Thứ Hai, 15/01/2018 06:30 (GMT+7)
Để làm tốt hơn quản lý xã hội
Chính quyền của chúng ta hiện nay có 4 cấp. Cấp gần dân nhất là cấp phường xã, gọi là cấp cơ sở. Ngoài chỉ đạo điều hành các hoạt động và quản lý ở địa phương, cấp này còn là “cánh tay nối dài” cho cấp trên. Dưới cấp phường xã, không phải là một cấp chính quyền nhưng cũng có thể gọi là một cánh tay nối dài cho phường xã là thôn, tổ dân phố, cụm dân cư. Như vậy, chúng ta thấy, về mặt quản lý Nhà nước là hết sức chặt chẽ (ít nhất là về mặt hệ thống).
Thế nhưng trong thực tế quản lý xã hội, chưa hẳn là chặt chẽ như vậy. Nhìn vào các hiện tượng xã hội phát sinh và tồn tại, người ta có cảm nhận cấp chính quyền phường xã ở nhiều nơi chẳng những chưa làm hết trách nhiệm của mình mà còn có biểu hiện “né tránh” những nhiệm vụ thuộc về quản lý xã hội, nhất là trật tự xã hội.
Xin được nêu những ví dụ như thế này. Hiện nay, chúng ta thấy việc quản lý vỉa hè ở nhiều nơi, đặc biệt là TP. Huế trở nên nề nếp. Khi chúng ta quản lý được là thấy đường thông hè thoáng ngay, thành phố sạch hơn, đẹp hơn lên ngay. Nhưng động lực cho sự thay đổi này không phải là sự chủ động từ các phường xã mà là từ “mệnh lệnh” của cấp trên. Và một yếu tố nữa, đó là sự tham gia “quản lý Nhà nước” của yếu tố công nghệ.
Những ví dụ khác: ở nhiều xã vùng ven nay được “nâng đời” lên cấp phường do nhờ tốc độ đô thị hóa. Quản lý chính quyền của một xã nó khác với quản lý chính quyền của một phường vì cơ sở, điều kiện kinh tế, điều kiện xã hội khác nhau. Một bên có mật độ đô thị hóa thấp và một bên có mật độ đô thị cao. Một bên dịch vụ phát triển ít, một bên dịch vụ phát triển nhiều… Ở nhiều phường, trong nhiều khu dân cư không còn vườn tược rộng rãi như xưa mà tốc độ xây dựng nhà ở và mật độ dân cư cao hơn lên rất nhiều. Nghĩa là đất cho hoạt động nông nghiệp bị thu hẹp. Thế nhưng những ngành nghề nông nghiệp vẫn còn, trong đó có những ngành nghề gây ra những bất lợi cho cư dân, ví dụ như khi trồng lúa, phát triển vườn cây ăn trái thì phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; nhiều hộ trong khu dân cư vẫn còn chăn nuôi bò, chăn nuôi lợnlàm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và môi trường chung quanh nhưng không được xử lý. Có những chuyện chúng ta tưởng rất nhỏ nhưng về mặt tác động xã hội hoàn toàn không phải vậy. Chẳng hạn như nhiều gia đình nuôi chó. Anh nuôi nhốt trong nhà thì chẳng sao nhưng anh thả chó chạy rông là ảnh hưởng đến nhiều người. Giữa đêm hôm khuya khoắt tiếng cho sủa vang xóm là ảnh hưởng đến người khác… Gần đây, trên cả nước chứ không riêng gì Thừa Thiên Huế người ta nói nhiều đến chuyện ô nhiễm âm thanh vì loa di động. Người dân hát vang xóm vang làng không có một cấp chính quyền nào nhắc nhở. Các nhà hàng tiệc cưới hát từ trưa đến một hai giờ chiều cũng chẳng thấy ai nhắc nhở về chuyện cách âm…Tất cả những hiện tượng nói trên đã có hệ thống pháp luật ràng buộc. Quản lý và thực thi nhiệm vụ quản lý không ai khác là chính quyền cấp phường xã. Như vậy, chính quyền xã đã chưa thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mình!?
Có một điều có lẽ chúng ta cũng cần chú ý là một khi chính quyền không làm tốt nhiệm vụ quản lý. Người dân phản ánh các vấn đề trong đời sống mà không nhận được trả lời thấu đáo hoặc không xử lý thì lòng tin của người dân dần bị mất. Rất có thể họ không còn tin để phản ánh đến chính quyền nữa mà họ tự xử lý theo cách của họ, kể cả những phương cách không mấy tốt đẹp, thậm chí là phạm pháp. Người ta bảo luật lệ không được thực hiện nghiêm hoặc vắng bóng thì có khi “luật rừng” phát sinh là vậy!
Cho nên, chính quyền cấp phường xã nên chú ý đến những điều mà tưởng chừng nhỏ nhặt nhất và hết sức lắng nghe những phản ánh của dân. Những gì ảnh hưởng đến quyền lợi của cộng đồng thì càng nên chú ý.
Lê Phương