Thứ Hai, 15/02/2016 09:14

Cô giáo vùng chiến khu xưa

Hoàng Thị Toàn (Trường mầm non Phong Mỹ I, huyện Phong Điền) đến với nghề “gõ đầu trẻ”, bổ sung cho sự thiếu hụt giáo viên mầm non ở vùng khó là một thử thách.

Trong những ngày đầu khó nhọc, một cô gái trẻ “vừa làm cô vừa làm mẹ” quả thật không dễ. Khó, khổ và đồng lương giáo viên mầm non lại tính bằng thóc… Năm đầu tiên đi làm (1995) lại trúng năm Phong Mỹ mất mùa lúa, 15 kg thóc nhưng quy thành khoai, sắn. Ngày ấy, với chiếc xe đạp cũ “lóc cóc”, đường làng đất đỏ bazan, nhiều khi mưa lầy, bùn quá “mắt cá chân” cô vẫn đều đặn đến lớp. Cô giáo Toàn không ngừng nỗ lực vươn lên. Công việc hàng ngày của một cô nuôi trẻ chưa bao giờ thảnh thơi, nhất là cô nuôi trẻ vùng sâu, có năm một lớp chỉ có 9 cháu nhưng đến ba lứa tuổi. Công việc khó đến đâu, cô Toàn cũng luôn hoàn thành tốt và còn tranh thủ thời gian học hỏi, tự bổ sung kiến thức chuyên môn vừa tranh thủ học bổ túc văn hóa để có bằng 12 rồi bằng trung cấp, cao đẳng và đại học.

Cô Toàn tâm sự: “Với tôi, chăm trẻ là hạnh phúc không nói được bằng lời, là công việc yêu thích. Được sống với nghề, dù những đãi ngộ cho giáo viên mầm non lúc đó còn quá ít ỏi là khó khăn nhưng vẫn là niềm vui mà tôi lựa chọn”. Nhắc lại những kỷ niệm khó quên, cô Toàn kể: “Năm 1998 tôi được phân công về thôn Hòa Bắc, đây là vùng dân tộc thiểu số của huyện. Vừa xa nhà, ngày hai lần đi qua sông Ô Lâu nước chảy xiết, đúng nghĩa “băng rừng, lội suối” mới tới được lớp, vừa bất đồng ngôn ngữ với cả cháu lẫn phụ huynh. Vất vả là thế, nhưng lớp chỉ có 15 trẻ, trong đó có cháu không nói được tiếng phổ thông. Để nuôi dạy trẻ tốt, tôi tìm cách học tiếng dân tộc, tiếp cận trẻ và cả phụ huynh bằng chính ngôn ngữ của họ. Ban đầu rất khó, các cháu sợ đến trường… Thật may, khi yêu thương và chăm sóc tận tâm thì các cháu hoà nhập nhanh. Khi nghe các cháu bập bẹ gọi cô, gọi “mẹ Toàn” rồi thành thạo tiếng phổ thông của “mẹ Toàn” là khi lòng mình thật hạnh phúc...”

Năm 2007, Phong Mỹ nhận dự án dạy cho trẻ em khuyết tật. Ai cũng ngại giao tiếp với các em khuyết tật, riêng cô giáo Toàn nghĩ đơn giản, các em sinh ra đã thiệt thòi nhiều quá, không được đến trường, thiếu sự chăm sóc giáo dục. Vậy là, cô xung phong nhận nhiệm vụ. Lúc này, Phong Mỹ huy động được 9 trẻ khuyết tật, nhưng mỗi bé mỗi hoàn cảnh, mỗi bé mang một chứng bệnh và độ tuổi khác nhau. Em thiểu năng, em khiếm thính, em bị trầm cảm... Khá vất vả với các cháu, cuối tuần lại vào Huế tham gia các lớp bồi dưỡng nhưng cô Toàn vẫn không bỏ buổi nào . Bù lại, các em thay đổi khá nhanh, nhìn thấy các em được đi học, vui vẻ và thay đổi tích cực, cô giáo Hoàng Thị Toàn đã cố gắng vượt qua tất cả... 

Hiệu trưởng Trường mầm non Phong Mỹ 1 tự hào: Cô Toàn là một giáo viên nhiệt tình trong chuyên môn, gần gũi với phụ huynh, đồng thời còn là một nhà giáo thích tìm tòi đưa các chuyên đề giáo dục vào giờ dạy để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Dù tuổi đã khá lớn, nhưng cô ham tìm hiểu cái mới, chuyên đề nào cử đi tiếp thu cũng triển khai tốt, hiệu quả cao. Trong từng buổi dạy cô luôn chịu khó ghi nhớ, tìm tòi lý giải tình huống ứng xử trong nuôi dạy trẻ nên luôn đưa ra những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và nhà trường.

Thuộc thế hệ giáo viên mầm non “gạo cội” nhưng cô Toàn không hề ỷ lại và luôn là một tấm gương hiếu học. Hơn 22 năm, tuổi nghề, tuổi đời đều không còn trẻ nhưng với cô Hoàng Thị Toàn thì đó là quãng đường không hề hối  tiếc, như chính sự lựa chọn gắn bó với những đứa trẻ ở vùng chiến khu xưa.

Phước Châu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyện về cô giáo mầm non
Chuyện về cô giáo mầm non

Cái số thế nào, gần hai chục năm nay, nhà tôi được ở đối diện một trường mầm non. Tôi chứng kiến từ ngày trường đặt viên gạch đầu tiên trên miếng đất trống đến lúc trở thành trường đạt chuẩn quốc gia. Và điều thú vị là, có một số cô đã từng dạy con tôi, giờ lại tiếp tục là cô giáo của cháu ngoại tôi.

Cô giáo kết nối yêu thương
Cô giáo kết nối yêu thương

Đồng nghiệp trẻ Lê Thị Thoa bảo rằng, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng (Trường THPT A Lưới) là động lực giúp cô vững bước đi đến vùng đất A Lưới.

Khi thầy cô “lên sóng”
Khi thầy cô “lên sóng”

Dịch COVID-19 xem ra lại là cơ hội cho nhiều thầy cô giáo “lên sóng” truyền hình dạy học với nhiều cảm xúc khó tả.

Cô giáo Pa Cô đam mê với nghề
Cô giáo Pa Cô đam mê với nghề

Cô Hồ Thị Và, sinh năm 1978, người dân tộc Pa Cô (A Lưới) là một trong những tấm gương điển hình được ngành giáo dục tuyên dương năm 2021. Điểm nổi bật của cô giáo mầm non là niềm đam với nghề đã giúp cô vượt qua khó khăn.

Như nắng mai hồng
Như nắng mai hồng...

Rồi bỗng bâng khuâng nhớ sân trường Nguyễn Tri Phương cũ đầy ắp tiếng cười những ngày nắng