Thứ Ba, 16/08/2016 06:45

Cơ hội để du lịch Huế có những phát triển mới

Diễn ra trong hai ngày 15 và 16/2 tại Thừa Thiên Huế, hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung-Tây Nguyên” hứa hẹn sẽ là cơ hội tốt để thúc đẩy phát triển du lịch và quảng bá về công nghệ, hình ảnh Huế với du khách trong và ngoài nước. Trước thềm hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ đã có những chia sẻ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần xung quanh các mục tiêu, kỳ vọng từ hội nghị. Ông nói:

Khám phá tết Huế với những điều khác biệtDu khách “xông đất” Huế trong tiết trời khá đẹpCơ hội quảng bá di sản văn hóa Huế

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ. Ảnh: PHAN THÀNH

Lần đầu tiên Huế tổ chức hội nghị chuyên về phát triển du lịch và vinh dự có sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan của Trung ương, các địa phương. Ngoài các mục tiêu phát triển ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, hội nghị còn là cơ hội tốt để Huế kêu gọi đầu tư ở nhiều lĩnh vực, trong đó, trọng tâm vẫn là ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ - lĩnh vực mà Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế và ưu tiên trong kêu gọi đầu tư. Đây cũng là cơ hội tốt để Huế khẳng định được vị thế về du lịch của mình và quảng bá hình ảnh Huế đến với du khách.

Gần đây, dòng khách dần dịch chuyển sang sử dụng các dịch vụ chất lượng, khách sạn cao sao. Huế có những chiến lược như thế nào để đón đầu xu thế đó, trong đó có việc kêu gọi đầu tư, thưa ông?

Khi đời sống người dân ngày càng phát triển, họ quan tâm nhiều hơn đến các dịch vụ nâng cao chất lượng đời sống và ăn ngon, mặc đẹp, ngủ sang, du lịch đẳng cấp như là yêu cầu tất yếu. Vì thế, ngành du lịch Huế đang dần thay đổi để đáp ứng những nhu cầu đó. Ngoài kiểm tra, quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, sao, chúng tôi sẽ cùng với các hiệp hội du lịch, khách sạn… xử lý nghiêm các trường hợp tự ý hạ giá, phá giá dịch vụ, đồng thời, chú trọng việc liên kết trong điều hành để nâng tầm thương hiệu cho các khách sạn, khu du lịch. Khi thương hiệu được đảm bảo, nâng tầm, việc hạ giá phòng, dịch vụ lưu trú sẽ khó diễn ra. Đó cũng là cách nâng tầm thương hiệu du lịch Huế.

Đối với việc kêu gọi đầu tư, chúng tôi cũng hướng đến những nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, đầu tư những khách sạn đẳng cấp, mang tầm quốc gia, thế giới. Việc cấp phép đầu tư sẽ được cân nhắc kỹ, không vì những cái lợi trước mắt mà hướng đến những lợi ích lâu dài cho cả người dân và doanh nghiệp.

Du lịch đẳng cấp có phải là mục tiêu mà Thừa Thiên Huế đang hướng đến trong chiến lược phát triển du lịch sắp đến, thưa ông?

Chân Mây - Lăng Cô có nhiều lợi thế để kêu gọi đầu tư và phát triển du lịch. Ảnh: HUE PHOTOTOURS​

Đúng thế! Chỉ có du lịch hạng sang, du lịch đẳng cấp mới làm nên thương hiệu của du lịch Huế. Đó cũng là xu thế chung của ngành du lịch. Nếu cứ giữ mãi thương hiệu du lịch bình dân sẽ khó khẳng định được thương hiệu, vị trí du lịch Huế trên bản đồ du lịch thế giới.

Điều đó đồng nghĩa với việc tỉnh sẽ còn nhiều việc phải làm?

Huế có lợi thế về di sản, cảnh quan, thiên nhiên, người dân thân thiện, mến khách. Song, chừng đó thôi chưa thể đảm bảo phát triển du lịch theo hướng bền vững. Chúng ta nói nhiều về các giải pháp phát triển du lịch, song gần như chưa có giải pháp mang tính đột phá, dài hơi. Thế nên, dù có những chuyển biến tích cực, song du lịch Huế vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh đang có. Vì thế, hội nghị lần này được trông đợi sẽ đem đến cho Huế thêm nhiều cơ hội, giải pháp để du lịch Huế có những phát triển mới, vững chắc hơn.

Tỉnh và ngành du lịch sẽ có những kế hoạch như thế nào để triển khai, đưa những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ hội nghị vào thực tế?

Chúng tôi sẽ bám sát, lấy nền tảng từ những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp ý, hiến kế của các chuyên gia, bộ ngành tại hội nghị để làm phương châm, kế hoạch hành động, giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới. Từ những định hướng, chỉ đạo đó, chúng tôi sẽ xây dựng thành các kế hoạch cụ thể để có sự chỉ đạo, điều hành chung trong phát triển du lịch.

Sau hội nghị này, tỉnh sẽ tổ chức diễn đàn du lịch mùa xuân nhằm quy tụ các nhà chuyên gia, ban ngành, doanh nghiệp… hiến kế, góp ý, thảo luận để chúng tôi cụ thể hóa các giải pháp, làm chiến lược phát triển dài hơi cho du lịch.

Nghĩa là tiếp sau hội nghị cấp vùng này, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị cấp địa phương để từ đó chuyển thành hành động thực hiện? Đó có thể xem là một trong những phương châm quản lý, làm việc của ông?

