Thứ Bảy, 02/11/2019 08:39

Đào tạo nghề gắn với nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học (NCKH), đồng thời tạo ra sản phẩm từ NCKH luôn là “át chủ bài” trong việc dạy và học, cũng như phục vụ đời sống, sản xuất. Đây là động lực để các trường nghề hăng say thực hành nghiên cứu, sáng tạo và cho ra ngày càng nhiều sản phẩm hữu ích cho xã hội.

Kỷ niệm 120 năm thành lập Trường cao đẳng Công nghiệpNguyễn Vũ Trọng Thi & món quà lưu niệm xứ Huế

Sinh viên vừa học nghề vừa tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học

Từ nhu cầu thực tiễn

Năm 2021, nhóm sinh viên thuộc Khoa Công nghệ hóa - Môi trường, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) thực hiện đề tài “Sản xuất son môi và phấn nụ từ nguyên liệu thiên nhiên”. Xuất phát từ nhu cầu làm đẹp của phái nữ và muốn đem lại cho người dùng sản phẩm an toàn cho sức khỏe, thân thiện, 4 bạn nữ: Mỹ Hà, Hồng Gấm, Nguyễn Thắm, Hoài Nhi đã cùng nhau khởi sự, vạch ra các ý tưởng thực hiện dự án này.

Từ vốn kiến thức tích lũy được trong quá trình học tập, kết hợp sự tìm tòi, sáng tạo, chọn lựa các loại nguyên liệu, sau thời gian kỳ công nghiên cứu, thử nghiệm, các bạn đã cho ra sản phẩm được nhiều người dùng thử nghiệm đánh giá cao. Đề tài này đem về cho nhóm nghiên cứu giải nhất tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp và sáng tạo khoa học kỹ thuật học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp HueIC” và lọt vào vòng bán kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh sinh viên giáo dục nghề nghiệp toàn quốc” năm 2021 với giải khuyến khích.

Sản phẩm son môi, phấn nụ làm từ nguyên liệu thiên nhiên của nhóm sinh viên HueIC được đánh giá có tính thực tiễn cao

Là ngôi trường có thế mạnh về kỹ thuật công nghiệp, công nghệ hóa, công nghệ thông tin..., khoảng hơn 10 năm nay, HueIC tập trung đẩy mạnh vào NCKH với nhiều hướng nghiên cứu khác nhau. Trong đó, nhà trường tập trung chú trọng vào 3 nhóm nghiên cứu chính: đề tài NCKH ứng dụng vào giảng dạy theo hình thức STEM; ứng dụng thực tế để làm mô hình học cụ giảng dạy liên ngành, liên môn; ưu tiên những nhóm đề tài có hơi hướng chuyển giao được công nghệ và có tính ứng dụng thực tiễn cao.

Cũng từ những hướng đi này, các hoạt động NCKH của trường thực sự trở thành phong trào thu hút sự tham gia của cán bộ, giảng viên và sinh viên. Những năm qua, giảng viên, sinh viên trường đã tham gia và chủ trì các đề tài nghiên cứu có quy mô cấp tỉnh, cấp bộ, mang lại giá trị thực tiễn cao. Trong đó, có đề tài cấp bộ “Nghiên cứu xử lý và chuyển hóa khí Sulfurơ trong khí thải công nghiệp luyện kim thành sản phẩm thương mại” do TS. Phạm Văn Quân làm chủ trì. Đề tài nhằm đưa ra định hướng cải tiến và áp dụng công nghệ mới trong xử lý triệt để SO2 và sử dụng SO2 trong khí thải vào mục đích thương mại.

Hay như dự án thiết kế và chế tạo máy thu hoạch rau má sử dụng năng lượng điện do TS. Nguyễn Hữu Chúc làm chủ trì là một trong những đề tài thiết thực trong công cuộc cơ giới hóa trong nông nghiệp.

Mô hình sản phẩm máy cắt rau má tự động được chuyển giao cho xã Quảng Thọ (Quảng Điền)

Máy sấy nông sản do nhóm nghiên cứu của Khoa Công nghệ hóa - Môi trường, Khoa Công nghệ nhiệt và Khoa Cơ khí cũng đem lại dấu ấn cho nhà trường trong hành trình thực hiện mục tiêu vừa đào tạo vừa nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm có tính thương mại hóa, ứng dụng vào thực tiễn. Sản phẩm máy cắt rau má tự động đã được nhà trường chuyển giao cho HTX nông nghiệp của xã Quảng Thọ (Quảng Điền) và máy sấy nông sản được chuyển giao cho một công ty kinh doanh chế biến nông sản ở Quảng Trị và công ty chế biến thủy sản đóng trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra còn nhiều đề tài NCKH cấp bộ, như: “Quản lý bảo mật hệ thống tòa nhà” do TS. Nguyễn Hữu Chúc làm chủ nhiệm đã được chuyển giao cho Bộ Công thương đang sử dụng; “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo bộ điều khiển cho dòng máy may NT67 trên nền tảng công nghệ FPGA”; “Nghiên cứu chế tạo vật liệu Hydroxit lóp kép trên nền vật liệu carbon siêu xốp làm xúc tác cho phản ứng xử lý khí thải độc hại cho lò hấp, lò nung tại Huế và các tỉnh lân cận” và những đề tài, dự án cấp tỉnh, cấp cơ sở... mang tính ứng dụng cao trong giảng dạy và thực tiễn, cũng như đáp ứng đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19, HueIC là một trong số ít trường đi đầu trong việc nghiên cứu và sản xuất nước rửa tay kháng khuẩn kết hợp với dung dịch nano. Chương trình nước rửa tay chống COVID-19 đã thu hút được sự đồng hành của nhiều tổ chức như GIZ (Đức), Hội Khuyến học, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để cung cấp nước rửa tay cho người dân, học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh.

