Chủ Nhật, 02/10/2016 06:45

Đặt bẫy rác - cách giảm tải ô nhiễm trên sông

Ô nhiễm do các loại rác thải, trong đó có rác nhựa, ni lông khó phân hủy trôi nổi trên các nguồn nước như sông, kênh, hói... đang ngày càng nghiêm trọng. Đặt bẫy thu gom rác trên sông Hương là giải pháp dễ thực hiện, đem lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí, công lao động...

Xả rác ra môi trường, ý thức người dân

Áp lực thu gom rác trên sông ngày càng tăng

Gánh nặng rác sông

Theo đại diện Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (MTĐT), việc gom rác trên sông rất nặng nhọc, tốn chi phí và công lao động gấp ba, bốn lần so với thu gom rác trên bộ. Những năm qua, lượng rác trên các sông, nhánh sông ngày càng gia tăng, nhất là gần những khu vực có họp chợ, kinh doanh mua bán.

Mỗi ngày, toàn tỉnh phát sinh khoảng 550 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, rác thải nhựa và kim loại khó phân hủy chiếm hơn 20% tổng lượng rác phát sinh.

Riêng khu vực TP. Huế phát sinh mỗi ngày khoảng 260 tấn rác sinh hoạt, trong đó rác nhựa và túi ni lông chiếm gần 8%. Trung bình mỗi ngày, chỉ riêng TP. Huế phát sinh gần 20 tấn chất thải nhựa và một trong số đó được thải xuống các dòng sông, kênh, hói, ra dòng sông Hương và trực tiếp hướng về biển.

Hiện nay, việc gom rác trên sông chỉ có địa bàn TP. Huế thực hiện thường xuyên và giao Công ty MTĐT đảm trách. Trong đó, các sông được thu gom rác thải gồm: sông Hương, Đông Ba, An Cựu, Như Ý, Bạch Yến, Kẻ Vạn, Ngự Hà, hói Phát Lát.

Việc người dân còn tùy tiện xả rác xuống sông, nhất là rác thải nhựa nếu không được thu gom triệt để sẽ gây ô nhiễm nguồn nước

Mặc dù mạng lưới thu gom rác trên các sông, hói trên địa bàn TP. Huế được thực hiện với tần suất trung bình 2 lần/tuần, nhất là ở các đoạn trung tâm của thành phố như điểm đầu từ cầu Trường Tiền đến Bia Quốc Học, Đập Đá đến Bạch Hổ (sông Hương), cầu Ga đến cầu An Tây và dọc đường Hải Triều (sông An Cựu)..., nhưng do một bộ phận dân cư thiếu ý thức còn ngang nhiên xả rác trực tiếp xuống sông, kênh mương, nên lượng rác trôi nổi ở các nguồn nước còn khá lớn.

Trong khi đó, phạm vi vớt rác của Công ty MTĐT không thể quán xuyến được hết bề rộng mặt sông và các địa phương khác không tổ chức vớt rác thường xuyên trên các đoạn sông chảy qua địa bàn, nên ngoài một số bị mắc kẹt dọc các cầu cống, lượng lớn khác trôi dạt về đầm phá, ra biển.

Giải pháp ngăn rác trôi nổi

Chỉ trong phạm vi gia đình, hầu như nhà nào cũng đều bố trí tấm chắn rác tại mỗi điểm thoát nước, giúp gom tất cả các loại rác lớn bé, tránh ứ tắc đường ống. Hình dung ở phạm vi nguồn nước lớn hơn, được ví như những bể chứa rác di động hằng ngày như sông Hương hay những nhánh sông khác, nếu được đặt những bẫy rác để thu gom rác trôi nổi trên sông sẽ là giải pháp hữu hiệu và bền vững cho môi trường, nhất là gom được rác nhựa, rác ni lông ngày càng gia tăng.

Để mô hình bẫy rác được áp dụng hiệu quả vào thực tế, CSRD đã tiến hành khảo sát thực tế và lựa chọn 6 điểm phù hợp để khuyến nghị cơ quan chức năng đặt bẫy rác trên sông Hương; gồm: ngã ba Bao Vinh, cầu Phú Mỹ, Chi Lăng - Trịnh Công Sơn, Nguyễn Sinh Cung, cầu Phú Lưu (qua Cồn Hến), sông An Cựu (đoạn đường Hải Triều).

Theo giới thiệu mô hình bẫy rác và cách vận hành để quản lý chất thải rắn trên sông và ở cửa biển của chuyên gia Úc tại một hội thảo liên quan do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội (CSRD) tổ chức, hiện ở Việt Nam chưa áp dụng mô hình bẫy rác, nhưng qua phân tích, mô hình này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng để gom rác trên sông và cửa biển với hiệu quả đem lại khá cao. Nhất là trong giai đoạn chất thải dẻo, rác nhựa đổ ra các đại dương đang trở thành vấn nạn đe dọa môi trường sống toàn cầu.

Bẫy rác có nhiều dạng: cố định hoặc di động, tay dài hay tay ngắn, có khóa an toàn chống trộm, có GPS định vị, kích thước chứa rác từ 3-6 m2 tùy theo đặc điểm từng khu vực về lượng rác trên bề mặt, mực nước, tốc độ dòng chảy và mức ảnh hưởng của thủy triều... Kinh phí mỗi bẫy rác từ 25- 40 nghìn USD, có tuổi thọ sử dụng trên 15 năm. Ngoài ra, còn có mô hình hàng rào nổi để bẫy rác có khối lượng lớn và phân tán rộng.

Hệ thống sông Hương chảy qua TP. Huế và nhiều khu đô thị, dân cư tập trung đông đúc. Bất kỳ chất thải nào từ thành phố và các địa phương đều đổ vào hệ thống sông này và sau đó chảy về đầm phá, ra biển chỉ cách đó 15-20km.

Theo CSRD điều tra khảo sát, biện pháp đặt bẫy rác trên sông tại những vị trí hợp lý sẽ giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm chất dẻo ở nhiều đoạn sông và ven đầm phá, ven biển. Giải pháp này nếu được thực hiện sẽ giảm được chi phí, công sức cho hoạt động thu gom rác trên sông bằng biện pháp thủ công như hiện nay.

Bài, ảnh: Hoài Thương

  Ý kiến bình luận