Thứ Bảy, 18/07/2020 21:56

Đi chợ Tết quê cuối năm

Những ngày cuối năm, khi mùa xuân lấp ló ngoài hiên, đi chợ quê ngày Tết ở vùng đất Thừa Thiên Huế là dịp để mọi người cảm nhận được niềm vui, sự háo hức và cả nỗi nhọc nhằn của mưu sinh ngày tết. Đó cũng là nơi giúp ta tìm lại ký ức của một thời xa xưa.

Đi chợ ngày tếtTrao quà tết cho người nghèo“Lỡ hẹn” với “Chợ quê ngày tết”

Cau trầu và bánh thuẩn được bày bán tại các chợ quê 

Không quá xa trung tâm và bây giờ cũng đã thuộc về thành phố Huế, nằm bên dòng sông Phổ Lợi và đình làng Dương Nỗ nổi tiếng, nơi còn lưu lại dấu tích của Bác Hồ thời niên thiếu, chợ Nọ (Phú Dương, TP Huế) vẫn giữ được nét quê dân dã.

Ghé thăm chợ vào ngày giáp tết hiếm hoi không mưa, tôi cảm nhận được không khí mua bán tấp nập, rộn ràng người mua, kẻ bán. Ngoài các mặt hàng được các tiểu thương nhập về bán, dạo một vòng quanh chợ Nọ còn thấy xuất hiện nhiều các mặt hàng thực phẩm do chính người dân tự sản xuất, như: buồng cau, nải chuối hay những con gà, con vịt...

Những sản phẩm này đã và đang tạo nên nét bình dị, mộc mạc của những phiên chợ quê. Đặc biệt, khác với ngày thường, phiên chợ Nọ sáng nay có những món hàng độc đáo chỉ ngày tết mới thấy. Ba trong số những đặc sản của chợ là bánh tét, bánh chưng và cau Nam Phổ. 

Được hưởng đặc ân của phù sa sông Phổ Lợi, từ xưa, làng Dương Nỗ, xã Phú Dương đã nổi tiếng với nguyên liệu nếp thơm, gần chục mẫu đất trong làng được “quy hoạch” cho dân làng lấy nếp làm nguyên liệu gói bánh trong ngày tết.

Hiện nay, diện tích đất trồng nếp thơm không còn nhiều nhưng cũng đủ tạo nên thương hiệu bánh chưng, bánh tét chợ Nọ, xã Phú Dương.

Bánh chưng, bánh tét chợ Nọ, xã Phú Dương đã có mặt ở nhiều địa phương trong ngoài tỉnh. Việc duy trì nghề làm bánh chưng và bánh tét vừa lưu giữ được nét văn hóa truyền thống của địa phương vừa tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người dân tại đây những lúc nông nhàn.

Lá chuối được bày bán khắp nơi ở chợ Nọ 

Ngày thường hiếm gặp, thế nhưng dịp Tết lại thấy ở chợ Nọ bày bán nhiều cau trầu, một thứ đồ cúng không thể thiếu trong các lễ cúng gia tiên.

Thứ cau trầu nổi tiếng trong câu ca một thời nổi tiếng “Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh”.

Chợ Dinh cách khá xa nhưng đích thị thứ cau đang bày bán ở chợ Nọ mà tôi mục kích là loại cau của làng bên Nam Phổ. Đất Nam Phổ là đất phì nhiêu, nhưng mật độ dân số quá cao, mà đất thì chật nên người dân xem tấc đất là tấc vàng, phải gia công vun, xới, bón, tưới, mà trồng thứ cau “bánh dầy” với bốn tiêu chuẩn như sau mới đáng gọi là cau Nam Phổ: Mỏng vỏ, nhỏ xơ, tơ lòng, trong ruột.

Cách chợ Nọ tầm hơn 10 cây số, tôi bất ngờ phát hiện ở chợ Vĩnh Tu những đòn bánh khô được bày bán trong một quầy hàng mứt bánh. Đây là loại bánh được làm từ lúa nếp được bung thành nổ, đem trộn đều với các nguyên liệu mứt gừng, cà rốt giã nhỏ, đậu phộng, đường xay mịn đổ vào khuôn dùng chày đóng mạnh, cho ra một đòn bánh dài khoảng 40 cm, vuông vức bốn mặt.

Xưa ở làng như Vĩnh An (xã Phong Bình, huyện Phong Điền) hay Phù Bài (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy), bánh khô là món ăn không thể thiếu trong các gia đình ngày tết.

Một tháng trước tết, có dịp đi ngang qua những làng này, dễ dàng nghe thấy âm thanh của chày vồ đang đóng vào dùi nêm của chiếc khuôn làm bánh khô. Đáng mừng là, giữa muôn vàn loại bánh mứt của ngày tết hôm nay, ở các chợ quê Huế vẫn còn đó những đòn bánh khô truyền thống và dân dã.  

