Thứ Năm, 23/05/2019 17:16

Dấu tích văn hóa Champa: Nét độc đáo trên vùng đất Thừa Thiên Huế

Văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế với hệ thống các di tích và hiện vật còn lại đã phản ánh rõ nét về một giai đoạn lịch sử phát triển lâu đời, những giá trị đó là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên một diện mạo vùng văn hóa đa dạng, đặc sắc.

Phát huy giá trị hiện vật ChampaThủy Lương – nơi lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa Champa

Bệ thờ Vân Trạch Hòa, Bảo vật quốc gia trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế

Từ những nghiên cứu về văn hóa Champa

Từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên, khu vực miền Trung hiện nay xuất hiện nhiều tiểu vương quốc, trong đó có Lâm Ấp - Champa (vùng Bắc Trung Bộ ngày nay). Sự ra đời này được xem như là quá trình hội tụ và phát triển của văn hóa tiền - sơ sử Việt Nam mà trực tiếp là văn hóa Sa Huỳnh trên dải đất miền Trung. Thừa Thiên Huế là không gian một phần lãnh thổ vương quốc Champa trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ thứ I đầu thế kỷ thứ II đến cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV, ở đây đã hình thành nên một di sản văn hóa đồ sộ và tinh tế.

Từ năm 1306 vùng đất châu Ô, châu Lý được nhập vào lãnh thổ Đại Việt, sự có mặt của người Việt ở vùng đất này đã tạo tiền đề cho văn hóa Đại Việt ảnh hưởng mạnh hơn về phương Nam. Người Việt khi đến sinh sống, định cư ở vùng đất mới đã có lối sống ứng xử khôn khéo tôn trọng, kế thừa và phát huy các thành tựu văn hóa mà cư dân Champa để lại như Giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhận định: “Một bản sắc địa văn hóa được người Việt kế thừa từ người Chăm”.

Nghiên cứu các giá trị văn hóa Champa giai đoạn trước thế kỷ XIX nhiều sử gia đã đề cập về một số địa điểm cụ thể, thể hiện trong Ô Châu cận lục (năm 1555) của Dương Văn An, Phủ biên tạp lục (năm 1776) của Lê Quý Đôn, trong các tác phẩm này đã mô tả những tháp cổ trên đỉnh Quy Sơn ở huyện Tư Vinh (huyện Phú Vinh - Phú Vang) nay là tháp Linh Thái (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc), Thành Hóa Châu ở huyện Đan Điền (nay là xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) …

Dưới thời các vua Nguyễn, các nhà chép sử của Quốc sử quán bên cạnh đề cập đến các di tích về Champa mà các tác phẩm trước đã nêu đồng thời cũng đã nêu thêm về địa điểm Thành Lồi: “ở xã Nguyệt Biều, huyện Hương Thủy có thành cũ Chiêm Thành. Tương truyền chúa Chiêm Thành ở đây gọi là thành Phật Thệ, tục gọi Thành Lồi, khoảng đời Minh Mạng lập miếu ở đây để thờ”.

Dưới thời Pháp thuộc, nhiều học giả người Pháp đã đi sâu nghiên cứu, phát hiện các di tích, di vật Champa ở vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế như các di tích: Tháp ở Đại Hữu (Quảng Ninh), Mỹ Đức (Lệ Thủy), Khu mộ vò ở Khương Hà (Bố Trạch) của tỉnh Quảng Bình, Tháp Hà Trung (Gio Linh), Thuận Châu (Triệu Phong) của tỉnh Quảng Trị; các đền tháp ở Ưu Điềm, Mỹ Xuyên (Phong Điền), Xuân Hòa (Thừa Thiên Huế)… Các nhà khoa học thường công bố các kết quả nghiên cứu trên Tập san Hội nghiên cứu Đông Dương (B.S.E.I), Tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ (B.E.F.EO), Tập san Hội Đô Thành Hiếu Cổ (B.A.V.H) là các tác giả: L.Cadière, E.Gras, P.H Parmentier, J.Y Claeys …

Năm 1927, dựa trên những hiện vật sưu tầm được Hội Đô Thành Hiếu Cổ đã tổ chức một khu vực để trưng bày gọi là Khu cổ vật Chăm (Section des Antiquite’s Cham) ngay trong Bảo tàng Khải Định (thành lập năm 1923, nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế).

