Thứ Bảy, 28/02/2015 05:26

Đẩy nhanh tiến độ bảo tồn & tôn tạo kinh thành Huế - Bài 1: Mỏi mòn chờ mặt bằng

Dù đã bắt đầu từ năm 1997-1998, tiếp tục vào giai đoạn 2005 – 2006 và “tăng tốc” năm 2011, nhưng đến nay công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phần mặt nam của kinh thành nói riêng, kinh thành Huế nói vẫn chung vẫn chưa hoàn thành, khiến công tác bảo tồn, trùng tu công trình di tích này gặp nhiều khó khăn.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế, là người có nhiều tâm huyết với những kế hoạch phát triển du lịch trên kinh thành. Tuy nhiên, ông đã không còn giữ được sự háo hức như ban đầu khi chia sẻ: “Phải có mặt bằng thì mới làm được, nhưng vướng mắc lớn nhất lại ở chỗ nhiều năm nay vẫn chưa giải tỏa xong. Có hộ đã nhận tiền đền bù từ năm 2006 nhưng vẫn chưa giao mặt bằng, đó là sự vô lý”.

Từ thượng thành nhìn về cửa Nhà Đồ

Niềm tự hào của Huế

Viết về kinh thành, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Thuận An tự hào: “Nếu có người hỏi rằng dân tộc Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XIX đã để lại những công trình văn hóa nào đồ sộ và sáng giá nhất cho hậu thế, phải chăng chúng ta có thể trả lời: về mặt văn học có Truyện Kiều của Nguyễn Du; về mặt kiến trúc có kinh thành Huế…”.

Kinh thành Huế được xây dựng đầu thế kỷ XIX, khi đất nước vừa thống nhất sau mấy trăm năm nội chiến. Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, triều đình vua Gia Long và vua Minh Mạng đã huy động nhân tài, vật lực từ nhiều địa phương trong cả nước để thực hiện công trình kiến trúc đồ sộ này. Kinh thành dài chừng 10km, chạy zic zac tạo thành các pháo đài theo kiểu kiến trúc quân sự Vauban, là công trình quan trọng bậc nhất trong hệ thống di sản văn hóa thế giới tại Huế. Tường thành được xây thành 2 lớp tường chính và 1 lớp xây giật cấp, ở giữa đổ đất đầm chặt, khoảng cách mép ngoài của 2 lớp tường thành là 21m. Thân thành được xây khúc khuỷu với 24 pháo đài lồi ra ngoài.

Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, mặc dù được chính quyền trung ương quản lý nghiêm cẩn nhưng ngay từ thời vua Gia Long, kinh thành đã bắt đầu có dân vào cư ngụ. Từ năm 1945, khi nhà Nguyễn cáo chung, đến năm 1990, kinh thành Huế hầu như bị bỏ phế, công trình ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, chiến tranh tàn phá và người dân vào chiếm dụng ngày càng đông. Từ năm 1991, quần thể di tích Cố đô Huế được xác định là một trong những khu di tích trọng điểm quốc gia, nên kinh thành cũng bắt đầu được bảo vệ bằng những chính sách cụ thể. Một trong những chính sách quan trọng đó là các cấp chính quyền đã nhất trí khoanh vùng bảo vệ kinh thành với khu vực 1 và khu vực 2; trong đó, khu vực 1 bất khả xâm phạm, gồm: thượng thành, các eo bầu và những con đường chạy sát bên trong 4 mặt thành. Năm 1993, khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa thế giới, cùng với niềm tự hào về văn hóa dân tộc còn là “lời cảnh báo đối với những hộ dân đang có nhà cửa trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, nhất là khu vực 1”.

Hiện nay, nhà nghiên cứu Phan Thuận An đang củng cố, bổ sung tư liệu để tái bản cuốn “Kinh thành Huế”. Vậy nhưng, điều ông trăn trở năm xưa vẫn còn nguyên giá trị: "Tòa thành này có giá trị như một di sản quốc gia và quốc tế, nhưng tuổi thọ đã cao, bị chiến tranh cùng thiên nhiên tàn phá một phần nào và còn bị áp lực của cư dân đè nặng. Hy vọng, công trình nghệ thuật này sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị đúng mức trong thời gian tới".

Những ngôi nhà trên Thượng thành chờ giải tỏa

Mòn mỏi đợi bàn giao mặt bằng

TS. KTS. Trần Đình Hiếu, Trưởng Khoa Kiến trúc (Đại học Khoa học Huế) cho rằng, giải tỏa thượng thành là việc cần được làm từ sớm nhưng vì nhiều lý do nên đã trì hoãn quá lâu. Trong điều kiện hiện nay, nếu có khả năng về kinh tế, các cơ quan chức năng cần quyết tâm thực hiện công tác đền bù, giải tỏa, giãn dân và giải phóng mặt bằng trên thượng thành và các eo bầu càng sớm càng tốt. Chỉ có cách đó, Thừa Thiên Huế mới giữ được những kết cấu quan trọng của kinh thành, cải thiện được tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây và mở ra nhiều cơ hội để phát triển du lịch xanh gắn với việc bảo tồn công trình.

