Thứ Sáu, 13/01/2017 06:39

Chưa lan tỏa mạnh “Ngày Chủ nhật xanh” tại các trường đại học

Huế có hàng chục ngàn sinh viên (SV) đang sinh sống và học tập, song việc phát huy tính chủ động và sáng tạo của lực lượng này với phong trào “Ngày chủ nhật xanh” chưa xứng tầm.

Hàng trăm sinh viên, chiến sĩ ra quân dọn vệ sinh môi trường hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh

Đoàn viên, sinh viên ĐH Huế thu gom rác ở công viên dọc bờ sông Hương hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh”

Nhỏ, lẻ 

Khoảng một năm nay, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP. Cần Thơ) triển khai chương trình “Bước vào cổng, nói không với rác thải nhựa”, khuyến khích học sinh và giáo viên sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường và đến nay rất ít học sinh cầm ly nhựa hay mang hộp xốp vào trường. Đây là kinh nghiệm cần được học hỏi. 

Huế hiện có khoảng 15 cơ sở đào tạo với hàng chục ngàn SV. Từ khi tỉnh có đề án Ngày Chủ nhật xanh, lực lượng đoàn viên, SV cũng tham gia các hoạt động thu lượm rác, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, nếu thẳng thắn nhìn nhận, các hoạt động được triển khai chưa thực sự xứng tầm với lực lượng mạnh (đông), có sức trẻ và nhiệt huyết.

TS. Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội SV ĐH Huế chia sẻ, ngoài hoạt động vệ sinh môi trường thì một số trường cũng đang triển khai vận động không sử dụng bình nước nhựa hay trồng cây xanh song cũng mới dừng lại một số hoạt động mang tính hưởng ứng, chưa có nhiều chương trình lớn, tính lan tỏa chưa sâu rộng.

Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên ĐH Huế ra quân hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh”

Ngay cả các hoạt động vệ sinh môi trường, tính chủ động của SV trong công tác này còn hạn chế. Trương Tiến Dũ, Đội trưởng Đội Công tác xã hội Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế thừa nhận: “Các hoạt động hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh” chủ yếu làm theo sự điều động của đoàn, hội. Riêng đội vẫn chưa có những hoạt động khác”.

Đại diện Hội SV ĐH Huế cho rằng, quy mô nhỏ thì tính hiệu quả bị giới hạn. Tuy nhiên, muốn xây dựng chương trình lớn lại gặp khó khăn về kinh phí. Ngoài ra, để thực hiện các chương trình hiệu quả, cần những định hướng, chương trình cụ thể từ các ngành chức năng, đơn vị chuyên môn … song đến nay, điều này vẫn còn thiếu.

Có thể làm tốt ngay trong trường học

Tại buổi nói chuyện chủ đề “Thảm họa rác nhựa và hành động của chúng ta” (ngày 4/5) ở Trường ĐH Phú Xuân, nhà báo Lê Thanh Phong (Báo Lao động) cho rằng, ngoài các hoạt động thu lượm rác, rất cần các sáng kiến cộng đồng. Đối với đối tượng SV, việc triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường có thể làm tốt, nhất là ngay trong trường học.

Đoàn viên, SV là lực lượng tiên phong trong các hoạt động, phong trào. Tuy nhiên, để phát huy tính chủ động và sáng tạo từ họ, rất cần hỗ trợ, định hướng từ nhà trường và các đơn vị chức năng. Vấn đề trên không khó bởi ở Huế có những đơn vị đào tạo về chuyên môn như Khoa Môi trường (Trường ĐH Khoa học) có thể đưa ra định hướng cách làm cho SV. Với các cơ sở giáo dục, có thể phát huy tính sáng tạo cho SV thông qua các hoạt động, cuộc thi, tìm ra những ý tưởng mô hình hay để triển khai.

Lợi thế hiện nay là các trường ĐH có nhiều câu lạc bộ, đội nhóm, nhiều tổ chức trong SV hướng đến các hoạt động xã hội. Các đơn vị này có thể tập trung nhiều hơn cho những hoạt động liên quan đến việc bảo vệ môi trường, đơn cử như thu gom rác thải nhựa trong trường học để bán lấy kinh phí làm các chương trình thiện nguyện.

Không chỉ những việc làm to tát mà lực lượng SV đông rất có lợi thế trong việc lan tỏa phong trào. Đơn cử, nếu tạo ra ý thức chấp hành tốt vấn đề bảo vệ môi trường cho hơn hàng chục ngàn SV Huế, đồng thời “đặt” họ vào vai trò là những “đại sứ “tuyên truyền cho gia đình, người thân, bạn bè cùng giữ gìn, bảo vệ môi trường, nói không với túi ni lông và các đồ dùng bằng nhựa thì hiệu quả truyền thông lớn.

Ngoài cách làm riêng của mỗi trường, các cơ sở giáo dục tại Huế có thể kết nối phát triển các chương trình chung. Thời gian qua, Đoàn trường ĐH Nghệ thuật triển khai hoạt động vẽ tranh tại các trường mầm non, tiểu học để tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh. Những hoạt động như thế có thể kêu gọi sự chung tay, mỗi đơn vị một nhiệm vụ để không chỉ vẽ tranh mà đằng sau hoạt động đó là lan tỏa những thông điệp cần thiết. 

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm sáng nông thôn
Điểm sáng nông thôn

Từ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã thật sự tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức hội viên nông dân (HVND) xã Quảng Thọ (Quảng Điền) trong bảo vệ môi trường, xây dựng đường làng, ngõ xóm “sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Phụng sự xã hội, lan tỏa yêu thương
Phụng sự xã hội, lan tỏa yêu thương

Hội Phản ứng nhanh (PUN) 75 Huế đã có những tháng ngày xông pha chống dịch đầy hiểm nguy, song rất đáng tự hào. Bước sang tuổi thứ hai, những con người luôn mang tinh thần xung kích tình nguyện ấy vẫn sẵn sàng “đáp lời” khi cộng đồng cần…

Sinh viên TP Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng
Sinh viên TP. Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng

Hàng chục sinh viên đang theo học ngành thiết kế thời trang từ TP. Hồ Chí Minh đã có những ngày trải nghiệm thú vị khi được cùng ăn, cùng ở, cùng khám phá nghề dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi (A Lưới).

Người đàn ông Tà Ôi lan tỏa văn hóa các dân tộc
Người đàn ông Tà Ôi lan tỏa văn hóa các dân tộc

Không chỉ am hiểu những món ăn truyền thống của người đồng bào mình, ông Hồ Nhật Tân (SN 1958, người đồng bào Tà Ôi, ngụ xã A Ngo, huyện A Lưới) còn có khả năng học ngôn ngữ của dân tộc khác rất nhanh...