Kích thích nghiên cứu, sáng tạo

Khoảng 2 năm trở lại đây, HueIC tập trung vào nhóm NCKH ứng dụng vào giảng dạy theo hình thức STEM. Tức là học viên vừa học, giáo viên vừa dạy vừa làm đề tài NCKH theo hình thức “vừa học vừa chơi”, nhưng yêu cầu phải có sản phẩm. Đối với những đề tài theo dạng STEM, nhà trường yêu cầu sau khi kết thúc đề tài phải có mô hình học cụ để các lớp, khóa sau có thể ứng dụng vào học tập, hoặc tạo ra sản phẩm dự thi. Với hướng nghiên cứu này, đề tài “Sản xuất son môi và phấn nụ từ nguyên liệu thiên nhiên” là một ví dụ điển hình. Ngoài ra, trung bình mỗi năm, nhà trường có khoảng 10 đề tài NCKH dạng STEM.

Đối với nhóm NCKH ứng dụng thực tế để làm mô hình học cụ giảng dạy liên ngành, liên môn cũng được nhà trường khuyến khích các thầy, cô ở các khoa cùng phối hợp và tạo điều kiện cho các bạn sinh viên năm cuối kết hợp làm khóa luận tốt nghiệp theo hình thức nhóm để nghiên cứu ra sản phẩm.

Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Huế - Trần Hữu Châu Giang cho hay, nhà trường luôn dành kinh phí đầu tư cho các hoạt động NCKH như cấp kinh phí cho đề tài cấp trường dành cho giảng viên, sinh viên, các sáng kiến kinh nghiệm, các nhóm nghiên cứu...

Để bắt kịp thời xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, HueIC đã mạnh dạn đề xuất phát triển nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào việc dạy và học, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, ứng dụng mang tính đi tắt đón đầu. Điển hình là dự án phục vụ công nghiệp hỗ trợ “Hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm vi mạch phục vụ cho việc sản xuất vi mạch Việt Nam”. Kết quả của đề tài được ứng dụng vào công nghệ vi mạch trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ may tự động. Nhà trường còn thiết lập mối quan hệ với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để nắm bắt nhu cầu chuyển giao khoa học công nghệ trong một số lĩnh vực để hoạt động NCKH của nhà trường phát triển theo hướng chú trọng hiệu quả, đề cao ứng dụng vào thực tế, nhất là đáp ứng nhu cầu sản xuất, cải tiến công nghệ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hoạt động nghiên cứu và giảng dạy tại các trường nghề nói chung và tại HueIC nói riêng giúp phát huy hiệu quả trí tuệ tập thể, hướng đến mục tiêu phát triển các NCKH và ứng dụng vào thực tiễn. Hoạt động này còn có ý nghĩa rất lớn trong việc hình thành tư duy nghiên cứu, giảng dạy sát với thị trường. Đây cũng là điều kiện giúp sinh viên tham gia nghiên cứu để củng cố, tổng hợp và phát huy các kiến thức đã học, hình thành kỹ năng làm việc, nghiên cứu khoa học độc lập, đáp ứng thị trường lao động đang đòi hỏi về tay nghề, kỹ năng và sáng tạo.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhóm tác giả Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh
Nhóm tác giả Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh

Lần đầu tiên, một cụm công trình của Trường đại học (ĐH) Y - Dược, ĐH Huế và của ĐH Huế đón nhận giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam, cũng là cụm công trình đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực Miền Trung - Tây Nguyên được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

“Điều trị”, quản lý bệnh hại sắn
“Điều trị”, quản lý bệnh hại sắn

Một đề tài nghiên cứu KH&CN từ ngân sách tỉnh giao nhóm chuyên gia Trường ĐHNL Huế nhằm quản lý bệnh hại tổng hợp, hạn chế gây hại của khảm lá sắn.

Tạo dấu ấn từ đào tạo đến nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ
Tạo dấu ấn từ đào tạo đến nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ

55 năm qua, Trường đại học (ĐH) Nông Lâm, ĐH Huế liên tục gặt hái nhiều thành tựu, thực hiện tốt sứ mạng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học - công nghệ (KHCN) tiên tiến, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn cho miền Trung, Tây Nguyên và cả nước theo hướng hội nhập và phát triển.