Thứ Bảy, 05/10/2019 09:53

Để nỗi đau không tiếp diễn

Mới đây, rạng sáng ngày 1/4, cái chết của một nam sinh ở Hà Nội cùng bức thư tuyệt mệnh em để lại một lần nữa dấy lên nỗi đau. Một lần nữa nỗi đau lại dấy lên khi cách đây chưa đầy hai tháng, một sinh viên năm nhất ở Bình Định trong lúc bế tắc về tinh thần, cũng đã chọn cách tự kết thúc đời mình trong ngày đầu vào TP. Hồ Chí Minh nhập học.

Những giọt nước mắt trên sân trường

Cách đây 2 năm, chúng tôi có dịp theo một diễn giả đến Huế, cùng những buổi nói chuyện với các em học sinh ở nhiều trường học.

Không chỉ có niềm vui, sự háo hức hay những ước mơ học đường, tại nhiều buổi nói chuyện, chúng tôi nhiều lần phải giấu đi nước mắt nghẹn ngào khi nghe những tâm sự bật lên từ tận đáy lòng của các em. Mới giật mình nhận ra, trong chiếc áo học trò tinh khôi và những đôi mắt trong sáng như vô lo ấy, còn ẩn chứa rất nhiều nỗi buồn, những bế tắc được giấu kín, phút chốc trào dâng khi được chạm đến. 

Là nỗi lòng của những đứa trẻ trong những gia đình không hòa thuận, bố thì thường say xỉn, mẹ thì cáu gắt, quát mắng. Có em muốn học hội họa nhưng gia đình lại  bắt học tiếng Nhật để đi xuất khẩu lao động. Có em sinh ra trong gia đình toàn con gái và luôn phải nghe sự chì chiết của cha: Con gái học làm gì cho nhiều. Lo kiếm chồng, đẻ con là tốt rồi. Lại có em không chịu nổi áp lực khi học chưa tốt, suốt ngày bị cha mẹ so sánh với con nhà người ta... Tôi đã thực sự hốt hoảng khi trên sân trường rợp nắng hôm ấy, có em đã tâm sự rất thật, khi chia sẻ ý nghĩ dại dột có lẽ đã nung nấu từ bao giờ. Rằng, con không muốn sống nữa...

Hơn 5 năm nay, dành nhiều thời gian nói chuyện, lắng nghe các em học sinh ở nhiều trường học trên cả nước, TS. Nguyễn Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Quản trị tri thức TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Càng ở các đô thị lớn, càng là trường chuyên lớp chọn, học sinh càng gặp nhiều vấn đề về tâm lý. Áp lực học hành, sự ganh đua thành tích trong môi trường dạy và học, quá coi trọng điểm số, thành tích đã thực sự trở thành gánh nặng ngoài sức của nhiều học sinh. “Áp lực làm cho không ít em trầm cảm lúc nào không hay, thậm chí không muốn sống vì mệt mỏi, bế tắc... mà nếu không được lắng nghe, không được giải tỏa, sẽ dẫn đến những kết cục đau lòng khó lường trước”. TS. Tùng trăn trở.

Cũng theo TS. Nguyễn Thanh Tùng, xu hướng giáo dục của ta hiện nay chưa quan tâm dúng mức đến rèn đạo đức, nghị lực và trang bị kỹ năng sống cho học sinh. Khoảng cách giữa các thế hệ; sự thiếu được lắng nghe, thấu hiểu; việc áp đặt, đòi hỏi, kỳ vọng quá lớn từ nhà trường, gia đình và  tác động của xã hội... là những nguyên nhân đang tiếp diễn hàng ngày, tạo ra những áp lực nặng nề lên tâm lý học đường của giới trẻ.

