Thứ Ba, 13/11/2018 10:36

Dạy học trực tuyến: “Cái khó ló cái khôn”

Trong thời điểm dịch bệnh, thiếu phòng học để học tập thì nhiều trường phát huy tối đa không gian mạng. “Cái khó ló cái khôn”, COVID-19 như cú hích để toàn hệ thống chuyển từ dạy học truyền thống sang online.

Linh hoạt kế hoạch năm họcKiếm tra học kỳ bằng hình thức trực tuyếnSinh viên Đại học Huế tiếp tục học trực tuyến đến 15/5

Học sinh Trường tiểu học Quang Trung (TP. Huế) học online

Ghiền học online

Nhớ lại cách đây hơn 1 năm, lúc dịch COVID-19 bùng phát, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đầu tiên dạy học trên truyền hình. Đồng nghĩa với việc học sinh ở các trường đều học online. Những ngày đầu bỡ ngỡ, lạ lẫm, tâm lý của phụ huynh, học sinh và cả giáo viên bất ổn. Cứ trông dịch qua nhanh để các em về lại trường lớp. Thế nhưng, dịch bệnh kéo dài triền miên, dạy học trực tuyến là giải pháp hợp tình, hợp lý; giúp học sinh củng cố và không làm gián đoạn kiến thức. Nói rộng hơn, đây được coi là xu thế tất yếu trong tương lai.

Một thầy giáo dạy Lý ở Trường THPT Hai Bà Trưng kể, ban đầu chưa quen, học online như “cái chợ”, nhiều em tắt micro, camera để làm việc riêng nhưng bây giờ các em đã thích nghi với cách học này. Nhiều em chủ động kết nối thành một nhóm và yêu cầu thầy giảng lại bài. Ngay cả chuyện luyện thi của đội tuyển học sinh giỏi, lượng kiến thức các em được “nạp” nhiều hơn mà không cần phải học tập trung như trước.

Học trực tuyến lan tỏa hầu hết ở các trường trong thành phố, đồng thời trở thành một công cụ hữu ích trong việc khai thác thông tin khi phần lớn các em đáp ứng được các yếu tố như có điện thoại smarphone, có máy tính và đường truyền internet ổn định. Hỏi chuyện, học online không có giáo viên dạy trực tiếp, thiếu tương tác có nhàm chán không? Nhiều em cười, bọn em quen rồi, muốn nắm chắc kiến thức chỉ cần ghi âm lại, đoạn mô không hiểu tiếp tục xem sau.

Học sinh dần thích nghi hình thức học online

Sử dụng công nghệ kết nối với nhiều giáo viên ở các trường huyện, hỏi đã ứng dụng dạy trực tuyến vào lớp học chưa? Nhiều cô giáo khoe “chiến tích”, đã áp dụng nhiều rồi sau đợt dịch, học online bằng nhiều cách, nhóm nhỏ có, cả lớp có, rồi giao bài tập về nhà nộp vào nhóm lớp cũng có... Giáo viên đã biết cách khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin, như: slide trình chiếu, video hình ảnh nên nội dung bài học đã cụ thể, trực quan sinh động hơn... mà đôi khi trên lớp học trực tiếp không đủ điều kiện, phương tiện để thể hiện. Thế nên, nhiều học trò ghiền học online.

Điểm “thua thiệt” của các trường huyện là tỷ lệ học sinh được hỗ trợ thêm kiến thức qua dạy trực tuyến chỉ khoảng từ 40% - 50%. Trao đổi với Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới, bà Lê Thị Thu Hương cho biết, học sinh A Lưới học trên truyền hình còn đông đủ chứ học trực tuyến cũng chừng khoảng 40%. Không có đủ điều kiện để sắm cho con máy điện thoại thông minh đã đành, nhưng bất cập lớn nhất là hạ tầng mạng viễn thông cung cấp dịch vụ internet ở đây còn yếu nên việc truy cập, phục vụ việc dạy và học trực tuyến gặp khó khăn.

Đa dạng cách học

Mỗi nơi đều sử dụng công nghệ theo cách riêng. Một số trường đã đa dạng hóa phương pháp dạy để giúp học sinh thích nghi. Không có điện thoại thông minh, mạng yếu, giáo viên soạn giáo án “nguội”, nghĩa là quay video bài giảng rồi đưa lên YouTube để các em tiện theo dõi. “Chúng tôi vận động phụ huynh cho con em mượn smarphone để học trực tuyến vào ban đêm. Các lớp đều xây dựng lớp học trên mạng và giáo viên bộ môn thường xuyên gửi bài học, bài tập để các em làm bài và hàng có kiểm tra đánh giá”, thầy giáo Nguyễn Vinh Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Điền cho biết. Cũng theo thầy Hưng, đây là phương án cần thiết trong hoàn cảnh thiếu phòng học nên phải sử dụng không gian ảo để các em theo kịp chương trình.

Bắt đầu từ 15/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức cho phép dạy học trực tuyến cũng có thể thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục bằng cách thực hiện toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề theo chương trình giáo dục phổ thông. Mới đây, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có buổi làm việc ở các huyện, thành phố và cũng đã trao đổi về vấn đề này. Nguyên tắc dạy học trực tuyến là phải “đảm bảo thực hiện đúng, có chất lượng, hiệu quả, nội dung dạy học theo quy định. Muốn làm được điều này nhà trường cần phải nắm tâm tư của đội ngũ giáo viên, học sinh đã sẵn sàng học trực tuyến hay chưa? Khi xác định ở mức độ nào thì dùng phần mềm dạy học trực tuyến nào thì giáo viên ở cơ sở đó sẽ được tập huấn cụ thể kỹ năng sử dụng phần mềm phù hợp chứ không phải yêu cầu một giáo viên ở vùng sâu, vùng xa tập huấn sử dụng một phần mềm ở mức độ quá cao mà trường học chưa dùng tới hoặc ngược lại. Thông tin này giúp giáo viên yên tâm hơn trong quá trình thực hiện.

Trở lại vấn đề học sinh miền núi tiếp cận chương trình này như thế nào? Theo đoàn công tác của Bộ Giáo dục vào Đào tạo, cùng với quy định này ngành giáo dục sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như điều kiện về đội ngũ để thực hiện mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới với yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Đặc biệt, với những môn học mới đưa vào bắt buộc ở cấp tiểu học như tin học, ngoại ngữ, có thể sử dụng chính hạ tầng ấy để dạy học trực tuyến.

Dịch bệnh là thách thức, nhưng cũng có thể là cơ hội để lĩnh vực giáo dục mạnh mẽ thay đổi, bắt kịp và hội nhập với xu thế đổi mới của giáo dục hiện đại.

Bài, ảnh: Huế Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh
Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh

Ngày 25/2, Trường THCS Nguyễn Đăng Thịnh, TP. Huế phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) tổ chức chương trình Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh và học sinh các khối 8,9.

Giữ chữ cho em
Giữ chữ cho em

Thống kê sơ bộ, năm nay, toàn tỉnh có khoảng 30 học sinh nghỉ học sau Tết.

Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022
Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022

Trong bối cảnh thiếu hụt lượng lớn giáo viên, thì cũng có hàng nghìn giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển từ trường công lập sang các trường tư thục,... Đây là bài toán “đau đầu” với nhiều địa phương.