Thứ Sáu, 28/07/2017 11:08

Cứu người và chống dịch bệnh ngày tết

Tết là dịp để sum vầy, đoàn viên người thân trong gia đình, họ hàng,bạn bè. Vậy nhưng, ở Bệnh Viện (BV) Trung ương Huế các y, bác sĩ phải căng mình giành giật sự sống cho bệnh nhân...

"Sức khỏe bệnh nhân là trên hết"

Trưa 27/1 (Mùng 3 Tết), bước qua cánh cửa Khoa Hồi sức tích cực (tầng 6, khu nhà ODA), BV Trung ương Huế là không khí xuân mới Canh Tý 2020 dường như tan biến. Một không gian không còn chỗ trống, đội ngũ y, bác sĩ nơi đây lại tất bật làm việc. Bên lối hẹp đi vào dãy phòng cách ly, điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Oanh chỉ hướng này, hướng kia nói gấp gáp: bệnh này bị bỏng xăng, bệnh kia tai nạn bị chấn thượng sọ não, bệnh kế tiếp xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp, nhiễm trùng...

Đặc biệt, bệnh nhân Trương Huy Đ., 21 tuổi, bị viêm gan cấp quê ở Tuyên Hóa, Quảng Bình đến khoa trong thời khắc chuẩn bị giao thừa. Trước đó, Đ. rơi vào trạng thái suy kiệt, hôn mê. Trong tình hình nguy kịch, các bác sĩ tại khoa quyết định với phương châm "còn nước còn tát" tiến hành lọc máu IPE 4 lần và hồi sức tích cực cho Đ. Qua ngày thứ 3, bệnh nhân Đ. hồi tỉnh, giao tiếp tốt với người thân.

Cán bộ y, bác sĩ tất bật quan tâm chăm sóc bệnh nhân tại khoa hồi sức tích cực

Được vào thăm con, ông Trương Văn Bình, bố bệnh nhân Đ., chia sẻ, các bác sĩ ở đây tận tâm, tận lực cứu chữa bệnh nhân. Khi đưa con trai vào cấp cứu ông Bình lo lắng, cứ ngỡ không qua khỏi nhưng giờ ông vui mừng vì con trai được cứu sống.

Nằm cạnh bên em Đ, anh PAQ., 48 tuổi, Phú Đa, Phú Vang bị tai nạn giao thông vào sáng 27/1 trên đường đi chơi Tết từ TP Huế về nhà. Hiện anh Q. đang trong tình trạng hôn mê vì đa chấn thương vùng sọ não, vỡ xương đùi trái, gãy xương bả vai... được bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực mời gọi các bác sĩ chuyên khoa liên quan hội chẩn để tiến hành phẫu thuật sớm với mong muốn bệnh nhân "hồi sinh".

Bác sĩ Bùi Mạnh Hùng cho biết, không có tết năm nào ở khoa giảm bệnh. Hơn 70 giường bệnh hiện có đã hoạt động "hết công suất". Tết là dịp đội ngũ cán bộ y, bác sĩ ở đây căng sức làm việc không chỉ trực theo ca kíp mà còn huy động thêm các sinh viên học việc hỗ trợ. Trao đổi bên cánh cửa khoa vừa khép lại, bác sĩ Bùi Mạnh Hùng thực tình, dường như 24 năm làm việc khoa, ông chưa có năm nào hưởng cái tết trọn vẹn. Bác sĩ Hùng nói, đôi khi cảm giác cũng bâng khuâng, bùi ngùi vì thấy bên ngoài khí xuân rộn rã. Thế rồi cùng đồng nghiệp an ủi nhau vì sức khỏe bệnh nhân, giúp họ giành giật sự sống với tử thần mới là điều hạnh phúc nhất...

Cán bộ y tế ở khoa hồi sức tích cực không có khái niệm ngồi làm việc trong những ngày Tết Canh Tý 2020

Tại Khoa Cấp cứu- nơi luôn được coi là “đầu sóng ngọn gió” ở BV Trung ương Huế trong ngày Mùng 2 và 3 Tết, Khoa tiếp nhận rất nhiều ca cấp cứu được chuyển từ các tuyến đến. Để chuẩn bị tốt cho khâu tiếp nhận ban đầu, trước tết, khoa đã xây dựng phương án thường trực, dự trữ thuốc men, phương tiện cấp cứu để sẵn sàng đáp ứng công tác thu dung, cấp cứu điều trị người bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám, điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ.

