Thứ Bảy, 21/01/2017 13:59

Chủ động phòng ngừa tai biến sản khoa

Gần đây những vụ tai biến sản khoa xuất hiện ở Thừa Thiên Huế ngày càng dày hơn đã trở thành nỗi ám ảnh, đau lòng không chỉ riêng với sản phụ và người thân. Các bác sĩ chuyên khoa cho rằng, trình trạng trên có thể hạn chế, phòng ngừa nếu phụ nữ biết cách chăm sóc, kiểm tra thai kỳ đúng cách.

Đào tạo phương pháp nghiên cứu trong lâm sàng và viết bài báo y học Quốc tếCứu sống sản phụ lộn lòng tử cung sau sinhCứu sống sản phụ bị đờ tử cung sau sinh

Phải theo dõi thai kỳ

Hơn hai tuần lễ trôi qua nhưng hiện dư luận vẫn xôn xao về cái chết của hai mẹ con sản phụ T. (P. Phú Hậu, TP Huế) khi vào Bệnh viện (BV) Trường đại học Y dược Huế chờ sinh.

Trước đó hai ngày (5/7), chị T. nhập viện trong  tình trạng mang thai con so được 40 tuần 2 ngày, có dấu hiệu chuyển dạ. Đến 2h sáng 7/7, tình trạng sức khỏe của sản phụ chuyển biến xấu, yếu dần do bị tắc mạch ối nên tiến hành mổ đưa thai nhi ra. Mặc dù các y bác sĩ  tại đây đã dốc lực cấp cứu nhưng mẹ con chị T. đã không qua khỏi.

Tư vấn, phòng ngừa tai biến sản khoa tại BV Trung ương Huế

Mới đây, chị NTT. (23 tuổi, Lộc Trì, Phú Lộc) mang thai đầu lòng được người thân vào BV Phú Lôc sinh con. Do chị T. có tiền sử cao huyết áp, nên khi chờ sinh được các y, bác sĩ điều trị bệnh lý cao huyết áp. Lúc trở dạ sinh thì cháu bé bị ngạt, sản phụ bất ngờ bị băng huyết nặng. Dù đã chuyển lên cấp cứu tại tuyến trên nhưng do tai biến diễn ra nhanh, mẹ con chị T. đã tử vong.

TS.BS Châu Khắc Tú, Trưởng phòng Phụ khoa, Khoa sản, BV Trung ương Huế, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản khoa chia sẻ, tai biến sản khoa là hiện tượng không thể lường trước được. Một sản phụ con so, chuyển dạ như sinh lý bình thường, không có yếu tố nguy cơ nào vẫn có thể xảy ra băng huyết sau sinh. Hiện, có năm tai biến thường gặp trong sản khoa là chảy máu (băng huyết), nhiễm trùng, sản giật, vỡ tử cung và uốn ván sơ sinh. Đứng hàng đầu là băng huyết. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong mẹ.

Trong điều kiện y tế hiện nay, tai biến sản khoa có thể phòng ngừa và phát hiện sớm nếu làm tốt công tác quản lý thai nghén tại tuyến y tế cơ sở theo đúng “Hướng dẫn chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS)”. Ví dụ, tai biến vỡ tử cung, có thể phòng ngừa nếu thai phụ được khám định kỳ để phát hiện trường hợp thai nghén có nguy cơ, như có sẹo mổ cũ ở tử cung, bụng chửa quá to, thai phụ đẻ nhiều lần phải chọn nơi đẻ an toàn, có bác sĩ phẫu thuật.

Với tai biến sản giật, nếu được khám thai phát hiện tình trạng tăng huyết áp, phù nề, nước tiểu có protein ngay từ ban đầu, thai phụ sẽ được theo dõi, điều trị và có thể ngăn chặn được cơn sản giật xảy ra... "Tất cả các trường hợp trên đều có thể hạn chế được khi sản phụ biết phối hợp với các y, bác sĩ ngay những ngày đầu mang thai'. TS.BS Châu Khắc Tú nói.

Tại Khoa sản, BV huyện Phú Vang, mỗi tháng tiếp nhận từ 100 -120 trường hợp đến sinh. Để phòng ngừa, hạn chế xảy ra tai biến, khoa không ngừng nâng cao chất lượng CSSKSS: làm tốt công tác quản lý thai nghén; tăng cường chăm sóc sản phụ khi sinh, theo dõi, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau sinh; trang bị đủ vật tư y tế đảm bảo phục vụ hồi sức, cấp cứu.

Hàng tháng tại đây cũng tiến hành khám thai sản từ 80-100 trường hợp. Qua tiếp cận với sản phụ, các y, bác sĩ ở đây tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn sản phụ “làm mẹ an toàn”, giúp họ biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân và thai nhi ngay từ đầu thai kỳ để phòng ngừa, phát hiện sớm tai biến có thể xảy ra...

Bác sĩ Nguyễn Văn Tín, Trưởng khoa sản, BV Phú Vang cho biết, bên cạnh nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, sự chủ động của các sản phụ trong CSSKSS góp phần quan trọng phòng ngừa tai biến sản khoa. Các sản phụ cần thấy được tầm quan trọng của khám thai định kỳ và tuân thủ hướng dẫn của các y, bác sĩ sản khoa.

