Thứ Ba, 03/01/2017 15:02

Đào tạo nhân lực CNTT phục vụ tại chỗ: Khó đầu vào lẫn đầu ra

Có cơ chế đặc thù song việc đào tạo và giữ nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ cho tỉnh còn khó về cả thu hút đầu vào và “giữ chân” đầu ra.

70% cử nhân công nghệ thông tin phải đào tạo lại

Giờ học của sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế

Thiếu doanh nghiệp lớn

Một số lần gặp, trò chuyện với sinh viên (SV) Huế với mong muốn gắn kết nhân lực cho các doanh nghiệp (DN) CNTT trên địa bàn tỉnh, song anh Lê Vĩnh Chiến, Giám đốc Trung tâm CNTT tỉnh, Chủ tịch Hội Công nghiệp phần mềm tỉnh chỉ nhận được cái lắc đầu của người học. Anh Chiến kể, SV bảo học xong đi các thành phố lớn tìm việc, chỉ những người có lý do mới ở lại Huế. Với các DN CNTT trong tỉnh, việc thu hút các em giỏi “đầu quân” không dễ.

Thiếu nhân lực chất lượng về CNTT xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, Huế có nhiều cơ sở đào tạo về CNTT ở ĐH Huế và Trường ĐH Phú Xuân nên việc khó giữ được người tài là điều khó hiểu. Lý giải vấn đề này theo Văn Thắng, cựu SV ĐH Huế là xuất phát từ thu nhập. Trong khi mức lương đối với SV mới ra trường tại Huế khoảng 3 – 6 triệu đồng thì nhiều DN ngoại tỉnh “chào mời” với mức lương gấp đôi.

“Theo khảo sát, có khoảng gần 40% - 45% SV Huế học tại Huế nhưng số người ở lại Huế làm việc rất thấp, nhất là ngành CNTT. Mỗi năm, các DN tại Huế chỉ tuyển một vài em nên ảnh hưởng tâm lý người học. Mới đây, Công ty 3S vào Huế với hướng mở chi nhánh tại Huế. Họ đặt vấn đề về nguồn nhân lực vài trăm em mỗi năm, để đáp ứng là vấn đề trăn trở bởi người học đã quen với việc ra trường là tìm “bến đỗ” mới”, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế trăn trở.

Vấn đề nhân lực có thể cải thiện bởi ngành CNTT đã được Chính phủ, Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo cơ chế đặc thù giống các ngành du lịch. Song trái với ngành du lịch hiện đang thu hút tốt thí sinh thì đầu vào của ngành CNTT không quá hấp dẫn, nhất là những thí sinh có kết quả học giỏi. Nguyễn Quang Tuấn, thí sinh vừa thi THPT Quốc gia 2019 thừa nhận, lý do không lựa chọn học CNTT tại Huế vì thiếu DN lớn, đồng nghĩa môi trường thực tập và việc làm sau khi ra trường không hấp dẫn.

Cũng theo anh Chiến, nhiều lần mời các DN CNTT về Huế nhưng các DN còn do dự vì Huế thiếu nguồn nhân lực. TS. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân cho rằng, chỉ khi tạo được niềm tin cho người học và cả DN, bài toán đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho địa phương mới làm được.

Triển khai nhiều giải pháp

Cơ chế đặc thù được xem là lợi thế trong việc đào tạo nguồn nhân lực, bởi theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, cơ chế này cho phép đào tạo gắn kết với DN và số lượng tuyển sinh có thể gấp 2 - 3 lần so với đào tạo truyền thống. Song, bài toán đặt ra là đội ngũ cán bộ đào tạo và cơ sở vật chất có thực sự đáp ứng. Cái khó là nguồn đội ngũ cán bộ mới chỉ đáp ứng số lượng SV như hiện tại, để mở rộng quy mô đào tạo và tăng cán bộ còn nhiều vấn đề phức tạp. Riêng cơ sở vật chất, để đào tạo CNTT tốt cần đầu tư phòng máy, trang thiết bị hiện đại.