Từ sau ngày đất nước thống nhất (1975), nhiều hoạt động nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam, Đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế), Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế… được triển khai, trong đó có nhiều phát hiện di tích mới như: Vân Trạch Hòa, Đức Nhuận, Liễu Cốc, Cồn Tháp, Tháp Phú Diên (tên gọi Mỹ Khánh trước đây) …

Từ năm 2014 - 2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế) phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam tiến hành lập Quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn tỉnh, trong đó đã tiến hành khảo sát thống kê, lập bản đồ, hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là các dấu tích văn hóa Champa để lập kế hoạch bảo vệ lâu dài.

Đến những dấu tích, hiện vật được phát hiện, sưu tầm

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, qua khảo sát thống kê có 44 dấu tích công trình liên quan đến văn hóa Champa, trong số này có 17 đền, tháp; 3 thành lũy và nhiều công trình như mộ, bia giếng cổ…

Hiện tại đã có 3 địa điểm được công nhận xếp hạng là di tích quốc gia gồm: Tháp đôi Liễu Cốc thuộc phường Hương Xuân, (thị xã Hương Trà); tháp Phú Diên (trước đây gọi là Tháp Mỹ Khánh, thuộc xã Phú Diên, huyện Phú Vang) và Thành Lồi thuộc phường Thủy Biều và phường Thủy Xuân (thành phố Huế).

Sự tồn tại các dấu tích Champa thể hiện ở các hệ thống công trình xây dựng như: Thành Lũy: Thường lợi dụng những vị trí xung yếu núi đồi, sông ngòi, đầm phá để xây dựng đảm bảo tính phòng thủ lâu dài như Thành Lồi, Thành Phú Ốc, Thành Hóa Châu… 

Về hệ thống hiện vật đang lưu giữ ở Thừa Thiên Huế gồm có, nhóm hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế, với số lượng 110 hiện vật. Các hiện vật ở đây được tập hợp từ các cuộc khai quật khảo cổ, các đợt do bảo tàng sưu tầm và qua các đợt nhân dân tự nguyện đóng góp, bao gồm các loại hình: Đồ dùng sinh hoạt (30 hiện vật); vật kiến trúc tôn giáo (50 hiện vật); hiện vật sử dụng trong trang trí (18 hiện vật); hiện vật thờ tự (12 hiện vật). Trong số này có hiện vật đặc biệt giá trị như Bệ thờ Vân Trạch Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia (năm 2015).

Nhóm hiện vật được lưu giữ trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hầu hết đều sưu tầm từ những năm đầu thế kỷ XX. Tổng số hiện vật đang lưu giữ ở đây là 86 hiện vật bao gồm: Vật trang trí (62 hiện vật); vật thờ tự (14 hiện vật), chi tiết khác (10 hiện vật); nhiều hiện vật có giá trị được trưng bày như: Tượng Nam thần, tượng nữ thần Laksmi, tượng Makara, tượng Siva, tượng chim thần Garuda, Voi thần Ganeisha, tượng Linga, Yoni…

Nhóm hiện vật lưu giữ tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế (trước đây do Bảo tàng văn hóa Huế lưu giữ), gồm 12 hiện vật  và nhóm hiện vật đang lưu giữ tại Phòng trưng bày Dân tộc học, khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học có 10 hiện vật… Bên cạnh các địa điểm lưu trữ ở trên một số nơi thuộc thành phố Huế, thị xã, huyện cũng đang lưu trữ nhiều hiện vật. Tổng hợp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay có 251 hiện vật Champa được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, trong đó có một hiện vật là Bảo vật quốc gia.

