Thứ Bảy, 08/10/2016 06:00

Chuyển đổi công dụng lò đốt rác mini

Từ khi đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được triển khai toàn diện ở các địa phương, mô hình lò đốt rác mini tại hộ gia đình không còn phát huy tác dụng.

Nâng cấp công nghệ và hạ tầng lò đốt rác Điền HảiGiảm lượng rác chôn lấpXử lý dứt điểm rác tồn đọng tại nhà máy xử lý rác Thủy Phương

Lò đốt rác mini tại hộ gia đình nay đã "lỗi thời", một số đã bị đập bỏ

Không còn hữu dụng

Khoảng năm 2012 trở về trước, để xử lý rác ở khu vực nông thôn, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh- Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã hỗ trợ cho 4 huyện: Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền và TX. Hương Thủy, bình quân mỗi huyện 15 triệu đồng để thực hiện thí điểm mô hình xây dựng lò đốt rác mini tại hộ gia đình.

Thời điểm đó, mô hình này được cho là giải pháp tạm thời để giải quyết vấn nạn rác thải sinh hoạt tồn đọng ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng thấp trũng, không được thu gom vận chuyển xử lý do điều kiện các địa phương còn khó khăn, mạng lưới dịch vụ yếu, chưa vươn xa về các vùng nông thôn. Khi chưa có lò đốt rác mini, rác được người dân tiện đâu vứt, đốt đó, có nơi đem rác xả xuống đầm phá, ao hồ ...

Ông Lại Phước Khương, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Vang cho hay: Năm 2012, việc hỗ trợ xây lò đốt rác mini tại hộ gia đình là giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho địa phương trong việc xử lý rác thải cho những hộ dân ở khu vực "nhạy cảm", gần khu vực sông nước, đầm phá. Lúc đó, có 22 hộ dân và trường mầm non của xã Vinh Phú được hỗ trợ xây dựng mỗi lò đốt gần 1 triệu đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo vệ sinh môi trường về lâu dài, đầu năm 2016, huyện đã triển khai đề án thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Đến nay, các xã, thị trấn đều thành lập các tổ thu gom và được một doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện thu gom, vận chuyển rác đến bãi xử lý rác tập trung.

Mặc dù có những ưu điểm, trong một thời gian ngắn đã cơ bản hạn chế được tình trạng ứ đọng rác ở các địa phương, song qua điều tra thực tế, lò đốt rác mini dần "lỗi thời", không còn phát huy tác dụng.

Hình thành thói quen phân loại rác

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết, đơn vị vẫn chưa đánh giá hiệu quả cũng như tính phù hợp của mô hình lò đốt rác mini đối với từng địa phương trong thời điểm hiện tại. Đến nay, mô hình còn dừng lại ở phạm vi thử nghiệm chứ chưa được nhân rộng. Tuy nhiên, qua khảo sát việc thực hiện trong thời gian qua, phần lớn người dân chưa tuân thủ theo hướng dẫn của đơn vị chức năng.

Nhiều người đốt "hổ lốn" nhiều loại rác, kể cả rác nhựa, ni lông... gây phát sinh những bất cập, nguy hại đến môi trường. Nếu thực hiện đúng theo quy trình, trước khi đốt, người dân phải phân loại rác, để rác khô và chỉ nên đốt những loại rác như lá cây, rác không phát sinh ra các chất độc hại gây ô nhiễm thứ cấp.

Ma Nê là thôn thấp trũng, nằm biệt lập với trung tâm xã Phong Chương (Phong Điền). Năm 2012, thông qua mô hình của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh, có hơn 10 hộ trong thôn được hỗ trợ xây dựng lò đốt rác mini.

Theo chị Nguyễn Thị Quỳnh Châu, chuyên viên Phòng TN&MT huyện Phong Điền, hiện phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến khu vực này vẫn còn khó khăn, tần suất thu gom, vận chuyển chưa được thường xuyên, nên địa phương phải vận động người dân phân loại, tự xử lý những loại rác hữu cơ, dễ phân hủy... để giảm lượng rác cần vận chuyển xử lý. Vì thế, những lò đốt rác mini mặc dù hiện không còn phát huy tác dụng chính, song vẫn được một số hộ dùng để chứa rác sau khi phân loại và chôn, đốt hợp lý.

Ông Nguyễn Việt Hùng thừa nhận, việc lò đốt rác mini tại hộ gia đình không còn phát huy tác dụng là lẽ tất yếu của sự phát triển và là điều đáng mừng, cho thấy hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đã được "phủ sóng", triển khai có hiệu quả ở các địa phương. Mô hình này cũng giúp hình thành ý thức, thói quen phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn cho người dân.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, không nên nhân rộng mô hình lò đốt rác mini bởi khi người dân không tuân thủ hướng dẫn, việc đốt rác thải bằng lò đốt này gây ô nhiễm môi trường.

                                                                        

Bài, ảnh: Hoài Thương

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động cuộc thi sáng kiến giảm rác thải nhựa
Phát động cuộc thi sáng kiến giảm rác thải nhựa

Sáng 23/2, Dự án (DA) Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (được tài trợ bởi Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam thông qua WWF-Nauy) và Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh chính thức phát động cuộc thi “Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa- Huế 2023” (Cuộc thi) với mong muốn tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo nhằm giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) tại TP. Huế.

Thu gom hơn 300kg rác thải từ hoạt động thuỷ sản
Thu gom hơn 300kg rác thải từ hoạt động thuỷ sản

Đó là kết quả của mô hình xã hội hoá tổ công tác thu gom rác thải từ hoạt động thuỷ sản thực hiện từ tháng 10/2022 tại Chi hội Nghề cá xã Hương Phong (TP. Huế), được Hội Nghề cá tỉnh thông tin ngày 22/2.

Chuyển đổi hệ thống lương thực là yếu tố quan trọng hướng tới phát triển bền vững
Chuyển đổi hệ thống lương thực là yếu tố quan trọng hướng tới phát triển bền vững

Các quốc gia sẽ xem xét tiến trình hướng đến việc chuyển đổi các hệ thống lương thực trên toàn thế giới tại một hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ được tổ chức ở thủ đô Rome (Italy) vào tháng 7 này. Đây là thông tin vừa được Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Amina Mohammed và Phó Thủ tướng Italy Antonio Tajani công bố.