Hai cái khó trên có thể từng bước tháo gỡ, bởi khi đào tạo cơ chế đặc thù, có thể dựa vào DN. Ngoài ra, khi đầu vào ổn định, việc tạo cơ chế nhân lực không phải quá khó. Hiện, không chỉ Khoa CNTT của Trường ĐH Khoa học mà ngay Khoa Tin học, Trường ĐH Sư phạm vẫn có thể phối hợp để nâng số lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra, ĐH Huế đã mở hình thức đào tạo song bằng để SV có thể tiếp cận cơ hội học thêm ngành, trong đó có cả CNTT. Riêng về cơ sở vật chất, Trung tâm CNTT tỉnh và một số DN đã đồng ý hỗ trợ, có thể tranh thủ tận dụng nguồn lực, song ĐH Huế và các cơ sở đào tạo cần đầu tư, dồn lực cho đơn vị chuyên môn đào tạo mạnh hơn.

Theo anh Chiến, Huế có khoảng 130 doanh nghiệp về CNTT, trong đó có 40 DN chuyên về phần mềm nhưng quy mô không lớn nên khó cạnh tranh về lương và chính sách hỗ trợ người học. Giải pháp khả thi là có thể hỗ trợ chi phí đào tạo (dạng cho mượn sau trừ dần lương) để gắn kết, ràng buộc SV, đồng thời cần có hướng gắn kết chặt chẽ hơn với đơn vị đào tạo. “Tỉnh đang nghiên cứu chính sách về nguồn quỹ vay vốn cho SV học CNTT, đây là giải pháp khả thi. Trong vấn đề hỗ trợ thực tập, Hội Công nghiệp phần mềm tỉnh sẽ phối hợp các DN để tạo điều kiện thuận lợi cho người học”, anh Chiến nhấn mạnh.

Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, ngoài nỗ lực về giải pháp đào tạo, rất cần tỉnh và các cơ quan chức năng “kéo” nhiều DN CNTT về Huế để tạo việc làm, hấp dẫn người học. Đây là điểm mấu chốt cần giải quyết sớm từ cấp chính quyền, giảm áp lực cho thế hệ trí thức trẻ và sự dịch chuyển quá lớn nguồn nhân lực trình độ cao vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà không ở lại với khu kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó có tỉnh nhà.

Theo đại diện Trung tâm CNTT tỉnh, để tạo môi trường sôi động hơn, các DN tại Huế có thể phối hợp bàn chiến lược để cùng nhau phát triển. Ngoài ra, các DN có thể tham gia quảng bá, giới thiệu để người học hiểu hơn và lựa chọn ngành CNTT để học tập và làm việc sau khi ra trường.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.

Bổ sung đầy đủ nhân lực, vật tư đẩy nhanh tiến độ công trình
Bổ sung đầy đủ nhân lực, vật tư đẩy nhanh tiến độ công trình

Dự án Chương trình phát triển đô thị loại II (đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên Huế là dự án (DA) có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược trong việc giải quyết tình trạng ngập lụt, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, nhiều gói thầu hiện nay đang ì ạch thi công do thiếu mặt bằng, nhân lực dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ công trình.

Đào tạo kiến thức chăn nuôi lợn cho người mù và khuyết tật
Đào tạo kiến thức chăn nuôi lợn cho người mù và khuyết tật

Ngày 17/2, Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người mù thuộc Hội người mù tỉnh phối hợp với Ban chấp hành Hội người mù huyện Phong Điền tổ chức lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn cho 15 học viên là người mù và người khuyết tật.

Đa dạng chương trình đào tạo, đáp ứng chuẩn đầu ra
Đa dạng chương trình đào tạo, đáp ứng chuẩn đầu ra

Với nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và chuẩn đầu ra, đặc biệt là đa dạng các chương trình đào tạo, Trường đại học (ĐH) Kinh tế, ĐH Huế đã và đang kịp thời cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu của xã hội.