Chủ Nhật, 02/12/2018 14:54

Để trẻ được “chơi mà học”

Tiếng trẻ ríu rít, thỉnh thoảng vang nên tiếng cười giòn tan khiến khách của quán cà phê Olab Farm, nơi diễn ra buổi ngoại khoá trải nghiệm liên quan đến bartender (người pha chế nước uống) dành cho trẻ 6-12 tuổi do Hatching Eggs tổ chức, đều phải lắng nghe và mỉm cười.

Trang bị kỹ năng phòng, thoát nạn cho trẻ emSôi động lớp năng khiếu

Đó là một trong những buổi “chơi mà học” nhằm giúp các học viên nhí của trung tâm ngoại ngữ tiếp xúc trực tiếp với từ ngữ chuyên sâu về pha chế mà nếu ở một ngữ cảnh khác, các em sẽ khó liên hệ.

Các em nhỏ vừa học tiếng Anh, vừa học cách pha chế các loại nước trái cây

Trẻ được học mà chơi

Theo xu hướng giáo dục toàn cầu, việc học ngoại ngữ ngày càng sớm và không áp đặt trong khuôn mẫu, giáo trình cụ thể. Thay vào đó là phương thức học dựa vào sự phát triển tự nhiên theo lứa tuổi và môi trường sống tích cực. Vì điều đó, các trung tâm ngoại ngữ tổ chức dạy ngoại khoá, nhất là với nhóm tuổi từ 6-12. Tuổi càng nhỏ, các em càng khó tập trung khi ngồi bó trong lớp với giáo trình khô khan, trong khi các cháu lại hiếu động, tò mò và nhạy bén hơn hẳn khi được tham gia các sự kiện.

Sự phối hợp giữa ngôn ngữ và hành động trong các trò chơi theo chủ đề luôn thu hút sự chú ý, kích thích khả năng ghi nhớ của trẻ tốt hơn. Nhiều phụ huynh khẳng định, con em họ nhanh thuộc từ ngữ khi học tiếng Anh thông qua các hoạt động ngoại khóa, nhất là các em chưa biết chữ (lứa tuổi có độ tập trung ngắn nhưng dễ dàng lĩnh hội ngôn ngữ qua các hoạt động lặp đi, lặp lại). Ở tuổi này, các em rất ưa thích các trò chơi vận động có khám phá, nên việc lồng ghép trải nghiệm thực tế vào quá trình học sẽ giúp trẻ háo hức hơn, các em sẽ vì yêu, vì thích để học chứ không vì bị bắt buộc.

Vấn đề còn lại là giáo viên, làm sao để lồng ghép các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết vào buổi học có hiệu quả. Để nâng cao chất lượng giáo dục, Trung tâm Pingo đã lồng ghép chương trình học ngoại ngữ vào các hoạt động. Phương pháp thường xuyên nhất là đưa lớp học ra bên ngoài với nhiều trải nghiệm thực tế. Hình thức này giúp các em tăng cảm hứng học tập, vui vẻ hơn và có thể áp dụng tối đa vốn từ”. Cô Nguyễn Diệu Ái, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Pingo chia sẻ.

Đây không phải là hoạt động cá biệt của Pingo, các trung tâm ngoại ngữ dành cho trẻ hiện đều thường xuyên tổ chức các chuỗi hoạt động ngoại khóa, nhất là vào mùa hè. Để thu hút người học, các trung tâm xây dựng chương trình công phu, luôn có yếu tố mới lạ gắn với sự phát triển chung. Các “thượng đế nhỏ” không chỉ vui chơi, học ngoại ngữ mà còn được lồng ghép kiến thức xã hội như bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái, hướng nghiệp… theo các chủ đề. Anh Lê Văn Kỳ, Trung tâm Hatching Eggs cho rằng: “Các bé học tại điểm trải nghiệm, bằng hình ảnh, sự kiện thực tế, luyện tập bằng những trò chơi và trong lúc vui đùa nên tiếp thu nhanh”.

Yên lòng phụ huynh

“Mình khá đắn đo về vấn đề cho con đi học ngoại ngữ vì bé mới 6 tuổi, còn quá nhỏ… Nhưng ngày nay, ngoại ngữ rất quan trọng, nên bé được làm quen với một ngôn ngữ phổ biến như tiếng Anh càng sớm càng tốt. Việc chọn một nơi tốt để bé học Anh văn được vợ chồng mình rất quan tâm. Từ khi cho bé tham gia khóa học có hoạt động trải nghiệm, bé rất thích thú, thường xuyên tìm cách sử dụng những từ học được…”. Chị Nguyễn Thị Thúy, phụ huynh vừa trò chuyện, vừa chỉ tay về cô bé đang chơi đùa cùng bạn trong nhóm học nói một cách tự hào.

Để có những buổi học như thế này tuy dễ nhưng lại khó. Giáo viên hướng dẫn không chỉ giỏi chuyên môn mà phải có kiến thức xã hội và nghiệp vụ sư phạm tốt. Trung tâm phải có điều kiện CSVC tốt để phục vụ trẻ từ học tại chỗ đến học ngoại khoá. Ở Huế, số lượng trung tâm Anh ngữ khá nhiều, nhưng những trung tâm có thể đáp ứng được các yêu cầu này không nhiều. Vì thế, nếu nhìn từ “những mảng sáng” trong dạy và học tiếng Anh cho trẻ ở các trung tâm thì đây chính là những mô hình cần nhân rộng.

Hiệu quả mà phương pháp này mang lại góp phần nâng cao chất lượng học tiếng Anh cho học sinh trên địa bàn. Nhưng muốn khai thác mô hình này, ngành chủ quản cần nâng cao tiêu chí về CSVC, chương trình, nhân lực… khi cấp phép cho các trung tâm hoạt động. Học tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung sớm là cơ hội nhưng cũng là con dao hai lưỡi nếu các em học phải một giáo viên phát âm chưa chuẩn và thiếu kiến thức xã hội.

Bài, ảnh: Phạm Phước Châu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khánh thành và khởi công Điểm xanh văn hoá
Khánh thành và khởi công Điểm xanh văn hoá

Sáng 12/2, UBND phường Hương Vinh và Hương Sơ, TP. Huế tổ chức lễ khánh thành, bàn giao Điểm xanh tại nhà văn hoá phường Hương Vinh và khởi công xây dựng Điểm xanh tại 29 Nguyễn Văn Linh, phường Hương Sơ.

Tuyên dương 10 đảng viên trẻ xuất sắc
Tuyên dương 10 đảng viên trẻ xuất sắc

Sáng 2/3, Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức lễ dâng hoa, báo công lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và tuyên dương đảng viên trẻ xuất sắc tiêu biểu năm 2022 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

“Lập rào chắn” cho trẻ trước thuốc lá điện tử
“Lập rào chắn” cho trẻ trước thuốc lá điện tử

“Thuốc lá điện tử đa dạng về kích thước, hình dáng và thường có mùi hoa quả hấp dẫn trẻ. Nếu cha mẹ tìm thấy những vật thể có hình dáng bất thường, hoặc ngửi thấy những mùi hương bất thường trong nhà, có thể đó là dấu hiệu của việc trẻ dùng thuốc lá điện tử” – Đó là khuyến cáo của một bác sĩ trong tình hình tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh trong thanh, thiếu niên gần đây.

Hướng nghiệp, tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao
Hướng nghiệp, tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao

Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là mục tiêu các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh hướng đến, thông qua hoạt động hướng nghiệp và tư vấn, giới thiệu việc làm.