Tặng vở cho học sinh Trường THCS Lộc An sau trận lũ
Những trận lụt liên tiếp trong tháng 10 năm nay với mực nước xấp xỉ cán mốc lũ lịch sử 1999, có đến trên 50% trường học ở các vùng thấp trũng, như Hương Trà, Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền... nước ngập sâu vào phòng học hơn 1m, nước vào tận cửa sổ, bùn non bám dày đặc.
Tuy nhiên, nhiều trường ở vùng thấp trũng đã chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Trên facebook các trường “báo cáo nhanh” tình hình của trường mình mới thấy nỗi vất vả của giáo viên vùng trũng khi trường học bị nước bao vây. Phần lớn các trường đều kịp thời vận chuyển máy móc, sách vở của học trò lên tầng cao. Ông Nguyễn Bá Nhân, Hiệu trưởng Trường THCS Phong Bình (Phong Điền) cho hay, do mưa lớn nhiều tuần khiến toàn bộ khuôn viên và tầng 1 của trường bị ngập sâu trong nước. Sợ bàn ghế hư hỏng do ngâm nước lâu ngày, giáo viên đã đưa lên dãy nhà cao tầng nằm trong khuôn viên trường nên không bị thiệt hại về tài sản.
Dù các trường đã nỗ lực vận chuyển các thiết bị máy tính, học liệu, hồ sơ lưu trữ… thiết bị lên tầng cao nhưng toàn tỉnh vẫn còn trên 280 phòng học ở các cấp học xuống cấp. Nhiều trường do còn nhà cấp 4; mặt khác do nước dâng cao và ngâm nhiều ngày nên bàn ghế ở tầng 1 không thể di chuyển hết được nên thiệt hại khá nhiều.
Ông Phan Như Hoàng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TX. Hương Trà cho biết: Toàn thị xã có 58 trường, trong đó, hơn phân nửa là các trường ở vùng thấp trũng. Trường lớp ở Hương Trà đã đổi thay rất nhiều, tuy nhiên vẫn còn 15% phòng học chưa bán kiên cố, nhất là các trường mầm non, lực lượng giáo viên ít nên khó xoay xở khi nước lên nhanh. Toàn thị xã có đến 10.702 học sinh bị ướt sách vở đồ dùng học tập.
Theo thống kê sơ bộ, đa số trường học trên địa bàn toàn tỉnh đều bị ngập lụt, trong đó nhiều trường ngập sâu trên 1 mét, do mưa lớn mái bị dột, hàng rào hư hỏng,... đã làm ướt sách vở, tài liệu, hư hỏng một số thiết bị dạy học, và nhiều thiết bị đồ chơi ngoài trời của các trường mầm non. Thiệt hại nặng nhất là các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và TP. Huế (các phường nội thành và vùng hạ nguồn sông Hương, sông Bồ). Số trường học bị ngập lụt ở thị xã Hương Trà là 65,07%; huyện Phong Điền 57,57%; huyện Phú Vang 54,21%;…
Tại các cơ sở mầm non, tiểu học, nhiều phòng học ẩm mốc, chăn gối, ly uống nước... ở các trường có bán trú đã bị hư hỏng, thất thoát. Để phòng dịch bệnh cho học sinh sau lũ, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, các trường không thu thêm khoản kinh phí nào từ phụ huynh để sắm sửa lại mà sẽ vận động các nguồn để hỗ trợ cho các trường trang cấp mới các vật dụng phục vụ bán trú.
Tại các vùng thấp trũng do nhiều nhà bị ngập sâu nên sách vở, áo quần của các em bị ngâm nước. Những chồng sách vở được phụ huynh cẩn thận gói vào bọc ni- lông để lên nóc tủ cao nhưng nước lũ vẫn ngập. Nhiều cuốn sách, cuốn tập bị ẩm ướt, trang giấy dính vào nhau lem nhòe mặt chữ. Nhiều học sinh đã tranh thủ phơi sấy kỹ để có thể dùng lại. Tuy nhiên ở những vùng thấp trũng, nhiều học sinh của trường bị hư hại sách vở, đồ dùng học tập do nước lũ, rất cần được trợ giúp trong đợt này. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có trên 26.000 học sinh bị ướt sách vở, đồ dùng học tập, ước tính thiệt hại gần 9 tỷ đồng; trong đó, tiểu học là gần 8.000 em, trung học cơ sở là 12.330 em và THPT 5.760 em.
Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đối với các trường bị ngập lụt, các phòng GD&ĐT trên cơ sở các nguồn cứu trợ tập trung trang bị các thiết bị thiết yếu như chăn gối, áo quần, sách vở, áo quần và dụng cụ học tập cho học sinh. Những hạng mục sửa chữa mang tính cấp thiết thì có kế hoạch đưa vào sửa chữa trong năm để tránh phân tán nguồn lực. Hiện, ngành giáo dục đang thành lập ban tiếp nhận trung gian để đưa về hỗ trợ cho các trường. Một số trường cho nghỉ học dài ngày, ngành giáo dục sẽ có kế hoạch cụ thể để đảm bảo chương trình khi các em đi học trở lại.
Sớm ổn định học tập cho học sinh vùng lũ là điều cần thiết, song đối với vùng lũ, vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh khắc phục hậu quả, ngành giáo dục vẫn đang bám sát tình hình để đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay lại trường.
Bài, ảnh: Huế Thu