Thứ Hai, 05/03/2018 13:15

Để lúa Ra dư “vươn mình”

Phục tráng thành công và được “truyền tai” thương hiệu, nhưng lúa Ra dư tại A Lưới chủ yếu vẫn đang tự tìm kiếm thị trường…

Lúa Ra dư xuống ruộng

Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới kiểm tra giống lúa Ra dư

Tiềm năng, nhưng thị trường chưa rộng

Được gieo từ tháng 5/2020, hơn 100 ha lúa Ra dư tại xã Hồng Thủy đang phát triển tốt, cây đã lên cao chờ ngày đơm bông.

Nhìn những đám lúa Ra dư dọc rẫy, chị Trần Thị Loan, Giám đốc HTXNN Hồng Thủy tin tưởng: “Năm nay trồng nhiều. Với khả năng phát triển tốt như vậy, đến tháng 11 thu hoạch hy vọng năng suất sẽ cao”.

Cùng với sự hỗ trợ của Dự án Trường Sơn Xanh và nỗ lực của địa phương trong việc phục tráng giống lúa địa phương, giống lúa Ra dư đã được cấp chứng nhận hợp quy, đồng thời được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể Gạo Ra dư – Hồng Thủy vào tháng 5/2020. Hiện, gạo Ra dư có giá thành khoảng 45.000 đồng/kg, cao gấp 3 – 4 lần so với một số giống lúa khác.

Tiềm năng lớn, nhưng việc phát triển giống lúa Ra dư ở A Lưới vẫn còn những trăn trở.

Chị Loan tâm sự, trước đây trồng ít, được người dân địa phương thu mua rồi tìm kiếm đầu ra. Hiện nay, trồng với diện tích lớn hơn, bài toán đầu ra ổn định và lâu dài không dễ.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới thông tin: Lâu nay, tuy sản phẩm đã được nhiều người biết đến và hỏi mua, nhưng bài toán tìm kiếm thị trường vẫn còn hiện hữu.

Thị trường thực tế của gạo Ra dư chủ yếu trong tỉnh và còn nhỏ lẻ, chưa tiếp cận địa phương khác. Mở rộng đầu ra từ các chuỗi cửa hàng, siêu thị rất cần thiết nhưng cần trải qua quá trình hợp tác và cần có thời gian. Vừa qua, HTXNN Hồng Thủy được thành lập, mô hình này sẽ phần nào giải quyết vấn đề trên. Tuy nhiên, về tổng thể toàn huyện, nếu nhân rộng giống lúa Ra dư, cần phải tìm thị trường lớn hơn, đồng thời phải hình thành thêm các đầu mối như HTX để tham gia vào quy trình sản xuất, tìm đầu ra.

Tìm thị trường

Huyện A Lưới đặt ra mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp an toàn sinh học theo hướng hữu cơ, phát triển theo chuỗi giá trị, sản xuất tạo ra hàng hóa, trên cơ sở phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Mục tiêu trên rất phù hợp với A Lưới khi địa phương đang có lợi thế để phát triển lúa cạn, đáp ứng việc phát triển nguồn cung.

Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện, A Lưới có lợi thế trồng lúa cạn trên diện tích keo mới khai thác. Cây keo là cây cải tạo đất nên việc kết hợp trên rất hiệu quả, không cần phân thuốc, hóa chất bảo vệ thực vật. Hướng khai thác lợi thế trên phù hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ và hiện nay khách hàng cũng rất thích nông sản sạch.

“Theo chu kỳ 4 năm khai thác, mỗi năm tại huyện khai thác và trồng mới 2.000 ha trên tổng diện tích 12.000 ha keo. Trong khi toàn huyện trồng từ 630 - 650 ha lúa cạn, trong đó lúa Ra dư chiếm khoảng 23 - 24% (từ 150 – 200ha), chủ yếu tại xã Hồng Thủy và một số xã: Quảng Nhâm, Hồng Vân, Hồng Bắc… nên vẫn còn diện tích có thể phát triển thêm lúa cạn”, ông La Ngọc Toàn, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện nói.

Có thương hiệu, lại có tiềm năng phát triển lúa cạn, nhất là lúa Ra dư thì rõ ràng thực hiện mục tiêu chung, huyện A Lưới cần kết nối các doanh nghiệp, công ty để ký kết, bao tiêu sản phẩm, đưa nông sản địa phương “vươn mình” ra khỏi địa phương. Việc kết nối các doanh nghiệp cũng là cách để “tranh thủ” chuyên gia của họ hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo đúng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn sinh học theo hướng hữu cơ, phát triển theo chuỗi giá trị.

Theo đại diện lãnh đạo huyện A Lưới, địa phương đang nỗ lực kết nối với Tập đoàn Quế Lâm tiến tới sẽ có những ký kết hợp tác trong nhiều khâu, bao gồm cả bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm hợp tác với các doanh nghiệp về chế biến nông sản, từ đó tiếp tục mở rộng đầu ra cho giống lúa Ra dư.

Ngoài những ký kết hợp tác sắp tới, huyện A Lưới cũng cần có những phương án, kế hoạch dài hạn trong việc phát triển lúa Ra dư theo hướng hữu cơ sinh học, chuyển giao công nghệ kỹ thuật cho người dân các địa phương, đồng thời có hướng quảng bá phù hợp.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sinh viên TP Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng
Sinh viên TP. Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng

Hàng chục sinh viên đang theo học ngành thiết kế thời trang từ TP. Hồ Chí Minh đã có những ngày trải nghiệm thú vị khi được cùng ăn, cùng ở, cùng khám phá nghề dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi (A Lưới).

Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó hợp tác xã (HTX) làm khâu trung gian kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến sản phẩm đang được ngành nông nghiệp từng bước nhân rộng.

Hoa mận trên vùng cao A Lưới
Hoa mận trên vùng cao A Lưới

Mùa này lên A Lưới, bạn vẫn có thể ngắm hoa và hái quả từ những cây mận ở nhà người dân A Lưới. Bên cạnh hoa đào, hiện, địa phương đang khuyến khích, vận động người dân trồng thêm cây mận ở một số khu vực phục vụ du lịch.