Thứ Bảy, 14/12/2019 06:45

Chuyên nghiệp hóa truyền thông trường đại học

Nắm bắt xu hướng truyền thông hiện đại gắn với chuyển đổi số, các trường đại học (ĐH) dần đầu tư phương tiện, máy móc, đội ngũ nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh.

Đổi mới đào tạo báo chí và truyền thôngNhiều trường xét tuyển theo phương thức riêng

Chương trình được thực hiện tại studio Trường đại học Sư phạm

Bắt nhịp xu hướng truyền thông hiện đại

Trong studio rộng 160m2 với 3 máy quay chuyên dụng, đội ngũ kỹ thuật và cán bộ truyền thông Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế tự tin trong việc tổ chức các chương trình như những bản tin online. Dẫu chương trình được phát trực tiếp bằng cách livestream qua facebook, nhưng từ MC, các khâu kỹ thuật, xử lý hình ảnh đều khá tốt, theo sát kịch bản. Chị Bùi Thị Mai Lan, cán bộ truyền thông Trường ĐH Sư phạm, cũng là cựu sinh viên ngành Báo chí, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội chia sẻ: “Từ năm 2020, studio đi vào hoạt động và nhà trường cũng xây dựng nhiều chương trình để đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn và truyền thông”.

Không chỉ riêng Trường ĐH Sư phạm, hiện nay, khá nhiều trường ĐH ở Huế đã đầu tư hơn cho công tác truyền thông theo hướng gắn với chuyển đổi số, bắt nhịp với xu hướng truyền thông hiện đại, trong đó có Trường Du lịch, Trường ĐH Khoa học cùng một số đơn vị khác. Tại Trường Du lịch - ĐH Huế, sau khi Trung tâm Công nghệ truyền thông MTC đi vào hoạt động, ngoài phục vụ hoạt động đào tạo thực hành cho người học, trung tâm cũng làm các sản phẩm truyền thông đa phương tiện, các bản tin phục vụ truyền thông cho đơn vị và quảng bá tuyển sinh. Anh Quản Bá Chính, cán bộ trung tâm chia sẻ: “Đội ngũ trung tâm có cả các giảng viên và sinh viên. Ê kíp thực hiện các thao tác, quay, dựng, chỉnh sửa các sản phẩm media… Chúng tôi cũng tham khảo các dự án trước đó, đặc biệt là các sản phẩm báo chí, truyền thông hiện nay”.

Điểm khác so với giai đoạn trước là ngoài các ấn phẩm bản tin, tạp chí truyền thống, các trường ĐH chú trọng hơn yếu tố công nghệ, chuyển tải thông tin phù hợp qua các kênh từ mạng xã hội. Trong đó, chú trọng khâu thiết kế, hình ảnh, clip. Theo chị Mai Lan, các sự kiện tại trường đều bố trí đội ngũ chụp ảnh, quay phim, livestream để cán bộ, sinh viên, học viên, phụ huynh và mọi người quan tâm từ khắp nơi có thể tiếp cận được thông tin. Trong những trường hợp đặc biệt, ê kíp truyền thông vẫn linh hoạt các kịch bản thích ứng. “Năm 2021, bối cảnh dịch khiến lễ tốt nghiệp không thể tổ chức trực tiếp. Lãnh đạo nhà trường đặt ra yêu cầu về cách tổ chức lần đầu tiên áp dụng, hình thức trực tuyến. Ban đầu, chúng tôi cũng có chút lo lắng liên quan đến cách tổ chức, truyền thông, cách xây dựng chương trình trao bằng khi không có sinh viên. Tuy nhiên, ban tổ chức và truyền thông nhà trường cũng nghĩ ra giải pháp và thực hiện thành công lễ tốt nghiệp, trao bằng ĐH hệ chính quy năm 2021, hình thức online mà dường như Trường ĐH Sư phạm cũng là trường tiên phong áp dụng”, chị Lan kể.

Từng bước chuyên nghiệp hóa đội ngũ

Cùng với hệ thống trang thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất, các trường cũng dần đầu tư, từng bước chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm truyền thông. Theo chị Trần Thị Như Nguyệt, Trưởng ban Truyền thông - marketing, Trường ĐH Phú Xuân (người từng có nhiều năm làm trong môi trường truyền hình, tổ chức sự kiện và biên tập viên - MC), nhà trường tổ chức ban truyền thông để đảm nhận công tác này chuyên nghiệp hơn. Đội ngũ làm truyền thông kết nối, tiếp cận cách thức truyền thông như báo chí - truyền thông hiện đại để triển khai nhiệm vụ truyền thông từ các khâu chụp ảnh, viết tin, bài cho các sự kiện, làm các thông cáo báo chí cũng như xây dựng các chương trình để lan tỏa thông tin, quảng bá hoạt động của nhà trường, tư vấn tuyển sinh.

Một trong những giải pháp từ các trường là phát triển đội ngũ làm truyền thông từ chính những người học báo chí - truyền thông và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Những đơn vị đã có sẵn nguồn nhân lực truyền thông (có người học trái ngành) cũng tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các chương trình tập huấn truyền thông chuyên nghiệp để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ.

PGS. TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật chia sẻ, vai trò của truyền thông đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển, khẳng định vị thế. Nhà trường cũng đang phát triển tạp chí về học thuật và cũng chú trọng công tác truyền thông. Ngoài kết nối với các cơ quan thông tấn, báo chí, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với đội ngũ những người làm báo chí - truyền thông, đơn vị tìm nhiều giải pháp xây dựng và chuyên nghiệp hóa đội ngũ, công tác truyền thông nhằm lan tỏa những thông tin tích cực đến mọi người.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Truyền thông các chính sách bảo hiểm xã hội
Truyền thông các chính sách bảo hiểm xã hội

Nhân kỷ niệm 28 năm Ngày thành lập ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam (16/02/1995- 16/02/2023), ngày 16/2, BHXH tỉnh tổ chức nhiều hoạt động truyền thông thiết thực góp phần tạo động lực, tiền đề thúc đẩy các hoạt động truyền thông chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn.

Truyền thông bảo vệ động vật rừng trong dịp tết
Truyền thông bảo vệ động vật rừng trong dịp tết

Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Sao La phối hợp UBND các xã A Roàng, Thượng Quảng, Đồn Biên phòng Hương Nguyên tổ chức chiến dịch truyền thông với chủ đề “Nói không với săn bắt động vật hoang dã” trong dịp tết.