Bác sĩ CKII Phạm Như Vĩnh Tuyên, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Trung ương Huế cho biết, dù đang kỳ nghỉ Tết, không khí làm việc tại ở các khoa phòng trung tâm vẫn rất khẩn trương. Để kịp thời cứu chữa người bệnh, BV đã huy động mỗi ngày gần 250 cán bộ y tế tham gia trực. Kể từ ngày 28 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến ngày 2 Tết Nguyên đán Canh Tý, BV đã tiếp nhận 2.983 trường hợp khám cấp cứu, tai nạn, tăng1.000 trường hợp so với cùng kỳ Tết 2019; trong đó có 244 trường tại nạn giao thông.

 "Sau khi triển khai Nghị định 100, số ca tai nạn giao thông nặng, chấn thương sọ não nhập viện liên quan đến rượu, bia giảm mạnh. Chúng tôi mong muốn, người dân thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông, đã uống rượu bia thì không lái xe để giữ gìn cho chính mình và cũng chính là giúp cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế"- Bác sĩ Tuyên nói.

Ứng phó với vi rút lạ

Không chỉ căng mình cấp cứu người bệnh, nhiều y, bác sĩ không nghỉ Tết để phòng chống dịch viêm phổi cấp do vi rút corona (nCoV) đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc.

Tại Sân bay quốc tế Phú Bài hay Cảng biển Chân Mây bắt đầu từ 30 Tết đã có các bảng biểu, băng rôn khuyến cáo về dịch bệnh này. Ngoài ra, tại hai địa chỉ này, theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Sở  y tế đã tiến hành lắp đặt hai máy tầm soát thân nhiệt để theo dõi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, quản lý điều trị  kịp thời.

Đặt máy tầm soát thân nhiệt đối với  gần 2.700 hành khách quốc tế nhập cảnh tại Cảng Chân Mây vào sáng 27/1

Bác sĩ Trần Đạo Phong, Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết, công tác kiểm dịch tại cửa khẩu là công tác đầu tiên trong quy trình phòng, chống dịch bệnh. Do đó, trong những ngày nghỉ Tết, CDC vẫn tăng cường nhân lực phòng, chống dịch bệnh, trực kiểm dịch y tế quốc tế 24/24h. Tại Sân bay Phú Bài hiện mỗi ngày không dưới 20 chuyến bay đi và đến nên đã phân công cán bộ y tế  phối hợp với cảng vụ để kiểm tra, theo dõi 100% hành khách lên xuống từng chuyến bay.

Sáng  27/1 (tức mùng 3 Tết), cán bộ Khoa Kiểm dịch Quốc tế đã phối hợp chặt chẽ kiểm dịch gần 2.700 hành khách quốc tế nhập cảnh tại Cảng Chân Mây trên tàu du lịch Diamond Princess đến từ Hồng Kông; trong đó, có gần 10 khách quốc tịch Trung Quốc. “Những ngày Tết, ai cũng muốn đoàn tụ bên gia đình, nhưng đây lại là thời điểm chúng tôi bận nhất. Nếu không căng người trực kiểm dịch và chủ quan, các ca bệnh xâm nhập không kiểm soát được thì hậu quả sẽ khôn lường”, bác sĩ Trần Đạo Phong nói. 

Hiện nay, ngoài CDC đã thành lập 5 đội chống dịch cơ động, mỗi huyện, thị xã thành lập thêm 2-3 đội để thực hiện chế độ thường trực, sẵn sàng triển khai xử lý ca bệnh khi có yêu cầu. Các đội chống dịch cơ động đều được trang bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị, được đào tạo và tập huấn ứng phó với dịch bệnh.

Thông tin từ Sở Y tế, sau đêm giao thừa Tết Canh Tý đến nay, ở Thừa Thiên Huế chưa ghi nhận một trường ngộ độc thực phẩm cũng chưa phát hiện một đối tượng nào có triệu chứng dịch nCoV. Công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm cấp cứu, khám chữa bệnh được triển khai nghiêm túc, bảo đảm theo quy định… Những ngày nghỉ tết tiếp theo, tất cả BV, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ trực, không để rơi vào tình thế bị động trước mọi tình huống, bảo đảm cho nhân dân đón tết an vui.

Bài, ảnh: Minh Văn

 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Số ca nhập viện do tai nạn giao thông ngày tết giảm
Số ca nhập viện do tai nạn giao thông ngày tết giảm

Chiều 30/1, Bệnh viện Trung ương Huế (BVTW Huế) cho biết, qua thống kê, đợt nghỉ tết vừa qua có 241 ca tai nạn giao thông phải nhập viện cấp cứu, điều trị; trong đó có 1 ca tử vong. Ngoài ra còn có 29 ca tai nạn do đánh nhau.

Lưu giữ nét đẹp truyền thống ngày tết
Lưu giữ nét đẹp truyền thống ngày tết

Sau hai năm bị gián đoạn bởi dịch bệnh, các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống được tổ chức, góp phần xây dựng điểm đến “đậm đặc” về văn hóa cho vùng đất Cố đô.