Thứ Ba, 07/07/2020 14:23

Cơ sở của niềm tin

Niềm tin trong thời buổi này, khi được đặt vào một nơi nào đó, nó có vẻ khó đứng vững hơn bao giờ hết! Nói thế có quá bi quan chăng? Hẳn nhiên là có. Nhưng nó cũng chứa đựng một phần sự thật. Đặt niềm tin vào thị trường, như thị trường nhà đất chẳng hạn, thì thị trường có nhiều méo mó; đặt niềm tin vào doanh nhân, bởi đây là lực lượng rường cột làm ra của cải cho xã hội nhưng vẫn đây đó có tiếng ì xèo, trong suốt một năm qua. Đặt niềm tin vào quan chức? Điều này ít nhiều điều tiếng chắc ai trong chúng ta cũng hiểu.

Niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng kinh doanhNhân niềm tin cho doanh nghiệp để phục hồi tăng trưởng sau dịch

Các doanh nghiệp FDI góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: HOÀNG ANH

Nhưng chẳng lẽ chỉ sống trong hoài nghi. Có lẽ điều này hoàn toàn không phải. Niềm tin về những thành tựu của đất nước đạt được, về sự phát triển của đất nước; niềm tin về lòng tốt, tính nhân bản, hồn hậu, sẻ chia và luôn luôn có một nội lực mãnh liệt để vươn lên không bao giờ tắt trong mỗi người dân Việt.

Phàm cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Mất niềm tin vào một bộ phận cán bộ lãnh đạo, một số đã từng được gọi là doanh nhân…thì chúng ta lại tin tưởng sâu sắc hơn vào công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước. Con sâu tuy làm rầu nồi canh, nhưng đó vẫn là số ít. Có như vậy đất nước chúng ta mới phát triển vượt bậc về kinh tế, đạt được nhiều thành tựu về mặt xã hội; đón nhận sự đánh giá cao của người dân và của bạn bè quốc tế.

Cũng như mọi thứ trong đời sống, không có gì là bất biến. Niềm tin cũng vậy. Có lúc chúng ta thiếu tin tưởng vào một điều gì đó. Nhưng cũng có khi chúng ta đặt trọn niềm tin vào những gì chúng ta cho là tốt đẹp. Sự tốt đẹp bao giờ cũng làm lay động, dẫn dắt con người đi đến chân, thiện, mỹ. Nó là cái nhân làm cho đời sống lung linh hơn, thắp sáng niềm tin cho chúng ta.

Có lúc chúng ta hoài nghi về sự giàu có, đóng góp của doanh nhân. Nhưng sự thật hiển nhiên về sự phát triển vượt bậc về kinh tế của đất nước trong năm qua đã củng cố niềm tin của chúng ta. Những tố chất nào làm nên thành quả này, chắc hẳn là có sự đóng góp rất lớn của đông đảo lực lượng doanh nhân. Họ không luôn lo lắng, suy tư, năng động… thì làm sao làm nên thành quả này. Trong dịch bệnh tàn phá, có những lúc sinh mệnh con người hết sức mong manh nhưng vẫn sáng lên những tấm lòng, nhiều tấm lòng nhân ái mà hình ảnh những áo trắng, đầu cổ trùm kín mít bịt bùng của y, bác sĩ, nhân viên y tế làm cho chúng ta xúc động. Hàng ngàn lời nói tốt đẹp không bằng những hành động thực tiễn này. Niềm tin chỉ được vun đắp ngày càng dày thêm lên trước những cử chỉ, hành động như vậy.

Có những lúc chúng ta hoài nghi về cán bộ, công tác cán bộ, nhưng chúng ta vẫn tin tưởng những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực lãnh đạo, dẫn dắt vẫn là áp đảo. Cuộc sống luôn luôn diễn ra và đi lên, trong quá trình đó sẽ diễn ra sự điều chỉnh. Điều chỉnh theo hướng tốt đẹp hơn là điều có thể nhận biết.

Gần về cuối năm, hàng loạt tin xấu đối với nền kinh tế diễn ra. Bất động sản trầm lắng và đi xuống; cổ phiếu doanh nghiệp sụt giảm; nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực dệt may, da giày - nơi tạo ra hàng triệu việc làm và chiếm đến 30% trong cơ cấu xuất khẩu của đất nước gặp trục trặc - thiếu đơn hàng, hàng chục ngàn công nhân, công việc và thu nhập ở bậc thấp trong xã hội, mất việc làm…

Chúng ta lo lắng nhưng vẫn có niềm tin. Trong năm 2022, ngay sau khi bước qua đại dịch, kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ, mức tăng trưởng thuộc hàng cao nhất của khu vực và thế giới. Dự báo năm nay Việt Nam có mức tăng trưởng GDP 8%. Đạt được điều này là nhờ sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt với các giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô phát huy tác dụng tốt. Việt Nam là một trong những nước được đánh giá có nền tài chính ổn định, nợ công thấp.

Năm 2023 được dự báo là một năm khó khăn, có nhiều biến động khó lường do tình hình thế giới có nhiều yếu tố diễn biến bất lợi. Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn tin tưởng Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng kinh tế khá cao. Cơ sở hạ tầng được cải thiện nhiều. Việt Nam vẫn là một điểm sáng để thu hút đầu tư nước ngoài. Một yếu tố “ngoại lai” có thể tạo ra nhiều thuận lợi cho kinh tế Việt Nam là Trung Quốc dần mở cửa kinh tế - dòng thông thương hàng hóa và các dịch vụ này cũng quan trọng không kém so với các thị trường châu Âu và Mỹ… Từ nền tảng tăng trưởng cao trong năm 2022, những yếu tố thuận lợi như dự báo nêu trên được mở ra. Nếu Việt Nam phát huy tốt các yếu tố thuận lợi và khắc chế được những yếu tố bất lợi thì chúng ta hoàn toàn hy vọng, 2023 sẽ là một năm Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng của khu vực.

NGUYÊN LÊ 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.