phức tạp hơn. Mặc dù vậy, chúng ta hoàn toàn làm chủ mọi mặt, từ con người đến cơ sở vật chất, điều này hoàn toàn khác so với trước đây. Sự phối hợp giữa LLVT tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng khác rất nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn có những khó khăn, nhất là công tác bảo đảm nơi ăn, ở, vệ sinh cho bà con. Ngoài ra, đợt dịch này, Huế sát bên “tâm dịch” Đà Nẵng nên nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 cao hơn đợt 1, trong khi các trang thiết bị y tế bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ ở các khu cách ly vẫn còn thiếu.
Trong mọi tình huống, lực lượng quân đội luôn đi đầu. So với những cuộc chiến khác, chống COVID-19 có sự khác biệt nào?
Cuộc chiến phòng, chống dịch COVID -19 hoàn toàn khác so với các cuộc chiến khác. Trước hết, đây là cuộc chiến với an ninh phi truyền thống, ta không nhận diện rõ đối tượng tác chiến. Dịch bệnh có thể diễn ra bất cứ thời gian, địa điểm nào, nếu như chúng ta chủ quan, bị động. Đáng chú ý là tính chất, mức độ lây lan hết sức nhanh chóng, trên diện rộng, nguy cơ tử vong cao; hệ lụy của dịch bệnh là rất lớn, chúng ta khó có thể lường hết được.
Thế nên, Bộ CHQS tỉnh đã quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc” đến cán bộ, chiến sĩ là gì?
Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh đã quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân khu và của tỉnh về công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là tư tưởng chỉ đạo “Chống dịch như chống giặc” đến mọi cán bộ, chiến sĩ. Do đó, LLVT tỉnh đã đoàn kết, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ mà Quân khu, tỉnh giao, góp phần ngăn chặn đại dịch COVID – 19 bùng phát trên địa bàn tỉnh.
Theo ông, chúng ta nên làm gì để bảo đảm an toàn trong thời điểm này?
Phải tiếp tục tuyên truyền cho mọi người dân thấy rõ sự nguy hiểm, tính chất phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài, toàn xã hội là một bức tường sắt như vậy sẽ chiến thắng “giặc” COVID-19.
Đối với LLVT tỉnh luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không chỉ phòng, chống dịch cho công dân tại khu cách ly, mà còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của LLVT tỉnh, phải đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch tại các khu cách ly. Luôn giữ vững sức chiến đấu của LLVT trong mọi tình huống.
Để thực hiện công tác phòng, chống dịch hiệu quả trong thời gian tới phải tiến hành đồng bộ nhiều công việc. Trước hết, Bộ CHQS tỉnh phải triển khai tốt các chỉ thị, hướng dẫn, quy định về giãn cách xã hội ngay trong đơn vị để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cán bộ, chiến sĩ, không để dịch bệnh lây nhiễm vào đơn vị.
Đồng thời, Bộ CHQS tỉnh đã tích cực tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID- 19 của tỉnh tiếp tục hoàn thiện các phương án khả thi nhất, nhất là chỉ đạo các huyện, thị xã, TP. Huế; các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh hình thành các khu cách ly tập trung với khả năng tiếp nhận, cách ly khoảng 10.000 công dân. Đặc biệt, chuẩn bị các tình huống cao hơn như, các phương án sẵn sàng phong tỏa, cách ly một thôn, xã, huyện... nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Xin cảm ơn ông!
LÊ THỌ (Thực hiện)