Hướng đi cho việc quản lý, bảo tồn và phát huy

Hầu hết các di tích về Champa trên địa bàn đã trải qua thời gian tồn tại hàng ngàn năm, chịu sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh ác liệt, do vậy đã trở thành phế tích. Vì vậy, vấn đề cần thiết là phải tập trung các nguồn kinh phí để giữ gìn, bảo quản những gì còn lại (xem như là giá trị độc đáo, quý hiếm), nhất là các khu tháp. Một số dấu tích nền móng không có khả năng phục hồi được, thì tôn tạo và cắm biển để cung cấp các thông tin cho du khách và người dân được rõ.

Đối với các hiện vật, tình trạng chung là hiện vật Champa đang do nhiều tổ chức, cơ quan quản lý. Vì vậy việc bảo quản có nhiều khó khăn tùy thuộc theo khả năng từng nơi, đa số không thực hiện đúng các phương pháp khoa học, nhiều hiện vật có giá trị chưa được đưa ra trưng bày phục vụ nhu cầu tham quan.

Để bảo vệ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Champa trên địa bàn, đề nghị cần thống nhất việc quản lý hiện vật hiện nay do các tổ chức nhà nước quản lý về một đầu mối (thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế hoặc thành lập Bảo tàng văn hóa Champa Huế). Đơn vị chuyên môn khi được tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì sẽ xây dựng kế hoạch quản lý (Đề cương trưng bày, phát huy, kinh phí thực hiện, lực lượng cán bộ chuyên môn…). Việc thiết lập địa điểm trưng bày này sẽ đảm bảo sự an toàn cho hiện vật; đồng thời tạo nên một địa chỉ tham quan để du khách và người dân đến chiêm ngưỡng.         

Ngoài ra, ở Huế số lượng hiện vật do các nhà sưu tập tư nhân nắm giữ còn khá nhiều từ 40 - 50 hiện vật. Do đó, nhà nước sớm ban hành cơ chế khuyến khích, vận động để họ hiến tặng, cho mượn trưng bày hoặc cho phép làm các bản sao (hiện vật có tính quý hiếm), đồng thời có kế hoạch bố trí nguồn kinh phí để mua lại các hiện vật có giá trị cao nhằm tránh sự thất lạc, mất mát về sau.

Đối với các hiện vật gắn liền với tín ngưỡng của cộng đồng đang được lưu giữ và bảo quản tại các phế tích và những điểm thờ tự (các hiện vật này không thể cách ly khỏi không gian văn hóa mang tính linh thiêng), cần có kế hoạch tu bổ, tôn tạo các địa điểm, đồng thời xây dựng phương án bảo vệ đảm bảo an toàn cho các hiện vật.

Văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế là một thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Việc giữ gìn và phát huy các di tích và hiện vật sẽ làm giàu kho tàng văn hóa đất nước, đồng thời góp phần nâng cao hưởng thụ văn hóa của người dân, tạo nên những địa chỉ hấp dẫn thu hút khách du lịch khi đến vùng đất Thừa Thiên Huế.

TS. Phan Tiến Dũng

(Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẽ tổ chức hội thảo khẳng định giá trị địa điểm lịch sử cách mạng tại Bàu Bàng
Sẽ tổ chức hội thảo khẳng định giá trị địa điểm lịch sử cách mạng tại Bàu Bàng

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Lộc cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy Huế, Ban Tuyên giáo Thị ủy Hương Thủy và Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế vừa tổ chức họp bàn kế hoạch chuẩn bị tổ chức Hội thảo khoa học về địa điểm lịch sử cách mạng tại Bàu Bàng ở thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc.

Tiếp nhận và xây dựng văn hoá mới từ nền tảng Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943
Tiếp nhận và xây dựng văn hoá mới từ nền tảng Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943

Nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục), Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam) và GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, khẳng định, bản Đề cương đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện sức mạnh soi đường quốc dân đi của văn hoá.

TP Huế khảo sát, điều chỉnh hồ sơ di tích
TP. Huế khảo sát, điều chỉnh hồ sơ di tích

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn, đồng thời đảm bảo tính pháp lý và khoa học của hồ sơ di tích, UBND TP. Huế sẽ phối hợp với Bảo tàng Lịch sử tỉnh và UBND các phường, xã khảo sát, thống nhất phương án điều chỉnh hồ sơ một số di tích đã được xếp hạng.