Thứ Hai, 07/05/2018 06:45

Cuộc cách mạng mang ý nghĩa quốc tế vượt thời gian

Ý nghĩa của Cách mạng tháng Mười năm 1917 đã vượt ra ngoài nước Nga cả về không gian và thời gian, biến những lý tưởng về một xã hội với những mục tiêu tốt đẹp vì con người trở thành hiện hữu.

Mít tinh kỷ niệm 102 năm Cách mạng tháng Mười vĩ đạiMột sự kiện lịch sử trọng đại

Người dân và lực lượng khởi nghĩa diễu hành tại Saint - Peterburg chúc mừng thành công cuộc Cách mạng ngày 7/11/1917. Ảnh: TL

Ánh sáng cho các dân tộc bị áp bức

Cách mạng tháng Mười Nga dẫn đến sự ra đời của Nhà nước công - nông đầu tiên trên thế giới, với mục tiêu cao cả là xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn minh, công bằng, hạnh phúc cho mọi người dân lao động. Cũng chính sự phát triển vững mạnh của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết trong những thập niên sau đó đã đóng vai trò to lớn đưa nhân loại ra khỏi tai họa phát xít, góp phần quan trọng đưa thế giới thoát khỏi ngọn lửa tàn khốc của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của công nhân các nước châu Âu. Ngay sau Cách mạng tháng Mười Nga, một cao trào đấu tranh đã sôi nổi dâng lên ở các nước tư bản châu Âu trong những năm 1918 - 1923. Ở nhiều nước đã có lúc xuất hiện tình thế cách mạng: ở Đức năm 1918; ở Italia năm 1920; ở Hung-ga-ri năm 1923. Nhiều đảng cộng sản ở các nước phương Tây cũng ra đời trong cao trào đấu tranh này: Đảng Cộngsản Đức (1/1919); Đảng Cộng sản Anh (8/1920), Đảng Cộng sản Pháp (12/1920), Đảng Cộng sản Italia (1/1921), Đảng Cộng sản Mỹ (1921)...

Không chỉ có những ảnh hưởng trực tiếp tới phong trào đấu tranh của công nhân các nước tư bản, Cách mạng tháng Mười Nga đã thắp sáng niềm hy vọng của các dân tộc thuộc địa. Thực tiễn của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga chứa đựng cả nội dung giải phóng dân tộc sâu sắc đã thức tỉnh và cổ vũ tinh thần đấu tranh của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa trong thời kỳ sau Cách mạng tháng Mười Nga ở nhiều nước đã có một hướng đi mới. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đã gắn kết với cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân cùng chống lại kẻ thù chung là sự áp bức của chế độ tư bản, sự bóc lột của phương thức sản xuất tư bản.

Trong thế kỷ XX, phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa đã trở thành một trào lưu rộng lớn trên khắp thế giới. Cho đến cuối thế kỷ XX, hệ thống thuộc địa kiểu cũ của các nước đế quốc đã bị xoá bỏ. Các dân tộc Á, Phi, Mỹ Latinh tiếp tục đấu tranh, phấn đấu cho một trật tự thế giới mới công bằng và phát triển. Cuộc đấu tranh này là một nhân tố của thời đại mới, buộc chủ nghĩa tư bản hiện đại phải tính toán, đưa ra những đối sách điều chỉnh để thích nghi. Trong những bước phát triển đó của xã hội loài người, người ta không thể không nhấn mạnh ý nghĩa của Cách mạng tháng Mười, không thể phủ nhận những đóng góp, giúp đỡ to lớn của Liên Xô với những dân tộc bị áp bức.

Tác động sâu sắc đến cách mạng Việt Nam

Cuộc cách mạng do V.I. Lê-nin lãnh đạo đã có tác động sâu sắc tới Nguyễn Ái Quốc khi Người còn đang tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam giữa màn đêm thực dân đang bao trùm. Với sự nhạy bén chính trị của một thiên tài, được hun nóng bằng bầu máu nóng sôi nổi của một người trẻ tuổi nhiệt thành yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy từ V.I. Lê-nin, từ Cách mạng tháng Mười Nga “cái cần thiết” cho dân tộc Việt Nam, cho đồng bào Việt Nam còn đang chịu ách nô lệ thực dân. Từ một người yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đã tìm thấy con đường giải phóng cho dân tộc mình và từ đó Người kiên định lãnh đạo Nhân dân Việt Nam đi theo con đường của V.I. Lê-nin, con đường của Cách mạng tháng Mười.

Sau này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ cho những cán bộ cách mạng Việt Nam trẻ tuổi được Người trực tiếp huấn luyện ở Quảng Châu trong những năm 1925 - 1927: “Chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi”.

Trong một đoạn khác của Đường cách mệnh, Người giải thích rõ hơn: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cho cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều”. “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải lấy dân chúng (công nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lê-nin”.

Bài học quý về nghệ thuật khởi nghĩa

Cách mạng tháng Mười để lại cho những người cách mạng Việt Nam nhiều bài học quý về nghệ thuật khởi nghĩa: Về chuẩn bị lực lượng mọi mặt cho cách mạng, về tạo tình thế và chớp thời cơ, về phương thức tiến hành khởi nghĩa vũ trang, kiên quyết đập tan chính quyền của địch, giành thắng lợi hoàn toàn cho cách mạng... Người ta có thể nhận thấy sự kiên quyết và sáng tạo trong chỉ đạo khởi nghĩa cách mạng đã thể hiện trong Cách mạng tháng Mười Nga (1917) một lần nữa được thể hiện rõ nét trong Cách mạng tháng Tám (1945) ở Việt Nam. Điều này là tương đồng vì ở đâu cách mạng cũng là sáng tạo, sáng tạo trên cơ sở kế thừa đúng đắn những kinh nghiệm quý báu.

Thành công của Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam đã được chuẩn bị tiền đề từ Cách mạng tháng Mười 1917 ở nước Nga xa xôi. Có thể nói đây là hai cuộc cách mạng thành công trọn vẹn nhất trong thế kỷ XX. Cả hai cuộc cách mạng đó đều là những mốc lịch sử quan trọng đối với mỗi dân tộc cũng như với lịch sử nhân loại.

Cách mạng tháng Mười Nga đã đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của cuộcđấu tranh giải phóng các giai cấp bị bóc lột và những dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam là thắng lợi đầu tiên trong thời đại mới của một dân tộc thuộc địa đã tự giải phóng mình khỏi ách đế quốc thực dân, mở đầu sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa trên toàn cầu.

TS. NGÔ VƯƠNG ANH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phạm Đức Lương, cậu học trò đam mê lịch sử
Phạm Đức Lương, cậu học trò đam mê lịch sử

Với cậu học trò Trường THPT Thừa Lưu (Phú Lộc) Phạm Đức Lương, việc học không đơn thuần chỉ là thu nạp kiến thức, đó còn là hành trình chinh phục và vượt qua những thách thức của bản thân.

Những vọng âm lịch sử
Những vọng âm lịch sử

“Bạc màu áo ngự” là tập truyện ngắn của Lê Vũ Trường Giang ra mắt độc giả vào tháng 11 vừa qua, do NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ấn hành.