Thứ Năm, 04/07/2019 10:07

Đàn gà cuối năm

Từ những chú gà nhỏ chút xíu chút xiu, lứa gà cuối năm lớn lên, đều đặn cho trứng để mạ tôi làm chả, làm bánh cho cháu con.

Ngay từ những ngày đầu hè, mạ tôi đã chắt chiu từng quả trứng để cho gà ấp nở. Với bà, việc dồn công dồn sức cho lứa gà cuối năm quan trọng chẳng kém gieo vạt cải, trồng đám dưa leo, dưa hấu ngoài đồng.

Chuẩn bị sẵn những chiếc ổ rơm xinh xắn, mạ lựa những con gà mái béo ú na ú nần đang đến mùa ấp. Mạ nói gà ấp chăm chỉ có khi quên ăn quên uống, nếu không lựa gà béo hẳn sau khi ấp xong, chúng có thể đuối đến mức chẳng chăm nổi đàn con. Chẳng những chăm chút ổ ấp thường xuyên, mạ tôi còn kỹ càng dõi theo những sự kiện nhật thực, nguyệt thực. Bởi bà tin rằng khi Mặt trời và Mặt trăng bị che khuất, lứa gà ấp sẽ hỏng hết.

Cứ vài ba ngày chị em tôi lại hóng những đợt thử trứng của mạ. Đổ đầy một thau nước, bà cho từng quả trứng vào. Trứng nào lúc lắc (theo cử động của gà con trong trứng) thì vội lấy ra, lau ráo và cho lại vào ổ. Trứng không lúc lắc mạ cũng lại cho vào, chỉ khi nào hết hy vọng, lắc trứng kêu òng ọc hoặc chờ hoài chẳng thấy chút động tĩnh nào, bà mới cho chị em tôi những cái trứng ung.

Đối với lũ con nít nghèo chúng tôi, trứng ung lúc ấy còn quý hơn cả vàng. Vì ngoài những cái trứng hỏng, đôi khi những cái trứng ung vẫn còn mùi vị thơm ngon như trứng gà chưa ấp. Giã một chén muối tiêu, hồi hộp bóc vỏ trứng đã luộc, chị em tôi hít hà, xuýt xoa vì nóng. Món ăn hiếm hoi ấy ngon hơn bất cứ đồng quà, tấm bánh nào mà lâu lâu mạ tôi lại mua mỗi bận đi chợ.

Thông thường sau 20 ngày, ổ trứng của mạ đã nở. Ngủ dậy vội vàng chưa kịp rửa mặt, nghe tiếp chiêm chiếp là chị em tôi đã chạy ù ra. Dưới đôi cánh xù lông bảo vệ đàn con và những cú mổ đau điếng của gà mẹ, chúng tôi thấy những cục bông vàng hươm, những chiếc mỏ ngọ nguậy.

Chỉ sau vài ngày, gà con cứng cáp, mạ chuyển chúng ra góc vườn. Gà con tóc tóc mổ tấm, bươi giun bươi đất, gà mẹ được bồi dưỡng cơm, cá, cỏ xanh. Những chú chó nhà tôi thấy gà con lạ cứ chạy đến ngửi ngửi, rồi khi đã quen hơi, chúng trở thành vệ sĩ đắc lực bảo vệ đàn gà khỏi rắn rết, diều hâu.

Từ hè sang đông, những chú gà con lứa ấy đã trở thành những con gà mái, gà trống chững chạc, đẹp mã. Mạ tôi chờ lứa trứng gà so, rồi những lứa trứng tiếp theo. Bà cất trứng vào tủ, dồn có khi hàng trăm cái để làm bánh, đổ chả trứng. Nhờ những cái trứng gà ngon lành ấy, mỗi bận tết về, nhà tôi lại nồng thơm mùi trứng chả, mùi bánh thuẫn ngọt ngào.

Nhớ làm sao lúc ngoài trời mưa bay lất phất, và cái lạnh xuýt xoa cóng từng ngón tay, đôi chân, chị em tôi lại quây quần bên lò bánh mà mạ đã nhóm. Vung khuôn bánh thuẫn được mở ra, làn hơi ấm và mùi thơm lừng của trứng, bột huỳnh tinh, của gừng tươi, rượu nếp ập vào mũi.

Giờ những ngày cuối đông đã cận kề. Đàn gà ấp nở vào mùa hè của mạ cũng đã cho những lứa trứng đầu tiên. Chúng tôi lại ngóng trông để được về với mạ, được hít hà mùi vị quen thuộc, cắn miếng bánh thuẫn nóng thơm vừa rời khỏi bếp mà thấy ấm cả bụng, mà thấy tết đã về trên chái bếp nhà mình.            

Mai Huế

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cây cầu ký ức
Cây cầu ký ức

Đôi khi nó lại hiện ra trong giấc mơ. Làn nước tận đáy xanh rong rêu, bầy cá bống lượn vòng tụ lại rồi tản ra. Vài ngọn bông bèo dập dờn, mưa đêm còn đọng trên lá.

Thằng Cứng
Thằng Cứng

Nhớ hồi tôi mới gặp thằng nhỏ cũng là lúc đương độ dịp tết. Phố thị không thiếu những đứa bé trạc tuổi nó cùng gia đình bươn chải, mưu sinh.

Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội
Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội

Tan giờ làm, mấy chị em rủ nhau đi ăn vặt, nạp thêm tý năng lượng cho cái bụng đói cồn cào, đang réo òng ọc. Loanh quanh một hồi cả nhóm ghé vào quán “bèo, nậm, lọc” nằm ở một góc đường Nguyễn Trãi (Huế), dưới tán cây xanh mát bên trong nội thành.

Chị tôi
Chị tôi

Chị tôi 63 tuổi, tốt nghiệp Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế). Tâm hồn thi vị và cuộc sống nhẹ nhàng.