Thứ Ba, 05/12/2017 07:00

Công bố thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai

Ngày 5/6, đúng dịp kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh tổ chức lễ công bố thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước (BTĐNN) Tam Giang - Cầu Hai tại xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền.

Vận hành Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu HaiThành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai:Bảo tồn nhưng phải kết hợp phát triển sinh kếBảo tồn sinh cảnh liên kết vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

Bảo tồn và phát triển diện tích rừng ngập mặn, các khu thủy sản góp phần tăng tính đa dạng sinh học và phát triển kinh tế. Ảnh: CCBVMT

Mong đợi của chính quyền và cộng đồng

Cách đây khoảng hơn 10 năm, vùng đất ngập nước Tam Giang- Cầu Hai chỉ là vùng đầm phá “ngổn ngang” do người dân tự ý khai thác, đánh bắt thủy sản và môi trường nhếch nhác, ô nhiễm vì rác. Thời gian sau này, khi được sự “để mắt” của địa phương, các tổ chức trong nước, quốc tế, Tam Giang - Cầu Hai mới dần hồi sinh và thực sự thu hút sự quan tâm vì tiềm năng, giá trị thuộc hàng bậc nhất trong khu vực và thế giới của hệ thống đầm phá lớn nhất Đông Nam Á này.

Vùng ngập nước Tam Giang- Cầu Hai chính thức được đánh thức từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1131 ngày 9/7/2014 về việc phê duyệt danh mục dự án (DA) do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ DA “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tại 2 tỉnh Thái Bình và Thừa Thiên Huế.

Những khu rừng ngập mặn phát triển tốt trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Ảnh: CCBVMT

Suốt quá trình cùng các đơn vị bộ, ngành, chuyên gia và cộng đồng tham gia xây dựng, nghiên cứu, thực hiện DA, ngày 20/2/2020, Khu BTĐNN Tam Giang - Cầu Hai chính thức có quyết định thành lập. Đây là sự kiện mong đợi của chính quyền và cộng đồng người dân trong vùng, biến vùng Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng đất vàng cả về môi trường, kinh tế và xã hội.

Khu BTĐNN Tam Giang - Cầu Hai được thành lập có tổng diện tích 2.071,5 ha, gồm 2 phân vùng: Ô Lâu, Cồn Tè - Rú Chá và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nằm trong ranh giới hành chính của 23 xã, thị trấn thuộc 4 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và TX. Hương Trà.

Vùng đệm của Khu BTĐNN gồm toàn bộ diện tích đất mặt nước xung quanh đầm phá, tiếp giáp với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái là 17.945 ha. Vùng sinh cảnh liên kết của khu bảo tồn có diện tích 69.684 ha bao gồm diện tích theo địa giới hành chính của 33 xã xung quanh đầm phá.

Thời gian qua, việc thành lập 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phong trào Ngày Chủ nhật xanh được phát động lan tỏa sâu rộng đã giúp làm sạch đầm phá và bảo vệ, phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên tại đây. Sau công bố thành lập Khu BTĐNN Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh xúc tiến xây dựng đề án phục hồi sinh cảnh Trằm chim vùng cửa sông Ô Lâu và quy hoạch đa dạng sinh học khu vực này.

Dự kiến, đề án sẽ ban hành cuối tháng 12/2020 và tổ chức trồng thêm 72 ha rừng ngập mặn tại xã Quảng Thái (40 ha), xã Điền Hải (16 ha) và xã Điền Hoà (16 ha); trong đó phục hồi khoảng 20 ha vùng trảng cỏ, sình lầy làm các sân chim, nơi kiếm ăn cho các loài chim nước.

Tăng giá trị vùng đất ngập nước

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh khẳng định, Khu BTĐNN Tam Giang - Cầu Hai được hình thành có ý nghĩa rất lớn trong bảo tồn và phát triển hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình và quan trọng tại Việt Nam. Khu bảo tồn ra đời là cơ hội để triển khai các hoạt động bảo tồn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, cân bằng sinh thái và duy trì cảnh quan tự nhiên.

Các giá trị đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn lợi sinh vật và các hệ sinh thái đặc thù trong đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, nhất là các thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi giống, bãi đẻ, các loài chim hoang dã quý hiếm, chim di trú sẽ tiếp tục được bảo vệ và phục hồi.

Trước đây, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng đã xác định vùng biển và đầm phá có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái. Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai của tỉnh đến năm 2020” cũng nêu rõ cần tập trung đầu tư phát triển vùng ven biển, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng đặc thù kinh tế, đồng thời là khu dự trữ môi trường sinh quyển.

Việc thành lập khu bảo tồn đất ngập nước không chỉ gìn giữ, bảo vệ những giá trị vốn có của thiên nhiên, tăng tính đa dạng sinh học trong hệ đầm mà còn tăng thêm cơ hội đưa kinh tế- xã hội của địa phương phát triển theo hướng bền vững, đúng theo mục tiêu đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng, không rác thải”. Đây còn là điều kiện hỗ trợ nghiên cứu, giáo dục môi trường, phát triển sinh kế, đầu tư khai thác phát triển hiệu quả lĩnh vực du lịch sinh thái… trên cơ sở cộng đồng địa phương cùng tham gia quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững các giá trị của khu bảo tồn.

Với sự quản lý bài bản giữa các cấp và cộng đồng sở tại sắp tới, vùng đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai sẽ làm nơi để các nhà khoa học, các nhóm người yêu thiên nhiên trong nước và quốc tế nghiên cứu khoa học sinh học, sinh thái học và tiếp tục đề xuất kế hoạch bảo tồn.

HOÀI THƯƠNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.