Thứ Ba, 02/05/2017 12:55

Có một mùa đông buồn xứ Huế

Lấy cảm hứng từ trận đại hồng thủy ở Huế mùa đông năm 1999, Duy Từ đã dốc tâm sức trong một thời gian ngắn (dồn nén và thôi thúc) để hoàn thành, và kịp gửi đến bạn đọc trường ca đầu tay “Huế mùa đông năm 1999”.

Ma Nê hồi sinh sau lũ

Bìa cuốn sách “Huế mùa đông 1999”

Trường ca là câu chuyện của người cha kể lại cho con gái mình sau 20 năm trận lụt lịch sử ở Huế mùa đông 1999, được chia làm 5 khúc (không có tiêu đề) và vỹ thanh, gồm 520 câu (được viết theo thể thơ tự do, đôi chỗ xen lục bát). Lúc bấy giờ con gái anh mới lên 6 tuổi, mẹ đi học xa, hai cha con ở trong căn phòng nhỏ của một khu tập thể gần bờ Nam sông Hương, đang trò chuyện về những giấc mơ đẹp trong cổ tích… thì bất ngờ trời mưa như trút nước, và lụt ập đến; thế là, đành phải rời bỏ căn phòng còn ấm nồng kỷ niệm và đầy ắp ước mơ, để nhanh chân chạy lụt (khúc I).

Từ khúc II đến khúc V là miêu tả diễn biến của trận lụt từ Nam Đông, A Lưới, các huyện, và thành phố Huế (từ ngã ba Tuần về Thuận An). Vỹ thanh là nhắn gửi của người cha với con gái mình về nỗi ám ảnh buồn đau trước những thiệt hại, mất mát lớn về người và của cải do trận lụt gây ra, để con ghi nhớ không quên, sống và làm nhiều việc có ích cho cộng đồng, với Huế.

Hồi tưởng và liên tưởng là bút pháp chủ đạo xuyên suốt trường ca. Dường như tác giả đã sử dụng tối đa “kho tri thức” của mình đã tích lũy được trong việc miêu tả, đối chiếu, so sánh, cập nhật thông tin, số liệu như: lượng mưa, mực nước, những tấm gương hy sinh cứu người trong lũ dữ, những sẻ chia của đồng bào cả nước..., đậm nét là cách dùng từ láy lại, điệp từ, như: Bao la, lung linh, chập chùng, mênh mông, cheo leo, chơi vơi, chới với… khá mới và phù hợp với ngữ cảnh, tạo ấn tượng nhất định với người đọc.

Có cả những từ lạ như “nước tặc”, câu thơ lạ như “bóng tùng trăm năm đỗ/Ngô đồng trẻ trung đã ngã/Từ đây bơ vơ mảnh trăng thiên cổ”, và giọng văn tế “Ôi thôi/cổng trường/cạnh giảng đường/trên những gò làng đẫm nước tang thương”… có thể coi đó như là tín hiệu mới và lạ của trường ca...

Trường ca đầu tay là sự thể nghiệm của một người đam mê, luôn trăn trở đi tìm điều mới lạ cho thơ, nên cái được và chưa được, âu là lẽ thường tình. Vấn đề ở đây là Duy Từ đã làm được điều mà chưa hẳn những người làm thơ khác làm được, đó là: dựng lại bức tranh toàn cảnh bằng thơ khá sống động và chân thực về một mùa đông buồn xứ Huế 1999; phần nào làm sống lại ký ức của những người đã từng chứng kiến trận đại hồng thủy lịch sử; qua đó gợi mở với những người trẻ tuổi hôm nay hình dung và thấm được sự kiện đau buồn ấy, để biết quý trọng những gì đang có, sống hòa thuận với môi trường thiên nhiên, chung tay góp sức làm cho Huế ngày một sáng đẹp hơn, là nơi dễ sống và đáng sống hơn. Ngần ấy, cũng đủ để ghi nhận nỗ lực của Nguyễn Duy Từ với trường ca Huế mùa đông 1999.

Bài, ảnh: LÊ VIẾT XUÂN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sắp ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Sắp ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Theo Ban Nội chính Trung ương, kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023) và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (1/2/2013 -1/2/2023), ngày 2/2, Lễ ra mắt cuốn sách: "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sẽ diễn ra tại Hà Nội.

Những cuốn sách cũ
Những cuốn sách cũ

Những cuốn sách phủ lớp bụi thời gian với đủ thể loại được sắp xếp ngay ngắn trên vỉa hè không chỉ cuốn hút người yêu sách cũ mà còn là điểm đến văn hoá. Với nhiều người, đó còn là thư viện mở.

Ba cuốn sách về người con ưu tú của Huế
Ba cuốn sách về người con ưu tú của Huế

Tháng 7 năm 1995, một lần ra Hà Nội, tôi may mắn được nhà thơ Tố Hữu đồng ý tiếp chuyện tại nhà riêng ở phố Phan Đình Phùng mà nhiều người trìu mến gọi là “Con phố lãng mạn nhất Thủ đô”.