Tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm
Trạm trưởng Trạm CNTY huyện A Lưới, bà Trịnh Thị Thanh chia sẻ, mưa rét tại núi rừng A Lưới những ngày này không làm nhụt chí đối với các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, trực chốt tại khu vực biên giới để giám sát vận chuyển gia súc, gia cầm (GSGC) đi qua địa bàn. Từ hơn mười năm nay, tại các khu vực biên giới A Lưới chưa để xảy ra tình trạng vận chuyển GSGC, sản phẩm GSGC qua lại. Tuy nhiên, lực lượng thú y cùng các ban ngành liên quan trên địa bàn huyện vẫn không chủ quan, lơ là, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong trực chốt, tuần tra, ngăn chặn vận chuyển GSGC lậu qua cửa khẩu A Đớt, cửa khẩu Hồng Vân và các vùng biên giới.
Trạm CN&TY các xã, thị trấn phối hợp với ban ngành chức năng, các địa phương giáp ranh vùng biên giới tổ chức lập chốt chặn, kiểm soát xuất, nhập GSGC trái phép sang Lào và ngược lại nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn trường hợp vi phạm. Ngoài lập chốt tại các điểm “xung yếu”, lực lượng này còn tổ chức tuần tra thường xuyên trên các tuyến đường mòn, lối dẫn từ các địa phương sang Lào; kết hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành quy định, không buôn bán, giết mổ GSGC trái phép.
Tại hai chốt kiểm dịch phía nam, bắc của tỉnh, lực lượng thú y phối hợp với công an, thị trường tổ chức trực chốt cả ngày lẫn đêm, kết hợp tuần tra, giám sát trên Quốc lộ 1A và một số tuyến đường xung yếu. Các phương tiện vận chuyển GSGC đi qua chốt đều được kiểm tra các thủ tục hành chính, kiểm dịch, kiểm soát kỹ trước khi đi qua, hoặc đưa vào địa bàn tỉnh tiêu thụ. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện tình trạng vận chuyển GSGC lậu qua lại khu vực biên giới A Lưới và hai chốt bắc, nam.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục CNTY tỉnh thông tin, hiện trên địa bàn tỉnh có hai cửa khẩu A Đớt thông thương với cửa khẩu Tavang (Tà Vàng) ở Ban Tavang, Muang Kaleum, tỉnh Sekong và cửa khẩu Hồng Vân (A Lưới) thông thương với cửa khẩu Kutai (Cô Tài) ở Ban Kutai, Muang Sa Mouay, tỉnh Salavan (Lào). Hoạt động kiểm soát vận chuyển, giết mổ, buôn bán GSGC tại các cửa khẩu luôn được ngành chức năng chú ý, không để xảy ra trường hợp vi phạm.
Tại hai chốt kiểm dịch động vật bắc, nam trên tuyến Quốc lộ 1A thuộc xã Phong Thu (Phong Điền) và Thừa Lưu (Phú Lộc), Chi cục CNTY bố trí cán bộ trực chốt 24/24 đảm bảo thực hiện việc kiểm tra thủ tục kiểm dịch, tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển. Đồng thời phối hợp các lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát môi trường tỉnh, cảnh sát giao thông tỉnh kiểm tra các phương tiện vận chuyển GSGC nhập vào địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của ngành CNTY quản lý tốt đàn vật nuôi, nâng cao số lượng và chất lượng đàn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh, thành. Đây cũng là một trong những biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng nhập lậu GSGC vào địa bàn tỉnh tiêu thụ, cạnh tranh giá cả thiếu lành mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có 394 trang trại (TT) chăn nuôi, trong đó 13 TT chăn nuôi lợn, gà quy mô lớn, 64 TT quy mô vừa và 317 TT quy mô nhỏ.
Đáng chú ý có trên 40 cơ sở chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sử dụng đệm lót sinh học với tổng số trên 250 con lợn nái và 5.000 con lợn thịt. Trên địa bàn có một TT chăn nuôi lợn hữu cơ quy mô lớn tại tổ hợp chăn nuôi 4F ở xã Phong Thu (Phong Điền) với quy mô 100 con lợn nái và 2.200 lợn con giống, lợn thịt. Có khoảng 27 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ cao (công nghệ làm mát chuồng trại, nước uống tự động…); trong đó 4 cơ sở chăn nuôi gia cầm, một cơ sở sản xuất gia cầm giống, 22 cơ sở chăn nuôi lợn.
Đến nay, tổng đàn trâu toàn tỉnh ước tính 15 ngàn con, tăng 5,4 %; đàn bò ước 29 ngàn con, tăng 2,3%; đàn lợn ước đạt 157 ngàn con, tăng 11,4%; tổng đàn gia cầm ước đạt 4,8 triệu con, tăng 1,3 % so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước khoảng 33 ngàn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bài, ảnh: Hoàng Thế