Thứ Ba, 25/04/2017 05:45

Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Báo Thừa Thiên Huế nhận được đơn cầu cứu của ông Hồ Nam Hà và vợ chồng ông Phạm Anh, bà Bùi Như Ý (trú phường Phú Bài, TX. Hương Thủy) cùng ký tên, cho rằng Công ty TNHH MTV Vạn Thành Phát – Phú Bài Huế (gọi tắt là Công ty VTP) đã không thực hiện theo đúng hợp đồng giao khoán chợ như đã ký kết, nhằm chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.

Thủ thuật của siêu lừa hàng chục tỷ đồngDùng “mác” cán bộ quản lý thị trường để lừa đảo

Chợ Phú Bài - nơi xảy ra việc tranh chấp quyền khai thác

Theo đơn cầu cứu, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và xây dựng Thiên Hà BRC (Công ty Thiên Hà) do ông Hồ Nam Hà làm giám đốc góp vốn với vợ chồng Phạm Anh và Bùi Như Ý, đã cùng ông Nguyễn Văn Tuấn với chức danh là giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty VTP (chủ sở hữu là bà Cao Thị Mộng Đẹp) đàm phán thỏa thuận ký kết hợp đồng số 1/2018 vào ngày 1/12/2018 nhằm giao khoán quản lý, khai thác điểm kinh doanh thuộc dự án chợ Phú Bài với thời hạn 10 năm. Hai bên thống nhất thỏa thuận, phía Công ty Thiên Hà cùng vợ chồng Phạm Anh và Bùi Như Ý nộp đủ số tiền 3,6 tỷ đồng, theo các phiếu thu cùng ngày 1/12/2018 do ông Tuấn và kế toán công ty này ký nhận. Để làm tin, ông Tuấn còn ký hợp đồng thế chấp tài sản là thửa đất số 274 thuộc tờ bản đồ số 12 với diện tích là 1.000 m2 có thời hạn sử dụng 42 năm.

Trước khi hợp đồng giao khoán quản lý, khai thác điểm kinh doanh thuộc dự án chợ Phú Bài giữa Công ty VTP và Công ty Thiên Hà được ký kết, phía Công ty VTP đã ký một hợp đồng cùng nội dung với Công ty Nghĩa Bình. “Khi chúng tôi ký hợp đồng với Công ty VTP, ông Tuấn và bà Đẹp là vợ chồng. Ông Tuấn cam kết rằng, thời hạn hợp đồng với Công ty Nghĩa Bình sắp hết nên hai bên sẽ đàm phán chấm dứt hợp đồng và sẽ bàn giao lại cho chúng tôi thực hiện hợp đồng số 1/2018. Tuy nhiên từ đó đến nay ông Tuấn và bà Đẹp trốn tránh trách nhiệm, không thực hiện hợp đồng”, bà Ý nói.

Cũng theo đơn thư gửi đến Báo Thừa Thiên Huế, ngoài số tiền chiếm đoạt trên, Công ty VTP còn bán và cấp thẻ lô cho ông Phạm Anh và bà Bùi Như Ý các lô 14-15-23; lô 0D6, 0D7, 0D8 với giá 1,8 tỷ đồng nhưng sau đó, Công ty VTP tiếp tục bán và cấp nhận giấy chứng nhận cho nhiều người khác dẫn đến việc tranh chấp, chồng chéo.

Khi chúng tôi trao đổi với bà Cao Thị Mộng Đẹp, chủ sở hữu Công ty VTP về những nội dung trên, bà Đẹp phủ nhận tính pháp lý của hợp đồng mà Công ty Thiên Hà và vợ chồng Phạm Anh và Bùi Như Ý ký với ông Nguyễn Văn Tuấn. Đồng thời cho rằng, hợp đồng mà hai bên ký kết chưa có một đề án, phương án phê duyệt nào do Công ty VTP, cụ thể là bà Đẹp thông qua. Hợp đồng đó là do ông Tuấn lợi dụng chức vụ, quyền hạn thỏa thuận với phía đối tác, nguồn tiền cũng không về Công ty VTP. “Công ty VTP là do tôi thành lập và hợp đồng lao động ông Tuấn với chức danh giám đốc, đại diện công ty ký kết các hợp đồng, song phải chịu sự giám sát của chủ sở hữu, các hợp đồng phải thông qua tôi. Không chỉ hợp đồng với phía Công ty Thiên Hà mà những hợp đồng mua bán lô quầy dẫn đến chồng chéo thì ông Tuấn cũng tự ý ký và không thông qua chủ sở hữu”, bà Đẹp nói.

Bà Đẹp thừa nhận, thời điểm ông Tuấn tự ý ký hợp đồng với Công ty Thiên Hà thì bà và ông Tuấn đang là vợ chồng (hiện nay đã ly hôn). Ngoài ra, phía Công ty VTP cũng đang thực hiện hợp đồng nội dung tương tự với Công ty Nghĩa Bình thời điểm đó.

Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với ông Nguyễn Văn Tuấn nhằm rộng đường dư luận để thông tin đa chiều, nhưng không liên lạc được.

Theo Luật gia Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia tỉnh, khi thành lập Công ty TNHH MTV, chủ sở hữu có thể thuê giám đốc và ủy quyền cho giám đốc đại diện công ty thực hiện các hợp đồng giao dịch. Tuy nhiên, căn bản trong hợp đồng thuê giám đốc hay điều lệ công ty sẽ quy định quyền hạn của người được thuê được ủy quyền đến mức độ nào. “Đối chiếu với vụ việc này thì cần xác định ông Tuấn có quyền đến đâu khi thực hiện hợp đồng giao khoán chợ với phía đối tác. Nếu phạm vi ủy quyền ông Tuấn có quyền định đoạt, mua bán hợp đồng thì phía Công ty VTP phải có trách nhiệm thực hiện. Nhưng điều lệ Công ty VTP quy định phải thông qua chủ sở hữu khi ký kết hợp đồng thì hợp đồng không có giá trị, ông Tuấn rơi vào đối tượng lừa đảo”, luật gia Hoàng Ngọc Thanh khẳng định.

“Bên được giao khoán chợ ngoài chứng minh được tính pháp lý của hợp đồng phải chứng minh rõ số tiền thực hiện hợp đồng đang ở chỗ nào, người nào nhận, tất cả đều phải có bằng chứng. Trường hợp này có dấu hiệu của tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, do vậy cần phải có sự vào cuộc của cơ quan công an để xác minh. Xét trong mối quan hệ thời điểm ký kết hợp đồng, bà Đẹp là vợ ông Tuấn, đồng thời là chủ sở hữu Công ty VTP nên cũng không loại trừ là người có trách nhiệm liên quan”, luật gia Hoàng Ngọc Thanh phân tích.

Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cho biết, chính quyền địa phương đã nắm được vụ việc tranh chấp quyền khai thác chợ của các đơn vị liên quan và đang thành lập tổ công tác để xác minh thông tin. Đồng thời, thực hiện các biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, tình hình kinh doanh mua bán của các tiểu thương tại chợ Phú Bài.

Bài, ảnh: Lê Thọ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

75 người dùng di động Việt Nam nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo tài chính online
75% người dùng di động Việt Nam nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo tài chính online

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại (như tương tác qua mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin OTT...) để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.