Thứ Bảy, 03/10/2015 06:00

Chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân

Đây là ý tưởng thử nghiệm của kiến trúc sư (KTS) Kawahara Susumu, Giáo sư Khoa Du lịch, Đại học Tokyo Metropolitan (Nhật Bản), với mong muốn du khách đến Huế có nhiều cơ hội hơn để trải nghiệm về các làng quê, di tích lịch sử và cuộc sống của người dân.

Chương trình “Về miền Hương Ngự”Lăng chúa khó tìm (kỳ 2)

Thăm không gian cảnh quan lăng vua Gia Long. Ảnh tư liệu của nhóm nghiên cứu

Bảo vệ môi trường bền vững

Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng (Đại học Waseda, Nhật Bản) về cảnh quan văn hóa và môi trường sinh thái lịch sử tại lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn, gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương, KTS. Kawahara Susumu đã nghiên cứu và đề xuất ý tưởng này. Theo ông, lăng mộ hoàng gia tại Huế chia sẻ đặc biệt về môi trường với cuộc sống của người dân. Không thể bảo vệ chúng bằng cách đưa vào “phòng bảo quản lạnh”, mà cần phải bảo vệ môi trường và truyền lại cho thế hệ sau bằng mối liên hệ với cuộc sống.

Thực hiện tour du lịch sinh thái thử nghiệm lăng vua Gia Long và khu vực xung quanh, nhóm của KTS. Kawahara Susumu hướng đến các mục tiêu, như: lập các điểm đến và cung cấp thông tin diễn giải để giải thích về những cảnh quan văn hóa, hỗ trợ người dân địa phương kết hợp kinh nghiệm và kiến thức để trong tương lai là những hướng dẫn viên tốt, truyền đạt những thông tin về cảnh quan văn hóa gắn với di tích hoàng gia và cuối cùng là làm cho chuyến đi trở nên thú vị. Tham gia tour này, các thành viên cũng được thăm dò về những vấn đề cảnh quan văn hóa khu vực lăng vua Gia Long, những thực phẩm, sản phẩm đặc trưng của khu vực và những khả năng phát triển bền vững địa phương. Mục đích nhằm tìm kiếm những điểm hấp dẫn đối với từng đối tượng du khách, sự phù hợp trong việc cung cấp thông tin diễn giải ở các điểm dừng chân, cũng như xác định cụ thể lịch trình và phương tiện đi lại.

Du khách tham gia tour du lịch.  Ảnh tư liệu của nhóm nghiên cứu

Theo KTS. Kawahara Susumu, du khách quốc tế đến tham quan khu vực Đông Nam Á có xu hướng thăm các di sản có các vùng thiên nhiên bao phủ. Tuy nhiên, việc đó lại được thực hiện bằng xe buýt lớn từ khách sạn đến khu di sản nên du khách không thể cảm nhận được sự hấp dẫn. Trong khi đó, riêng với Cố đô Huế, ngoài đô thị năng động còn có vùng ngoại ô sinh thái đa dạng và thiên nhiên phong phú. Thông qua tour thử nghiệm lên lăng vua Gia Long, KTS. Kawahara Susumu cho rằng xe ôm là phương tiện phù hợp và hiệu quả để đi vòng quanh những con đường lớn mà vẫn đảm bảo thời gian cho các điểm dừng chân.

“Mỗi công dân là một hướng dẫn”

Đó là khẩu hiệu của thành phố Hanno (Nhật Bản), địa phương được KTS. Kawahara Susumu chia sẻ là khu vực đầu tiên được chứng nhận “Du lịch sinh thái” ở xứ mặt trời mọc. Nhiều năm trở lại đây, Nhật Bản nổi bật là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ hệ thống luật pháp tới ý thức đến hành động của người dân. Du lịch sinh thái được chấp nhận như là một biện pháp nhằm bảo tồn và sử dụng các nguồn lực địa phương, trong khi số lượng du khách vẫn tăng. Ở Hanno, người dân địa phương khám phá những điểm thu hút, giá trị của khu vực, lên kế hoạch và đề xuất tour du lịch. Một hội đồng xúc tiến, gồm chính quyền địa phương, các chuyên gia, các cư dân khác nhau và các nhà khai thác kinh doanh sẽ xem xét kế hoạch và quyết định đó có phải là một tour tốt, mang lại lợi ích bền vững hay không. Khi kế hoạch chấp thuận, tour du lịch ấy được tổ chức bởi chính người đề xuất.

“Cơ chế này tạo ra sự cân bằng giữa đề xuất của người dân trong việc truyền đạt giá trị của địa phương và động lực để tận dụng các tour du lịch nhằm quảng bá nông nghiệp hoặc các sản phẩm của địa phương. Với ý tưởng sử dụng tour du lịch sinh thái ở lăng vua Gia Long và khu vực xung quanh, chúng tôi không hề phủ nhận giá trị của các tour du lịch có hướng dẫn đã thực hiện. Trọng tâm của tour này nhằm muốn giới thiệu cho người dân ở trong và ngoài khu vực biết về những gì nhóm Waseda nghiên cứu, đồng thời mong muốn được khuyến khích người dân tham gia. Hy vọng, chúng ta có thể cùng nhau phát triển loại tour du lịch sinh thái này, như cách để thúc đẩy khái niệm bảo tồn sinh thái lịch sử ở Huế”, KTS. Kawahara Susumu chia sẻ.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đánh giá cao ý tưởng về tour du lịch sinh thái của nhà nghiên cứu, KTS. Kawahara Susumu. Với phạm vi tổ chức tour hoàn toàn nằm ở các vùng đệm bảo vệ di tích, nếu mô hình tour du lịch sinh thái này được thực hiện thì đây là giải pháp tốt để chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân hiện đang sống trong các vùng đệm bảo vệ di tích hoàng gia ở vùng thượng nguồn sông Hương.

ĐỒNG VĂN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thân thiện như xích lô Huế
Thân thiện như xích lô Huế

Mới đây, cùng với 9 tỉnh và thành phố ở Việt Nam,Huế được vinh danh là thành phố thân thiện nhất trong giải thưởng thường niên mang tên Traveller Review Awards 2023.

Điểm đến mới, dịch vụ mới
Điểm đến mới, dịch vụ mới

Với những tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa, Hương Trà đang tích cực tìm hướng đi mới để phát triển du lịch, dịch vụ.

Điểm đến phải hấp dẫn
Điểm đến phải hấp dẫn

Không còn lâu nữa, nhà ga T2, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài sẽ đưa vào khai thác. Đây là thời điểm cần chủ động các giải pháp để kết nối, đưa khách đến trong thời gian đến.