Thứ Hai, 05/10/2015 08:45

“Cuộc chiến’’ phòng chống HIV/AIDS - Vấn đề không riêng của y tế

Nhờ triển khai nhiều hoạt động thiết thực, gần đây công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn có những chuyển biến tích cực.

ARV chặn lây nhiễm HIV/AIDSNâng cao kỹ năng truyền thông phòng chống HIV/AIDSVận động người nhiễm HIV/AIDS mua bảo hiểm y tếThực hiện tốt công tác phòng chống HIV/AIDSNhững thầy thuốc tận tâm với bệnh nhân HIV

Cán bộ TT PC HIV tỉnh trao đổi công tác phòng chống HIV ở huyện Nam Đông

“Phủ sóng” thông tin

Hàng năm, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (TTPC HIV/AIDS) tỉnh phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xã hội triển khai cụ thể hoạt động cam kết phòng, chống HIV/AIDS đến từng địa phương, đơn vị. Bên cạnh các chương trình, hoạt động thông tin giáo dục thay đổi hành vi ở các xã, phường với nhiều hình thức, nội dung phong phú, TTPC HIV/AIDS tỉnh còn đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng, sử dụng nhóm tuyên truyền viên, đồng đẳng viên, cộng tác viên, y tế thôn bản để tuyền thông đến các khu dân cư về chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Qua các hoạt động, TTPC HIV/AIDS tỉnh tổ chức  kiểm tra, giám sát định kỳ tại cơ sở, nhằm đánh giá và đề ra kế hoạch, nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tiếp theo. Những hoạt động trên đã giúp người dân từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa hiểu biết các thông tin về HIV/AIDS và góp phần làm hạn chế sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư.

Đơn cử như thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc), địa chỉ du lịch nổi tiếng nhưng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Nhiều năm nay, chính quyền, các đoàn thể nơi đây nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống HIV nhằm kiểm soát, loại dần  HIV ra khỏi địa bàn. Hiện, Lăng Cô có 4 trường hợp mắc HIV và được điều trị sử dụng thuốc ARV. Bác sĩ  Phạm Văn Lợi, Trưởng trạm Y tế thị trấn Lăng Cô cho biết, đẩy lùi dịch HIV/AIDS không chỉ qua các phong trào mà luôn xác định một “cuộc chiến” lâu dài, thường xuyên. Hàng năm, Trạm Y tế  Lăng Cô phối hợp xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giúp người dân hiểu về HIV/AIDS. Hàng tuần, hàng tháng có cán bộ bám sát từng địa bàn dân cư, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao để tư vấn phòng, chống lây nhiễm HIV, hướng dẫn đi xét nghiệm, phát hiện điều trị...

Bác sĩ Đoàn Chí Hiền,Trưởng phòng Truyền thông, TTPC HIV/AIDS tỉnh, cho biết: “Thông qua công tác truyền thông, người dân không chỉ được tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS mà còn từng bước hạn chế sự kỳ thị với người nhiễm HIV. Khi nhận thức đầy đủ, người có nguy cơ nhiễm HIV sẽ chủ động đi xét nghiệm”.

Tăng cường các hoạt động can thiệp, dự phòng

Ngoài công tác tuyên truyền, vận động, các hoạt động can thiệp, dự phòng lây nhiễm tại cộng đồng cũng được chú trọng. Hàng năm, thông qua đội ngũ cán bộ y tế, nhân viên tiếp cận cộng đồng, TTPC HIV/AIDS tỉnh tiến hành cấp phát bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao tại các địa bàn, địa điểm nhạy cảm...

Chương trình chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS được kiện toàn, đầu tư về trang thiết bị, con người từ huyện đến tỉnh. TTPC HIV/AIDS tỉnh huy động sự tham gia của cộng đồng, gia đình trong việc tiếp cận người nhiễm HIV để theo dõi, chăm sóc quản lý; tăng cường công tác tiếp thị, tư vấn, tập huấn cho bệnh nhân AIDS điều trị ARV và điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội bằng Cotrimoxazol. Hiện, có 307/322 trường hợp bệnh đang được điều trị thuốc ARV, sức khỏe cải thiện tốt. Hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã tạo được ý nghĩa sâu sắc, cung cấp gói dự phòng hiệu quả, giảm tối đa trẻ bị lây truyền HIV từ mẹ.

Chương trình điều trị Methadone được triển khai từ cuối năm 2014 đã mang tính ưu việt, nằm hoàn toàn trong hệ thống y tế. Đây là một mô hình “3 trong 1”: Tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện (VTC), phòng khám ngoại trú điều trị cho người nhiễm HIV (OPC) và điều trị Methadone giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ, được chăm sóc toàn diện. Mô hình này đã lồng ghép tạo điều kiện đưa bệnh nhân ở địa phương tham gia điều trị Methadone vượt kế hoạch đề ra hàng năm. Hiện tại, có hơn 260 trường hợp điều trị thuốc Methadone, vượt hơn 60 trường hợp so với kế hoạch Trung ương giao đến năm 2020.

Qua các hội nghị giao ban công tác phòng, chống HIV/AIDS gần đây nhiều ý kiến cho rằng, dù công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều cam go, thách thức khi mục tiêu hướng đến loại HIV ra cộng đồng vào năm 2030. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý và điều trị cho các đối tượng nhiễm HIV địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều người dân vẫn chưa nhận thức tích cực về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Phần lớn trường hợp nhiễm HIV là người có nghề nghiệp tự do, thường xuyên thay đổi chỗ ở. Hơn nữa, sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV hiện vẫn còn tồn tại...

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngoài các hoạt động can thiệp, chăm sóc, điều trị và dự phòng lây nhiễm, việc cần thiết vẫn là tăng cường tuyên truyền, vận động, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thái độ. Đây là vấn đề không riêng của ngành y tế mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ  của toàn xã hội.

Theo số liệu thống kê đến ngày 31/1/2018, lũy tích trên địa bàn toàn tỉnh có 322 người nhiễm HIV còn sống; trong đó, có 296 người ở Thừa Thiên Huế; 7 trường hợp ngoại tỉnh và 19 trường hơp là phạm nhân ở trạm giam Bình Điền. Riêng tháng 1/2018 phát hiện mới 7 trường hợp nhiễm HIV; trong đó 2 người ở Thừa Thiên Huế và 5 người ngoại tỉnh.

Bài, ảnh: Minh Văn

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những điểm mới đáng chú ý trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi
Những điểm mới đáng chú ý trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 gồm 12 Chương, 121 Điều (tăng 3 Chương và 30 Điều so với Luật năm 2009). Với những điểm mới của Luật sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Giám sát, gỡ khó cho tuyến y tế cơ sở
Giám sát, gỡ khó cho tuyến y tế cơ sở

Tại buổi làm việc với Trung tâm Y tế huyện Phú Vang (Trung tâm) chiều 20/2, ông Dương Thanh Bình, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đánh giá cao công tác phòng chống dịch COVID-19 của đơn vị này.