Học cách yêu thương

Trước cái chết đau lòng của học sinh ở Hà Nội sáng 1/4, trên trang facebook cá nhân, TS., chuyên gia tâm lý Lê Nguyên Phương xót xa: “Một lời cầu nguyện cho những thanh, thiếu niên đã chấm dứt cuộc đời mình vì những khổ đau trong cuộc sống, từ gia đình, nhà trường, xã hội. Một lời cầu mong cho phụ huynh có tri thức và tình thương để biết cách dạy con và biết cách cảm thông để nuôi dưỡng những đứa con không chỉ thành công mà còn hạnh phúc. Một lời cầu mong cho thế hệ trẻ sớm tìm được ý nghĩa của cuộc sống, can đảm bảo vệ được chủ kiến và nguyện vọng, sáng suốt chọn phương thức cư xử và hành động...”. Và để góp phần ngăn chặn những nỗi đau tiếp diễn ấy, TS. Lê Nguyên Phương  đã tổ chức ngay hội thảo có chủ đề: Mâu thuẫn thế hệ: Vì sao và làm gì?.

Rõ ràng, từ những sự việc đáng tiếc, một lần nữa, vấn đề giáo dục kỹ năng sống, dạy cách đối mặt với khó khăn, áp lực cho học sinh được dư luận quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu học sinh được giáo dục kỹ năng sống từ sớm, trực diện và hiệu quả, các em sẽ có kỹ năng để tự bảo vệ mình, biết giải quyết vấn đề một cách tích cực.

Những cái chết đau lòng của giới trẻ cũng là bài học đối với mỗi gia đình về phương pháp yêu thương, dạy dỗ con cái. “Không ít gia đình đang yêu thương con không đúng cách đã khiến tình yêu thương trở thành bi kịch. Cần thiết người lớn phải học cách làm cha, làm mẹ, học cách yêu thương. Chỉ khi biết lắng nghe, thấu hiểu, yêu thương đúng cách, gia đình, nhà trường mới thực sự là chỗ dựa tinh thần tin cậy của các con. Chỉ khi trẻ được tôn trọng, được lắng nghe, thấu hiểu, các con mới có thể phát triển một cách lành mạnh, toàn diện và nỗi đau không đáng có sẽ ít còn cơ hội tái diễn”, một chuyên gia giáo dục đúc kết.

NHẬT NGUYÊN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nỗi đau hậu chiến
Nỗi đau hậu chiến

Sáng ngày 10/8, tôi nhận được hai yêu cầu của những người chưa quen biết. Cả hai đều là nữ, quê ở miền Bắc và cho biết, sau khi đọc bài “Tấm gương dũng cảm của vị Tham mưu trưởng” (đăng trên Báo Thừa Thiên Huế ngày 12/11/2020), do người thân của họ ở cùng đơn vị với nhân vật mà bài báo đề cập: Thiếu tá Võ Đại An, Tham mưu trưởng Trung đoàn 4 Quân khu Trị Thiên-Huế nên họ đã tìm cách liên lạc với tôi nhờ giúp tìm manh mối nơi hy sinh của những người thân của họ.

Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam vơi bớt nỗi đau “Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”
Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam vơi bớt nỗi đau: “Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”

Chủ trương ấy tiếp tục được ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định tại Hội nghị biểu dương nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin điển hình, tiêu biểu vượt khó. Hoạt động này do Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh tổ chức sáng 4/8, nhân dịp kỷ niệm Ngày Vì nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam (10/8).

Cờ vua, nỗi đau  niềm hy vọng
Cờ vua, nỗi đau & niềm hy vọng

Đằng sau câu chuyện Thừa Thiên Huế từng có đội cờ vua nữ mạnh nhất - nhì cả nước bây giờ không thể có VĐV dự SEA Games, cần đặt ra rõ ràng và sòng phẳng chuyện “giữ chân” các kỳ thủ cờ vua, liên quan đến chính sách đãi ngộ, cả vật chất và tinh thần một cách xứng đáng.

Hóa giải nỗi đau bệnh tật
Hóa giải nỗi đau bệnh tật

Gia đình nào có người bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) cũng chịu nhiều nỗi đau về tinh thần và sự tốn kém kinh tế. Trong khi, nếu cha mẹ chủ động xét nghiệm trước mang thai, sẽ tránh được những trường hợp trẻ sinh ra mang bệnh, hay ít ra cũng hạn chế được những nguy cơ âm thầm truyền gen bệnh cho con, tránh được nỗi đau khi đến cháu là người “gánh bệnh”.