Phương châm quản lý, làm việc của tôi là: “Làm theo kế hoạch, giải quyết theo quy trình, điều hành theo quy chế”. Khi giao việc, tôi chỉ giao cho một người để giao trách nhiệm và quản lý con người tốt hơn. Dù vậy thì tôi luôn đặt mục tiêu là một người giỏi một việc nhưng phải biết và làm được nhiều việc. Vì thế, tôi luôn yêu cầu người đứng đầu cơ quan, ban ngành... khi giao việc cho cán bộ, công chức luôn đặt câu hỏi: “Ai làm, sản phẩm là gì, khi nào xong?” để có cơ sở đánh giá hiệu quả công việc và trách nhiệm của từng người.

Do đó, ở bất kỳ kế hoạch, mục tiêu nào tôi cũng cần cụ thể, rốt ráo. Đó cũng là lý do ngay sau hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên”, tỉnh sẽ tổ chức diễn đàn du lịch mùa xuân để cụ thể hóa những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng những kế hoạch hành động mang tính hiệu quả cao nhất dựa trên cơ sở là những hiến kế, góp ý, giải pháp của các chuyên gia, cơ quan ban ngành… Đây cũng có thể xem là “hội nghị Diên Hồng” đầu tiên của Huế về du lịch.

Ưu tiên đón tàu du lịch. Ảnh: ĐỨC QUANG

Ngoài giải pháp, hạ tầng cũng là vấn đề then chốt trong việc thúc đẩy phát triển du lịch. Tỉnh đã và đang có những kế hoạch như thế nào để đón khách khi sân bay Phú Bài đang chuẩn bị nâng cấp và cảng nước sâu Chân Mây vẫn đang còn lấn cấn giữa 2 nhiệm vụ cảng hàng hóa và du lịch?

Việc nâng cấp, mở rộng nhà ga Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài không ảnh hưởng đến hoạt động chung của sân bay hiện nay. Bởi chỉ đầu tư xây dựng nhà ga mới, đường lăn, điểm đỗ nên nhà ga cũ, đường lăn… cũ vẫn hoạt động bình thường. Nghĩa là trong quá trình tiến hành đầu tư nâng cấp, sân bay Phú Bài vẫn đón khách và hoạt động liên tục.

Chúng tôi đã cam kết bàn giao mặt bằng sạch trước 25/3 cho nhà đầu tư và hy vọng đây là dự án đầu tiên trong năm được khởi công thông suốt, mở đầu cho một số dự án trọng điểm khác đã và đang được xúc tiến để khởi công trong năm nay và các năm tiếp theo.

Đối với Cảng nước sâu Chân Mây, dù đang thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ, hẳn nhiên là không thể tránh khỏi những vướng mắc, song chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị liên quan điều tiết thời gian hợp lý để đón các đoàn tàu du lịch, thương mại, trong đó vẫn ưu tiên đón tàu du lịch hơn, nhất là sau khi đầu tư các bến cảng, việc đón các đoàn tàu đã thuận lợi hơn nhiều.

Hiện tỉnh đã quy hoạch thông qua và đang kêu gọi đầu tư cảng du lịch và các dịch vụ phía trên bờ để đáp ứng nhu cầu của khách, đồng thời phát triển chuỗi đô thị, dịch vụ ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Vấn đề nguồn lực con người đã được đặt ra như thế nào khi ở lĩnh vực này, Huế vẫn chưa thật sự đủ mạnh, thưa ông?

Ngoài cơ sở hạ tầng, con người là yếu tố then chốt để đưa thương hiệu du lịch Huế ra thế giới. Do đó, chúng tôi luôn xây dựng chiến lược “đi tắt, đón đầu” trong các chiến lược đào tạo, nhằm tạo ra những con người có đột phá về tư duy, hành động, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất của công việc nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.

Xin cảm ơn ông!

“Tôi luôn đặt ra và yêu cầu cán bộ từ lãnh đạo đến chuyên viên, nhân viên luôn đổi mới, đột phá về tư duy, nhận thức, thay đổi hành vi, sẵn sàng hành động với mục tiêu đem lại hiệu quả công việc cao nhất. Qua những yêu cầu, mục tiêu này, cán bộ có thể kiểm tra, giám sát lẫn nhau để cùng làm tốt hơn công việc được giao. Cơ chế, tư duy, bao cấp, xin cho sẽ phải thay đổi thành cơ chế, tư duy phục vụ, chính quyền phục vụ Nhân dân, phục vụ doanh nghiệp…

CHỦ TỊCH UBND TỈNH PHAN NGỌC THỌ

TÂM HUỆ (thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẽ tổ chức hội thảo khẳng định giá trị địa điểm lịch sử cách mạng tại Bàu Bàng
Sẽ tổ chức hội thảo khẳng định giá trị địa điểm lịch sử cách mạng tại Bàu Bàng

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Lộc cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy Huế, Ban Tuyên giáo Thị ủy Hương Thủy và Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế vừa tổ chức họp bàn kế hoạch chuẩn bị tổ chức Hội thảo khoa học về địa điểm lịch sử cách mạng tại Bàu Bàng ở thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc.

Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông
Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông

Trong hai ngày 25 - 26/2, Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện Nam Đông, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Lữ hành tỉnh, Hiệp hội Du lịch và Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm du lịch tại huyện Nam Đông.

Điểm đến mới, dịch vụ mới
Điểm đến mới, dịch vụ mới

Với những tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa, Hương Trà đang tích cực tìm hướng đi mới để phát triển du lịch, dịch vụ.