Thứ Sáu, 30/09/2016 10:45

Coi chừng đất “lạnh”

Giá đất ở Huế đang nóng lên trên mọi phân khúc. Các khu quy hoạch gần các trung tâm hành chính, hoặc đã có quy hoạch vài phân khu chức năng như trường học, bệnh viện, đường sắp mở… thì giá lên “ào ào”.

“Sốt” đất sẽ không kéo dài

Khách hàng tìm hiểu thông tin bất động sản (Ảnh minh họa). Ảnh: HOÀNG HẢI

Khi giá lên đã hút vào đây rất nhiều nhà đầu tư, trong đó có nhóm người đầu tư lướt sóng. Cứ đi la cà các quán cà phê, quán nhậu, không khó bắt gặp những câu chuyện: mình vừa mới mua miếng này miếng kia, chưa kịp sang tên, chuyển ngay qua bên thứ ba đã đút túi vài chục, vài trăm (triệu) đồng.

Thị trường bất động sản Huế đang sôi động.

Nó bắt đầu sôi động từ những khu quy hoạch như trên đã nói. Nhưng những nơi này giá khá “chát”, lên từ mười mấy đến vài chục triệu đồng một mét vuông. Ở đây chỉ có những người giàu có mới tham gia được hoặc ai nhanh nhạy thì hùn vốn lại tham gia phân khúc này.

Từ phân khúc “cao cấp” lên giá đã đẩy giá đất ở vùng ven, trong hẻm, trong kiệt, các khu chung cư, khu nhà liền kề tăng theo. Đất ở vùng Thủy Xuân (TP. Huế) qua nhiều đường ngoằn ngoèo, chỉ có 70% đất thổ cư đã đội lên đến bốn năm triệu đồng/m2. Vùng Thủy Vân (TX. Hương Thủy), Phú Thượng, Phú Mỹ (huyện Phú Vang…  nhiều nơi giá đất tăng đột biến. Có một đặc điểm nữa là những nhà kinh doanh bất động sản đã mua những mảnh đất rộng, chuyển đổi mục đích sử dụng rồi phân lô nhỏ, thậm chí 60-80m2. Dạng đất này phù hợp với những người trẻ tuổi, ít tiền, chỉ cần một hai trăm triệu đồng rồi vay thêm ngân hàng trả dần cũng kích thích nguồn cung.

Giá đất tăng tức là phía cầu tăng. Cầu ở đây là có thật, bất chấp là dạng đầu tư theo kiểu bỏ ống, đầu cơ hay lướt sóng? Nguồn tiền ở đâu mà rót vào thị trường bất động sản nhiều như vậy? Chắc chắn có một nguồn tiền là từ tiết kiệm trong dân. Sau một thời gian dài thị trường bất động sản yên ắng, họ giữ tiền dưới nhiều dạng, trong đó có gửi tiết kiệm. Nay bất động sản sôi động, thấy kênh này đầu tư có lợi hơn nên người dân rút tiền ra và đầu tư vào đây.

Có vẻ như có một nguồn vốn ngoài Huế từ những nhà đầu tư “kỳ vọng”. Kinh tế Thừa Thiên Huế bắt đầu khởi sắc hơn. Du lịch phát triển hơn. Nhiều nhà đầu tư lớn thực hiện những dự án đầu tư vào Huế hơn, những nhà đầu tư này kỳ vọng thị trường bất động sản Huế sẽ đưa lại nhiều lợi nhuận. Họ là một tác nhân dẫn dắt thị trường đi lên.

Có một nguồn vốn khác là từ nguồn vốn vay ngân hàng. Trước đây nguồn vốn ngân hàng cho phép đầu tư vào bất động sản chỉ chiếm 20% tổng dư nợ, mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã "siết" song đây cũng là một trong những nguồn vốn không nhỏ hỗ trợ cho thị trường.

Khi thị trường đang nóng lên, đặc biệt là quá nóng, thì cũng là lúc nó phát ra tín hiệu cho mọi người cảnh giác. Mọi thị trường bao giờ cũng có lúc "nóng" lúc "lạnh", lúc “ấm”. Thị trường bất động sản khi nóng lên đã hút một lượng vốn khổng lồ vào, cho nên những người “tỉnh táo” bao giờ cũng theo dõi sát diễn biến thị trường và luôn luôn cảnh giác lúc đang nóng. Nhưng không phải ai cũng may mắn nhận biết rõ điều này. Bởi đỉnh của giá cả là điều không biết trước được. Tâm lý thị trường, ở đây là thị trường bất động sản thường là thế này: Khi nóng, tức là khả năng giao dịch thành công lớn, lợi nhuận khá cao nên thu hút nhiều người tham gia (tức là mua vào). Nhưng một khi có dấu hiệu "lạnh", thì người ta sẽ tập trung bán ra. Có thể dẫn đến một cuộc “tháo chạy” dẫn đến thị trường đi xuống và "đóng băng". Những cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản trước đây đã làm cho những người không “rút chân ra kịp” đã rơi vào tình cảnh khó khăn và không ít trường hợp vỡ nợ, ngay cả những người kinh doanh chuyên nghiệp.

Có những dấu hiệu cho thấy, nhu cầu thật sự mua bất động sản để làm nhà ở không phải là nhiều. Nói như thế bởi có nhiều khu quy hoạch, trải qua hàng chục năm trời vẫn chưa lấp đầy kiến trúc. Khả năng đầu tư “bỏ ống”, đầu cơ, đầu tư lướt sóng là nhiều. Cho nên, những người tham gia thị trường này phải nên hết sức thận trọng. Ngân hàng cũng phải thận trọng khi thẩm định cho vay...

Lê Phương

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bất động sản chao đảo vì thiếu dòng vốn
Bất động sản "chao đảo" vì thiếu dòng vốn

Thời gian qua, nhất thời điểm từ giữa năm 2022 đến nay, phần lớn các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) "sốt ruột" vì tín dụng bị siết chặt. Đa số DN thiếu vốn để triển khai dự án (DA), còn nhà đầu tư thứ cấp không có dòng tiền để "lướt sóng".

Thông tin chính sách tác động đến thị trường
Thông tin chính sách tác động đến thị trường

Trong khi doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang rơi vào khó khăn thì có thông tin Bộ Tài chính đề xuất thực hiện “điều tiết cao đối với căn hộ chung cư có mức giá trên 50 triệu đồng/m2, nhằm góp phần đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập dân cư”.

Thị trường có thể ấm lại
Thị trường có thể ấm lại

Ngay từ năm nay, có thể thị trường bất động sản (BĐS) sẽ ấm trở lại. Ấm trở lại nhưng theo hướng giá cả thấp hơn trước chứ không phải theo kiểu nhảy cóc đi lên như thời gian trước đây.