Thứ Sáu, 12/07/2019 13:29

Dai dẳng nạn săn bắt chim trời, động vật hoang dã

Dù đã có nhiều quy định, biện pháp về truyền thông, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm nhưng trên thực tế, hành vi săn bắt chim trời, động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh vẫn âm ỉ diễn ra với nhiều vụ việc được phát hiện.

Phát hiện nhóm người lén lút săn bắt chim trời tại Hương TràBáo động nạn săn bắt chim hoang dã!

Lực lượng kiểm lâm huyện Phú Lộc trong một lần tháo gỡ và tiêu hủy bẫy chim, cò ở một cánh đồng thuộc thị trấn Lăng Cô. Ảnh: FB CCKL tỉnh

Tiếp tục bị xâm hại

Mới đây nhất, ngày 31/12/2021, hai trường hợp sử dụng súng để săn bắt trái phép tại huyện Quảng Điền đã bị lực lượng chức năng phát hiện. Hai đối tượng (một trú tại xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền; một trú tại phường Tứ Hạ, TX. Hương Trà) khai nhận đã đặt mua 2 khẩu súng trên mạng và thường xuyên dùng thuyền đi dọc các bờ sông thuộc huyện Quảng Điền để săn bắt động vật.

Cách đây hơn 5 tháng, 6 đối tượng săn bắt, vận chuyển động vật hoang dã cũng đã bị Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã phối hợp với Công an huyện Nam Đông phát hiện, xử lý. Quá trình kiểm ra, bắt giữ 6 đối tượng, đã thu giữ nhiều tang vật như súng tự chế, rựa, đèn pin và 6 đầu linh trưởng, 2 thân hình linh trưởng, 2 con chồn bay và 1 con chồn hương, đều là động vật hoang dã.

Nạn săn bắt động vật rừng cũng diễn tiến âm ỷ tại khu vực rừng phòng hộ Bắc Hải Vân. Với hệ tài nguyên, sinh thái rừng phong phú, đa dạng có nhiều loài động, thực vật quý hiếm, rừng phòng hộ Bắc Hải Vân trở thành “điểm nóng” về tình trạng săn bắt động vật rừng trái phép. Ngoài một số vụ việc, đối tượng săn bắt được phát hiện, xử lý, trong năm 2021, trong các đợt cao điểm tuần tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục, thậm chí hàng trăm chiếc bẫy săn bắt được lâm tặc cài đặt để săn bắt thú hoang trái phép.

Trước tình trạng săn bắt chim trời diễn ra ồ ạt tại một số địa phương, ngày 26/10/2021, UBND TP. Huế đã ban hành văn bản yêu cầu tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim trời trên địa bàn thành phố. Theo đó, yêu cầu UBND các xã, phường, thủ trưởng các phòng, ban chuyên môn thuộc thành phố tích cực tuyên truyền, vận động và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng, các loài chim trời trái quy định. UBND TP. Huế cũng chỉ đạo tăng cường các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy các loài chim trời; tổ chức triển khai cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết về việc không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo các loài chim trời.

Trước đó, năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành công văn hướng dẫn xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, bao gồm các loài chim trời. Trong đó, mức xử phạt cao nhất là hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật, có mức phạt rất cao, từ 5 triệu đồng đến 400 triệu đồng. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành chỉ thị nghiêm cấm việc cán bộ, công chức, viên chức các địa phương; tổ chức, đơn vị sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng, chim trời.

Cần biện pháp mạnh hơn đối với người sử dụng sản phẩm

Điều nhiều người băn khoăn là vì sao, nạn săn bắt động vật hoang dã vẫn tái diễn, dù đã có nhiều quy định cụ thể về chế tài, xử lý; công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm cũng được cơ quan chức năng thường xuyên triển khai thực hiện? Trên các phương tiện thông tin, vẫn nhức nhối với các bài viết như “Thú rừng lại kêu cứu” hay “Tiếng kêu cứu của chim trời”...

Thực tế là trong năm 2021, thời điểm mùa chim di cư tìm nơi trú đông và sinh sản, nạn tận diệt chim trời lại rộ lên tại các cánh đồng ở huyện Phú Lộc, Quảng Điền, Phú Vang..., dù năm nào, lực lượng chức năng cũng tổ chức tuyên truyền, vận động, ra quân xử lý vi phạm. Trong khi đó, theo người dân địa phương, nạn săn bắt  chim trời bừa bãi đang làm cạn kiệt nhiều giống chim quý, đặc hữu ở Thừa Thiên Huế.

Ngoài tăng cường công tác truyền thông và xử lý nghiêm hành vi săn bắt, mua bán, vận chuyển, nhiều ý kiến cho rằng, nên có biện pháp “mạnh tay hơn” đối với người sử dụng sản phẩm từ động vật rừng, chim trời. Một khi còn nhiều người ưa chuộng sử dụng thịt động vật hoang dã, một khi quản lý bị buông lỏng, đầu ra rộng mở thì tất yếu nạn săn bắt, mua bán động vật rừng vẫn tiếp diễn.

Để hạn chế nhu cầu sử dụng, cùng với việc nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức; các tổ chức, đơn vị sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng, chim trời cần quy định rõ việc xử lý vi phạm. Ví dụ nêu tên cán bộ, công chức, viên chức, đơn vị, tổ chức... sử dụng; đưa tiêu chí không sử dụng thịt động vật rừng, chim trời vào quy chế, quy ước của các cơ quan, đơn vị, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa... xem đây là một trong những tiêu chí xét, bình bầu thi đua cuối năm...

Một khi xã hội có nhiều người sợ, ngại, không dám sử dụng sản phẩm từ động vật rừng, chim trời thì sẽ góp phần hạn chế, triệt tiêu dần nạn săn bắt chim trời, động vật rừng đang là vấn đề xã hội nhức nhối, gây khó khăn cho lực lượng bảo vệ, quản lý rừng; làm mất cân bằng sinh thái, thậm chí ảnh hưởng đến an ninh xã hội khi thực tế cho thấy, hành vi săn bắt động vật rừng của lâm tặc có nơi, có khi rất tinh vi và manh động.

Nhật Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội cho đàn voi
Cơ hội cho đàn voi

Những khi nghe voi rừng“nổi điên” kéo về quấy rầy con người ở nơi này nơi khác, tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng là bởi ít ra vẫn đang tồn tại một vài đàn voi trong môi trường tự nhiên, còn lo là lo nhỡ có nhóm người nào đó “nổi điên” lại thì voi cũng… chết.