Khám thai khác siêu âm

Tư vấn, chăm sóc thai nhi cho cho sản phụ  tại khoa Chăm sóc SKSS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Đa số các thai phụ đều tin tuyệt đối vào siêu âm. Có nhiều trường hợp chỉ đi siêu âm xem trai gái một lần cho biết; hoặc nghĩ siêu âm là biết tất cả mà không cần đi khám thai. Chị CTL. (Thủy Châu, Hương Thủy), sau khi  sinh con so tại BV Trung ương Huế cho biết, trong quá trình mang thai bé, bình quân 2 tháng chị đi siêu âm thai một lần, còn việc khám thai thì chưa hề. TS. BS Châu Khắc Tú cho biết, hiện nay có nhiều sản phụ có cùng quan điểm như chị L. Đây là một suy nghĩ sai lầm.

TS.BS  Tú khuyến cáo, trong thời gian thai kỳ, mỗi sản phụ cần khám thai tối thiểu 3 lần. Siêu âm để biết mức độ phát triển của em bé và hoàn toàn khác với khám thai định kỳ. Theo quy định của ngành y tế, khám thai phải trải qua 9 bước, như hỏi tiền sử bệnh tật của sản phụ (có mắc các bệnh huyết áp, tim, gan, thận…), cân, đo vòng bụng sản phụ… Với những công đoạn đó, bác sĩ sản khoa có thể tiên lượng được những yếu tố nguy cơ trong quá trình mang thai và sinh nở.

Theo các chuyên gia sản khoa, hiện có trường hợp tai biến sản khoa là tắc mạch ối. Đây là một tai biến rất hiếm gặp (với 20 - 30 nghìn trường hợp sinh có thẻ xuất hiện 1 trường hợp). Hiện nay, dù tai biến tắc mạch ối chưa được Bộ Y tế nhận diện trong các trường hợp tai biến sản khoa nhưng khi xảy ra thì tỷ lệ gây tử vong cho mẹ lên 80%.

Tuy nhiên, trong trường hợp tai biến sản khoa trên, kể cả tắc mạch ối có thể phòng ngừa hoặc khắc phục được bằng cách quản lý thai sản tốt, tiên lượng các nguy cơ tử vong mẹ, nhất là phụ nữ vốn có bệnh nặng về tim, gan, thận từ trước nhất thiết phải được quản lý chặt chẽ trong suốt thai kỳ dưới sự giám sát của bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tín nhận định, tai biến sản khoa là ngoài ý muốn của các y, bác sĩ. Vì thế, các sản phụ nên nhận thức đầy đủ, tích cực phối hợp với y bác sĩ để chăm sóc, quản lý tốt thai phụ trong quá trình thai kỳ đến lúc chuyển dạ, sinh nở nhằm hạn chế mức thấp nhất các tai biến sản khoa xảy ra.

Thừa Thiên Huế hiện chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng thực trạng tai biến sản khoa để lại hậu quả buồn ở nhiều bệnh viện huyện, tỉnh. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gần đây mỗi năm thế giới có 80 triệu ca sinh thì 10 triệu trường hợp có tai biến và gần 1/3 trong số này tử vong mẹ.

Ở Việt Nam, dù Bộ Y tế khẳng định con số tử vong mẹ hiện nay giảm 3 lần so với 10 năm trước nhưng hiện vẫn còn cao. Các chuyên gia y tế cảnh báo, trung bình mỗi ngày tại Việt Nam có 4 nghìn trường hợp sinh thì 2 trường hợp tử vong mẹ, nguy hiểm hơn tai nạn giao thông gấp 1 nghìn lần.

Bài, ảnh: Minh Trường

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

WB cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2023
WB cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2023

Theo Tạp chí Bloomberg ngày 7/1, Ngân hàng Thế giới (WB) lo ngại “những cú sốc bất lợi hơn nữa” có thể sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái trong năm nay; trong đó, các quốc gia nhỏ sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương.

UNCTAD Thương mại toàn cầu giảm tốc trong nửa cuối năm 2022, có nguy cơ kéo sang năm 2023
UNCTAD: Thương mại toàn cầu giảm tốc trong nửa cuối năm 2022, có nguy cơ kéo sang năm 2023

Theo một báo cáo mới vừa được công bố ngày 14/12 của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), tổng giá trị thương mại toàn cầu dự kiến sẽ đạt gần 32.000 tỷ USD trong năm nay, nhưng lạm phát cao đã làm đảo ngược một số thành tựu đạt được trong những tháng gần đây. Theo đó, các nhà phân tích cho rằng, tăng trưởng toàn cầu đã chuyển sang đà “tiêu cực” trong nửa cuối năm 2022.

Lần đầu tiên sau 8 năm, Australia hạ mức độ đe dọa từ khủng bố
Lần đầu tiên sau 8 năm, Australia hạ mức độ đe dọa từ khủng bố

Hôm nay (28/11), Australia đã lần đầu tiên sau 8 năm hạ mức độ đe dọa khủng bố từ “có thể xảy ra” xuống mức “có thể” (tương đương từ mức cao xuống mức trung bình), với lý do nguy cơ bị những kẻ cực đoan tấn công đã giảm xuống, tin từ Reuters cho biết.

Những ngôi nhà bên núi
Những ngôi nhà bên núi

Nhiều cụm dân cư ở vùng A Lưới, Nam Đông với đặc thù sống ven triền núi, sông suối vẫn thấp thỏm trong mùa mưa lũ vì nỗi lo lũ quét, lũ ống, trượt lở đất. Giấc mơ tái định cư (TĐC) luôn “chập chờn” trong mỗi cuộc di dân đến nơi an toàn mỗi mùa thiên tai, gió chướng…