Theo TS. Phan Thanh Hải, giai đoạn 1997-1998, công trình kỳ đài được trùng tu nhưng chỉ giải tỏa được một số ít hộ dân trong khu vực. Giai đoạn 2005-2006, tiếp tục triển khai dự án giải tỏa chỉnh trang khu vực phía nam kinh thành Huế, ban đầu dự kiến hoàn thành khoảng tháng 6/2006 để phục vụ Festival Huế 2006, nhưng vẫn chưa thành công. Năm 2011, UBND tỉnh phê duyệt đề án tổng thể gồm 2 hợp phần: giải tỏa mặt bằng với kinh phí hơn 700 tỷ đồng và trùng tu tôn tạo tường thành, kè, hồ, cầu cống, khoảng 500 tỷ đồng. Ở hợp phần tu bổ, tôn tạo di tích kinh thành, năm 2015, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã khởi công hạng mục công trình eo bầu Nam Xương Đài, vị trí từ cửa Thượng Tứ đến cửa Ngăn và cũng trùng tu gần xong các đoạn tường mặt nam từ cửa Thượng Tứ đến Quan Tượng Đài. Bên cạnh đó, trung tâm cũng lên kế hoạch xây dựng tuyến du lịch thượng thành, đoạn từ cửa Thượng Tứ đến góc tây nam – nơi có công trình đình Bát Phong của Quan Tượng Đài. Tuy nhiên, kinh phí hạn chế nên riêng việc giải tỏa mặt bằng khu vực nam thượng thành (từ cửa Thượng Tứ đến Quan Tượng Đài) do UBND TP. Huế thực hiện, đến nay vẫn chưa xong.

Theo kế hoạch, điểm nhấn ý nghĩa trong tuyến tham quan thượng thành là kỳ đài – điểm trung tâm của cố đô Huế. Tại kỳ đài, du khách có thể ngắm sông Hương, thành Huế và toàn cảnh Đại Nội với những cảnh sắc lung linh vào thời điểm bình minh lên từ phía biển, hoặc hoàng hôn dần buông từ phía thượng nguồn sông Hương. Một số doanh nghiệp du lịch có dịp tham gia khảo sát tuyến tham quan này đều đánh giá rất cao về tiềm năng và hiệu quả. Với chiều dài khoảng 1,2km, tuyến du lịch thượng thành hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách trải nghiệm khác lạ, khi Huế là Cố đô duy nhất của Việt Nam còn bảo lưu được kinh thành gần nguyên vẹn.

Mặc dù tuyến du lịch tham quan thượng thành được ấp ủ đã lâu và kỳ vọng là sản phẩm du lịch độc đáo riêng có của Huế, nhưng đến nay Trung tâm BTDTCĐ Huế vẫn chưa triển khai thực hiện được, do chưa thể giải tỏa hết các hộ dân trong khu vực. Mòn mỏi đợi mặt bằng được giải tỏa, TS. Phan Thanh Hải nói: “Chúng tôi rất muốn quảng bá cho tuyến du lịch thượng thành nhưng mãi vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng, nên nói nhiều người ta lại cho rằng nói mà không làm được. Mong UBND TP. Huế đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, áp dụng giải pháp quyết liệt hơn để đưa một số hộ đã nhận đền bù nhưng chưa chịu di dời ra khỏi vùng dự án”.

ĐỒNG VĂN

(còn nữa)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bổ sung đầy đủ nhân lực, vật tư đẩy nhanh tiến độ công trình
Bổ sung đầy đủ nhân lực, vật tư đẩy nhanh tiến độ công trình

Dự án Chương trình phát triển đô thị loại II (đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên Huế là dự án (DA) có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược trong việc giải quyết tình trạng ngập lụt, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, nhiều gói thầu hiện nay đang ì ạch thi công do thiếu mặt bằng, nhân lực dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ công trình.

Tăng tốc thi công các dự án giao thông trọng điểm
Tăng tốc thi công các dự án giao thông trọng điểm

Ngay sau Tết Quý Mão, các dự án (DA) giao thông trọng điểm tại Thừa Thiên Huế đã tăng tốc trở lại, nhất là DA đường bộ ven biển, cầu qua cửa Thuận An và DA đường Nguyễn Hoàng, cầu vượt sông Hương đã được các đơn vị thi công tranh thủ thời tiết thuận lợi huy đông nhân, vật lực bám công trường, đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch.

Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch

Việc đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch (QH) vùng, QH tỉnh, QH ngành, QH đô thị… sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư (ĐT) triển khai các dự án (DA), đồng thời, giúp cho tỉnh và các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Mạnh tay với các dự án đầu tư công chậm tiến độ
Mạnh tay với các dự án đầu tư công chậm tiến độ

Được xem là động lực trong phát triển kinh tế, vì thế việc giải ngân các dự án đầu tư công chậm sẽ gây trở ngại không nhỏ cho phát triển kinh tế. Và để tạo động lực trong tăng trưởng, Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ vừa gỡ khó, vừa thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.