Rủ nhau đi chợ Tết

Đã nhiều năm nay, cứ vào dịp giáp Tết, chúng tôi thường  về các chợ quê vùng ven đô Huế. Huế có cả miền núi, gò đồi, đồng bằng, ven phá và ven biển, mỗi nơi có những nét riêng độc đáo.

Giáp Tết Qúy Mão này, tôi chọn hành trình bắt đầu từ Huế về chợ Nọ vùng đồng bằng, xuống chợ vùng biển Thuận An, qua cầu Tam Giang ngược đường 49 B ghé qua nhiều ở vùng Ngũ Điền, như chợ Cồn Gai, rồi Vĩnh Tu, Điền Hòa, Điền Lộc, Điền Hương …nằm giữa một bên là phá và một bên là biển. Rồi ngược lên chợ Ưu Điềm nơi vùng đồng trũng, ra Quốc 1A rồi người vô chợ Phò Trạch, An Lỗ...

Buôn bán tấp nập ở chợ Cồn Gai 

Chợ Cồn Gai những ngày này tấp nập người mua, kẻ bán. Nhiều loại hàng hóa như: lương thực, thực phẩm, hoa, cây cảnh và nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân được bày bán khá phong phú, với nhiều chủng loại và mẫu mã đẹp bắt mắt thị hiếu người tiêu dùng.

Dạo một vòng quanh chợ, chúng tôi thấy không khí mua bán diễn ra tất bật, chị Nguyễn Thị Hạnh bán hàng nhu yếu phẩm tại chợ cho biết: Khoảng giữa tháng Chạp âm lịch, chủ các gian hàng đã chủ động dự trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, hạn chế tình trạng tăng giá trong những ngày cận tết. Ngoài các gian hàng ổn định còn có thêm nhiều gian hàng mới chỉ bán thời vụ trong dịp tết.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trong việc mua sắm trong dịp Tết Quý Mão 2023, hầu hết ban quản lý các chợ mà chúng tôi tiếp xúc đã bố trí các mặt hàng theo qui định, sắp xếp nơi kinh doanh hợp lý.

Đồng thời, vận động tiểu thương thực hiện việc niêm yết giá, bán đúng giá, thực hiện văn minh thương mại trong việc cân, đong, đo, đếm, bảo đảm đúng số lượng và chủng loại, hạn chế gian lận trong thương mại.

Các ban quản lý còn tổ chức điểm giữ xe, không để các loại xe ra vào khu vực chợ cản trở giao thông. Đội bảo vệ cũng thường xuyên tuần tra giữ gìn an ninh trật tự không để kẻ gian lợi dụng chỗ đông người móc túi. Công tác vệ sinh tại các chợ cũng được quan tâm.

Giáp Tết, thời tiết xứ Huế phập phù, mưa nắng thất thường. Một ngày trước đó Huế còn nắng ráo, vậy mà hôm chúng tôi thực hiện chuyến đi, trời đã chuyển sang rét và lạnh. Có đến chợ quê ở Huế thời điểm này mới thấy nỗi nhọc nhằn của các o, các mệ phải mưu sinh trong dịp Tết.

Co ro và ướt át trong chiếc áo mưa, chị Lê Thị Dung bán lá chuối (gói bánh) và chuối (cúng) chợ Ưu Điềm thiệt thà như đếm: “Lá chuối của nhà trồng có gom thêm của mấy nhà hàng xóm. Còn chuối thì buôn lại kiếm tý lời”. Chúng tôi quan sát thấy cái gọi là gian hàng của chị Dung  chỉ là vài buồng chuối và 4 - 5 xấp lá chuối, trị giá không quá 500 ngàn đồng. Chị Dung  bảo tranh thủ làm thêm dịp tết để kiếm thêm ít tiền tiêu tết.

Dù công nghệ số phát triển, mua hàng chỉ cần 1 click chuột nhưng không vì thế mà chợ quê ngày tết ở các vùng quê kém nhộn nhịp. Chúng tôi nhớ có ai đó đã nói rất hay rằng, đi chợ quê sẽ mang lại cho chúng ta hương vị quen thuộc của xóm làng, được hòa trong không khí náo nhiệt mang âm hưởng của sắc xuân. Thương sao, tiếng người dân quê ở Huế í ới gọi nhau cùng đi … chợ Tết!

Bài, ảnh: HUẾ THU 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Số ca nhập viện do tai nạn giao thông ngày tết giảm
Số ca nhập viện do tai nạn giao thông ngày tết giảm

Chiều 30/1, Bệnh viện Trung ương Huế (BVTW Huế) cho biết, qua thống kê, đợt nghỉ tết vừa qua có 241 ca tai nạn giao thông phải nhập viện cấp cứu, điều trị; trong đó có 1 ca tử vong. Ngoài ra còn có 29 ca tai nạn do đánh nhau.

Lưu giữ nét đẹp truyền thống ngày tết
Lưu giữ nét đẹp truyền thống ngày tết

Sau hai năm bị gián đoạn bởi dịch bệnh, các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống được tổ chức, góp phần xây dựng điểm đến “đậm đặc” về văn hóa cho vùng đất Cố đô.