Thứ Bảy, 27/01/2018 06:54

“Đánh thức” làng cổ

Có thể chưa khai thác hết tiềm năng, nhưng trước Festival Huế 2020, làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) như được “đánh thức”. Vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của một làng quê bên dòng Ô Lâu làm xao xuyến du khách thập phương.

Trải nghiệm ở Phiên chợ “Hương xưa làng cổ”Về Phước TíchĐặc sắc chợ quê hương xưa làng cổ Phước TíchMong có nghị quyết riêng cho làng cổ Phước Tích

Trình diễn đan đệm bàng Phò Trạch tại phiên “Chợ quê hương xưa làng cổ”

Nhắc đến Phước Tích người ta nghĩ ngay đến nhà rường và gốm, nhưng để làm gì khi lò gốm, lửa tàn lạnh theo thời gian; nhà rường chẳng có gì quý giá hơn sự hoài niệm. Nhiều nguyên nhân và cũng lắm “sự đổ lỗi” cho yếu tố khách quan lẫn chủ quan, đó là vị trí địa lý, nhân lực, kinh phí. Ở đó có nhiều lợi thế về quần thể nhà rường cổ, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, văn hoá Chăm Pa và xung quanh là cả một “quần thể” các làng nghề truyền thống của Thừa Thiên Huế. Nhưng sao? Những năm qua có quá nhiều tiếng thở dài…

Không ít lần chúng tôi ghé thăm làng cổ, thả bước trên những con đường hai bên là hàng chè tàu xanh ngắt. Sự cổ kính, trầm mặc của một làng quê tạo nên không gian yên bình. Yên bình ngay trong bước chân lẫn nụ cười đôn hậu của người dân.

Lần trở lại này, không gian vẫn vậy nhưng có gì đó khang khác. Làng cổ người đông hơn, chuyển động mạnh hơn. Hôm ấy, du khách đổ về làng vào một chiều hoàng hôn rất đẹp, bước chân họ “dồn” về phía đầm sen chừng 2ha trong lòng làng cổ.

Sen trắng – loại sen có nguồn gốc từ Hoàng Cung “bừng sáng” giữa ngôi làng 500 năm tuổi. Sự xuất hiện của loài hoa này ngay tại đây ngoài tạo ra yếu tố kinh tế còn có mục đích lớn hơn: Tạo nên cảnh quan tươi mới cho Phước Tích! Nó có hiệu ứng ngay lập tức khi gây nên sự bất ngờ cho những người sống cách làng cổ hàng chục cây số. Phó Giám đốc Ban quản lý Di tích kiến thúc nghệ thuật Làng cổ Phước Tích Đoàn Quyết Thắng bảo, đầm sen dẫu không là điểm nhấn của làng cổ nhưng nó làm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch ở đây. “Không chỉ sen mô nghe, làng cổ Phước Tích đã triển khai được nhiều loại dịch vụ như, tham quan nhà vườn, homestay, trải nghiệm làm bánh, làm gốm, đạp xe, đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả hoa đăng và tham quan du lịch”, ông Thắng khoe.

 “Làng cổ ngủ quên” – nhiều người ví von như vậy khi nhắc đến Phước Tích, nhưng những giá trị và lịch sử tại đây thì chắc hẳn chẳng ai quên dù thời gian có phủ bụi mờ. Có lần chúng tôi tận mắt được bà Hồ Thị Kiều, người phụ nữ ngoài 60 tuổi ở Phước Tích trình diễn lại thao tác làm bánh bông cây – loại bánh xuất xứ từ mâm bánh dâng cúng Thuận Thiên Cao hoàng hậu (vợ vua Gia Long) mới thấy được giá trị về con người, lịch sử tại vùng quê này. Bà Kiều là người còn lại làm được bánh bông cây và đang gìn giữ để truyền thống không bị mất đi. Nhiều lần bà còn phục vụ du khách muốn trải nghiệm. Không chỉ bánh bông cây, những món ăn đặc sắc như, bánh quai vạc, bánh phu thê, bánh ít đen, vả trộn bánh tráng tôm thịt; các loại chè, kẹo mít, xôi thập cẩm,… cũng được người dân tái hiện. Ngang đây thôi cũng đã thấy rằng “di sản” của Phước Tích không chỉ là danh lam, di tích mà còn ở con người!

Trong những chương trình Festival Huế đã từng diễn ra, làng cổ Phước Tích luôn được lựa chọn là điểm đến của du khách. Kỳ Festival Huế lần này dù chưa diễn ra nhưng Phước Tích đã chuyển động. Phiên “Chợ quê hương xưa làng cổ” khiến những bước chân của du khách hướng về Phước Tích. Không gian Hương xưa làng cổ đậm chất quê với mục đích gợi lại những truyền thống của dân tộc ngày xưa trong sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời quảng bá, giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống đặc trưng của huyện Phong Điền, đó là nghề gốm Phước Tích, điêu khắc Mỹ Xuyên, đệm bàng Phò Trạch, đan lưới Vân Trình… Đặc biệt, du khách sẽ còn được thưởng thức ẩm thực địa phương và mua sắm trải nghiệm các sản phẩm hữu cơ. Một phiên chợ có sự ảnh hưởng lớn đến việc “đánh thức” làng cổ, nhưng trên hết là thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Thực tế, dù là sản phẩm gì đi chăng nữa thì chủ thể vẫn là người dân.

Tại buổi ghé thăm làng cổ Phước Tích ngày 18/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thân thiện với môi trường tại làng cổ Phước Tích cần được liên kết với nông dân địa phương để nhân rộng và nâng cao giá trị các sản phẩm.

Bây giờ, đến Phước Tích tham quan thôi chưa đủ, còn có trải nghiệm và quà mang về mà đó là những đặc sản nông nghiệp có giá trị cao như trà sen, rượu sen, gốm,… Giá trị không chỉ là vật chất, ẩn sau đó cả tâm hồn của những con người. “Đánh thức” Phước Tích không đơn thuần “đánh thức” làng cổ, mà còn “đánh thức” cuộc sống của người dân!

Bài, ảnh: Lê Thọ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làng cổ vào tranh
Làng cổ vào tranh

Những ngôi nhà rường xưa cổ, xa xa có bến nước, cây thị cổ và lò gốm rực lửa của ngôi làng cổ Phước Tích khi lên tranh trở nên lung linh và thơ mộng. Từ đời thực cho đến khi trở thành tác phẩm hội họa, những khung cảnh ấy chất chứa rất nhiều cảm xúc, sự rung động của người cầm cọ về ngôi làng cổ thuộc vào hàng hiếm của Việt Nam.

Phước Tích qua góc nhìn của mỹ thuật tạo hình
Phước Tích qua góc nhìn của mỹ thuật tạo hình

Đó là chủ đề cuộc triển lãm vừa được Bảo tàng Mỹ thuật Huế giới thiệu đến người xem vào chiều 23/11 nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (17 Lê Lợi, TP. Huế).